Khắc phục những bất cập trong dự án phân làn phương tiện tuyến đường Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt

Thứ hai, 04/08/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dự án thí điểm tách làn theo phương tiện tuyến đường Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt, Hà Nội triển khai từ tháng 2-2008. Sau một tháng đầu chấp hành khá tốt, thời gian gần đây, giao thông trên tuyến đường trở lại lộn xộn. Dự án đạt hiệu quả thấp, gây lãng phí và trở thành "tiền lệ" xấu khi triển khai tách làn ở các tuyến đường tiếp theo.
Dự án thí điểm tách làn theo phương tiện tuyến đường Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt, Hà Nội triển khai từ tháng 2-2008. Sau một tháng đầu chấp hành khá tốt, thời gian gần đây, giao thông trên tuyến đường trở lại lộn xộn. Dự án đạt hiệu quả thấp, gây lãng phí và trở thành "tiền lệ" xấu khi triển khai tách làn ở các tuyến đường tiếp theo.
Từ ngày 18-2, các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt (Hà Nội) được phân tách, hướng dẫn đi trên làn đường riêng, để bảo đảm an toàn, nâng cao khả năng thông hành của tuyến, giảm xung đột giữa các phương tiện giao thông đã giảm tai nạn và ùn tắc giao thông trên tuyến đường "huyết mạch" khu vực phía nam thành phố.

Ðây là một dự án thành phần của dự án "Phát triển nguồn nhân lực an toàn giao thông tại Hà Nội" (TRAHUD), do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)  tài trợ cho TP Hà Nội.

Theo đó, tuyến đường Trần Khát Chân-Ðại Cồ Việt, từ ngã tư Trần Khát Chân-Lò Ðúc đến nút giao thông Kim Liên, chiều dài 1.635m, chiều rộng mỗi bên là 17m sẽ được chia làm năm làn đường, phân tách bằng vạch sơn.

Trong đó, hai làn dành cho ô-tô, hai làn cho xe máy, và một làn cho xe thô sơ.

Thành phố Hà Nội và Tổ chức JICA đã đầu tư năm tỷ đồng cải tạo hạ tầng tuyến đường bao gồm: thảm lại mặt đường, sơn kẻ vạch, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông, di chuyển một số cột đèn nằm vị trí bất hợp lý.

Việc triển khai tiến hành theo lộ trình nhiều giai đoạn, để người tham gia giao thông quen dần với quy định mới.

Trước khi triển khai chính thức, trong một tháng, chính quyền quận Hai Bà Trưng và các phường trên tuyến đã mở chiến dịch tuyên truyền người tham gia giao thông, người dân trong phường tuân thủ nghiêm túc việc phân làn khi đưa tuyến vào hoạt động.

Sau mười ngày hướng dẫn, nhắc nhở, từ ngày 28-2, các lực lượng chức năng bắt đầu túc trực, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định 146 của Chính phủ.

Ðánh giá kết quả một tháng đầu thực hiện tách làn phương tiện trên tuyến đường, Cố vấn trưởng Dự án TRAHUD Michimasa Takagi nhận xét: "Ý thức chấp hành của người tham gia giao thông trên tuyến tương đối tốt. Khoảng 90% số người tham gia giao thông trên tuyến đi đúng làn đường quy định, con số này cao hơn sự mong đợi của chúng tôi".

Việc tách làn đường theo loại phương tiện làm cho dòng giao thông trên tuyến trở nên thuần nhất hơn, ổn định hơn, tốc độ giao thông được cải thiện.

Lượng phương tiện tham gia giao thông cũng tăng đáng kể do tác động tích cực của việc phân làn. Mức độ ùn tắc cục bộ sau khi phương tiện bắt buộc phải đi đúng làn đường quy định giảm rõ rệt. 

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, trong quá trình triển khai dự án, chưa có vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào xảy ra trên tuyến đường. Một số "điểm đen" giao thông trước đây như vị trí đầu ngõ 343 và ngõ 349 đường Trần Khát Chân, nay đã được khắc phục.

Tuy nhiên, kết quả này chỉ được duy trì trong một tháng đầu, khi lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc công tác ứng trực, kiểm tra, xử lý.

Từ ngày 21-3, khi các lực lượng rút đi, việc chấp hành của người tham gia giao thông không còn như trước nữa. Chỉ còn khoảng 60% số người tham gia giao thông chấp hành việc tách làn. Hiện tượng lấn làn, vượt trái tuyến diễn ra khá phổ biến. Không ít người vô tư đi xe máy trên làn đường dành cho ô-tô.

Ngược lại, một số xe taxi cũng thoải mái tăng ga trên làn đường cho xe máy. Ðoạn đường Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt trở lại hỗn loạn như chưa từng có một dự án tốn kém được đầu tư tại đây.

Có nhiều nguyên nhân khiến dự án thất bại. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là do tuyên truyền chưa hiệu quả.

Ðể thay đổi thói quen, hành vi giao thông của người dân cần thời gian dài, từ việc hiểu biết đến tự giác chấp hành là một quá trình.

Trong khi công tác này chỉ làm rầm rộ trong thời gian đầu, vì vậy chưa đến được với người dân, nhất là những người lần đầu tham gia giao thông trên tuyến đường.

Có mặt trên tuyến đường vào sáng 15-7, ngày thi tuyển sinh vào các trường cao đẳng, chúng tôi chứng kiến nhiều thí sinh và người nhà từ các điạ phương khác về Thủ đô đi xe máy trên làn đường dành cho ô-tô, rất nguy hiểm.

Nhiều người vi phạm cho biết, không thấy cảnh sát giao thông, hoặc không biết thông tin về việc tổ chức phân làn...

Trong khi công tác tuyên truyền chưa làm "đến nơi, đến chốn" thì lực lượng làm công tác kiểm tra giám sát trên tuyến chỉ tập trung làm ráo riết trong vòng một tháng đầu, sau đó thì rút hết, dẫn đến tình trạng "không ai quản lý".

Vậy có giải pháp nào khắc phục tình trạng nêu trên, tiếp tục triển khai việc tách làn phương tiện trên tuyến đường này?

Ðại diện dự án TRAHUD cho biết, trong thời gian tới, dự án phối hợp Sở Giao thông vận tải thiết kế, trình thẩm định một số biện pháp tổ chức giao thông để phân làn triệt để trên tuyến đường.

Các biện pháp được thực hiện gồm: làm biển báo tấm lớn, hướng dẫn trực quan cho người tham gia giao thông, điều chỉnh tổ chức giao thông tại ngã ba Ðại Cồ Việt - Lê Ðại Hành, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại nút giao thông Trần Khát Chân - Võ Thị Sáu, cho phép xe buýt đi chung làn với làn xe máy, xe thô sơ, đồng thời tăng cường giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông cho đội ngũ lái xe buýt, lắp đặt cọc phân cách mềm tại các đầu nút giao thông để hướng dẫn xe máy và ô-tô.

Tổ chức duy tu và điều chỉnh một số vạch sơn trên tuyến đường...

Tập trung tuyên truyền, giáo dục để người tham gia giao thông hiểu biết đầy đủ về các quy định và ý nghĩa của việc tách làn phương tiện đồng thời với việc tăng cường xử lý người vi phạm.

Cách đây bốn năm, năm 2004, JICA đã hỗ trợ Hà Nội phân làn cho các loại phương tiện trên tuyến đường Kim Mã-Cầu Giấy, nhưng không đạt hiệu quả. Và tình trạng này lại diễn ra ở dự án Trần Khát Chân-Ðại Cồ Việt.

Hà Nội đang chuẩn bị phân tách các phương tiện trên đường Giải Phóng, sau đó sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai phân tách làn đường tại các tuyến Giảng Võ-Láng Hạ, Bà Triệu, phố Huế-Hàng Bài, Liễu Giai-Trần Duy Hưng. Năm 2009 sẽ tiếp tục thực hiện trên các tuyến Trần Quang Khải, Phạm Văn Ðồng, An Dương Vương, Xuân Thủy-Cầu Giấy...

Những bất cập bộc lộ qua dự án phân làn đường Trần Khát Chân-Ðại Cồ Việt cần được sớm khắc phục, để tránh lãng phí tiền của, công sức khi tiếp tục triển khai các dự án tiếp theo.

KIỀU HƯƠNG - BÁO NHÂN DÂN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)