Bất cứ một người dân nào sống và làm việc tại các thành phố lớn ở nước ta, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều bức xúc trước vấn đề ùn tắc giao thông. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ đề cập đến một số nguyên nhân hiện tại gây nên ùn tắc để góp tiếng nói cải thiện tình hình giao thông.
Đã có nhiều ý kiến về việc giải quyết vấn đề này dưới các góc độ khác nhau. Nhưng việc đề cập đến nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông chưa được triệt để và hầu hết đều đổ tội cho chiếc xe máy. Tuy vậy, xét cho cùng thì tự chiếc xe đâu có tự chạy được mà do chính những người điều khiển và rộng hơn là những nhà quản lý và hoạch định giao thông.
Do đó có thể dễ dàng nhận thấy.
Nguyên nhân số một là ý thức chấp hành Luật Giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông (cả phương tiện có động cơ và thô sơ).
Hầu như đa số người điều khiển phương tiện có động cơ đều đã học các lớp về Luật Giao thông đường bộ, được cấp giấy phép lái xe, nhưng học xong hình như “quên” mất việc chấp hành. Tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay xảy ra hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở các nước đó khác với ta ở chỗ, khi có ùn tắc giao thông nhưng người điều khiển phương tiện vẫn chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông, không luồn lách, đi lên vỉa hè, rú còi inh ỏi, còn ở nước ta thì ngược lại mạnh ai nấy đi, “hở chỗ nào đi chỗ nấy”, không theo qui định nào cả.
Nguyên nhân thứ hai là việc phân luồng, phân làn xe chạy, điều phối giao thông, đèn tín hiệu ở nút giao nhau chưa tốt. Đa số đường phố ở nước ta đều hẹp nhưng lại được lưu thông hai chiều, có đường tuy đã qui định ô tô chỉ lưu thông một chiều nhưng lại cho phép ô tô buýt được phép hoạt động hai chiều, mà ô tô buýt có loại đến 45 chỗ ngồi, bến đỗ qui định cho loại ô tô này lại đối diện nhau, gần nơi đường phố giao nhau,... gây ùn tắc giao thông.
Nguyên nhân thứ ba không kém phần quan trọng gây nên ùn tắc giao thông là việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bán hàng của một số đông người bán lẻ, chủ yếu là người bán hàng rong, hàng ăn uống, phụ huynh chờ đón con trước cổng các trường học, xe ôm, bến trông giữ phương tiện giao thông,... Thậm chí, ô tô, mô tô của Công an phường cũng đỗ, dừng ngay dưới lòng đường.
Nguyên nhân thứ tư là việc mở các đường ngang ở các phố có dải phân cách mềm không hợp lý, chỗ quá dầy, chỗ thì quá thưa. Chính những vị trí này đã gây nên ùn tắc giao thông vì thường xuyên là chỗ để người điều khiển phương tiện đổi hướng đi, rẽ trái, hoặc quay đầu xe, đi ngược đường để sang đường được nhanh.
Nguyên nhân thứ năm là mức phạt tiền vi phạm Luật Giao thông vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên đường phố. Đặc biệt là CSGT không quan tâm xử phạt đối với người điều khiển phương tiện thô sơ, bán hàng rong vi phạm Luật Giao thông.
Nguyên nhân thứ sáu là chất lượng phương tiện tham gia giao thông. Thực tế cho thấy, có rất nhiều phương tiện có động cơ khi tham gia giao thông không có đầy đủ đèn chiếu sáng, đèn hiệu xin đường, đèn hiệu khi lùi, đèn phanh, gương chiếu hậu,... như qui định trong Luật Giao thông đường bộ.
Nguyên nhân cuối cùng là trên đường một chiều, một số người điều khiển phương tiện đi ngược chiều, hoặc xuống xe dắt, kéo bộ ngược chiều... không được CSGT hoặc người có trách nhiệm nhắc nhở, xử phạt. Đã là đường một chiều thì phải cấm đi ngược chiều đối với bất cứ hành vi nào, kể cả người đi bộ.
(Giao Thông Vận Tải)