TP Hồ Chí Minh có hơn sáu triệu dân và hai triệu người từ các địa phương khác đến sinh sống, làm ăn, chữa bệnh, học hành. Tốc độ tăng dân số cơ học ở mức cao, gây quá tải đối với cơ sở hạ tầng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm, ngập úng, ùn tắc và tai nạn giao thông. Cơ chế "đồng hạng" đôi khi hạn chế khả năng khắc phục những khó khăn nói trên.
Riêng công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực như: trong ba năm đã dời hơn 1.000 doanh nghiệp gây ô nhiễm hoặc sử dụng nhiều lao động ra ngoại thành và vùng phụ cận. Bước đầu hình thành một số đô thị vệ tinh để giảm mật độ dân ở khu vực trung tâm. Ðầu tư hơn 2.000 xe buýt cùng với chế độ trợ giá để khuyến khích người dân sử dụng vận tải khách công cộng. Hằng năm, thành phố đầu tư từ 5.000 đến 7.000 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp, xây mới cầu đường. Hình thành lực lượng thanh niên xung phong (đội quân áo xanh) để hỗ trợ công an bảo đảm trật tự ATGT ở khu vực trọng điểm và giờ cao điểm...
Triển khai Nghị quyết 32 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, trung tuần tháng 7 vừa qua, Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã có chỉ thị chuyên đề và đưa ra nhiều biện pháp kiên quyết thực hiện mục tiêu nói trên. Trong đó, chú trọng đề cao trách nhiệm cá nhân và đơn vị trực tiếp làm công tác này, yêu cầu các cơ quan, trường học, doanh nghiệp cũng như cán bộ, công chức, viên chức, công nhân gương mẫu thực hiện các quy định về trật tự ATGT...
Ðồng thời, thành phố cũng có một số đề nghị đáng chú ý như sau:
Một là, điều chỉnh một số loại thuế, phí. Hiện nay, tốc độ tăng phương tiện cá nhân rất cao, mỗi ngày thành phố có thêm 1.000 xe hai bánh, 100 xe bốn bánh tham gia giao thông (360.000 xe hai bánh và 36.000 xe bốn bánh mỗi năm), nên đánh thuế trước bạ thật cao đối với người mua xe thứ hai, thứ ba. Ðồng thời, thực hiện thu phí lưu hành đối với phương tiện giao thông cá nhân ở đô thị, tạo thêm nguồn thu phát triển xe buýt và cải tạo cầu đường.
Hai là, được xử phạt qua hình ảnh. Việc này thành phố đã từng làm (khoảng sáu tháng đã xử lý vài trăm nghìn lượt người vi phạm), sau đó Bộ Tư pháp đình lại vì chưa có trong quy định chung. Ðề nghị bổ sung chế tài hoặc cho phép TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện xử phạt qua hình ảnh camera vì có tác dụng rất lớn để khắc phục tình trạng không ít người vi phạm khi vắng mặt cảnh sát giao thông. Tất nhiên, để đạt hiệu quả cao, cần bổ sung quy định khi mua bán xe phải sang tên, để tìm ra người vi phạm nhanh chóng, dễ dàng.
Ba là, về quy định mức bồi dưỡng (từ nguồn tiền xử phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ) cho những người trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự ATGT không quá 700 nghìn đồng/người/ tháng, đối với thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh là chưa hợp lý (trong thực tế đã chi một triệu đồng/ người/tháng cho cảnh sát giao thông). Nên chăng, mức bồi dưỡng cụ thể do từng địa phương quy định, nếu Bộ Tài chính quy định thì nên có các mức khác nhau, căn cứ vào cường độ công việc và mặt bằng thu nhập của từng địa phương...
Ðối với những thành phố lớn, nên có một số cơ chế riêng trong việc xử phạt hành chính về trật tự ATGT. Ðồng thời tăng thêm quyền hạn của Chủ tịch UBND tương xứng với trách nhiệm lớn quản lý giao thông ở các đô thị trung tâm.
(Theo Nhân Dân)