KHÔNG NÊN LẠM DỤNG BIỆN PHÁP
“TẠM GIỮ PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM GIAO THÔNG”.
Không giống như mọi người thường nghĩ, “tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông” không phải là một hình thức xử phạt bổ sung. Việc lạm dụng biện pháp này không phù hợp với tinh thần của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và có nhiều điều bất ổn.
Bản chất pháp lý.
“Tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính” được quy định tại Điều 46 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH ngày 02/7/2002. Theo đó: “việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần để xác minh tình tiết làm căn cứ quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay vi phạm hành chính”.
“Trong trường hợp có căn cứ để cho thấy rằng nếu không tạm giữ ngay thì phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ thì (...) được quyền ra quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính”.
Tại khoản 3 Điều 57 quy định: “Trong trường hợp chỉ áp dụng hình phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lưu hành xe phương tiện hoặc giấy phép lái xe hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có những giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm”.
Theo quy định trên, có bốn trường hợp áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện vi phạm dưới đây:
Thứ nhất. để ngăn chặn vi phạm hành chính. Ví dụ: Khi phát hiện hành vi “điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy phép lái xe bị tẩy xoá” được quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 28 Nghị định 152/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 thì người có thẩm quyền theo quy định phải lập biên bản tạm giữ phương tiện vi phạm để ngăn chặn vi phạm hành chính. Nếu chỉ lập biên bản, tạm giữ giấy phép lưu hành xe và tiếp tục cho đi thì người điều khiển xe tiếp tục có hành vi vi phạm.
Thứ hai. để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ví dụ: Khi phát hiện hai người đi xe mô tô xong xong chạy quá tốc độ quy định, người có thẩm quyền cần tạm giữ phương tiện để xác minh xem hai người đó vi phạm điểm d khoản 9 Điều 13 “Điều khiển xe thành nhóm hai người trở lên chạy quá tốc độ quy định” hay khoản 3 Điều 41 “Đua xe mô tô trái phép”.
Thứ ba. trong trường hợp có căn cứ cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ. Ví dụ: Khi một xe vượt trái phép xe đi cùng chiều và bị va quệt nhẹ, nếu hai bên tranh cãi thì người có thẩm quyền quyết định tạm giữ phương tiện để làm căn cứ xử lý nhằm tránh tình trạng một bên đi sửa chữa, gò hàn hoặc sơn lại xe làm mất dấu vết vụ va quệt để lại trên thân, vỏ xe.
Thứ tư. trong trường hợp chỉ áp dụng phạt tiền mà không có các giấy tờ cần thiết để đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt. Ví dụ: Người đi xe đạp vi phạm điểm b khoản 3 Điều 15 “Đi ngược chiều đường của đường một chiều” mà không có bất kỳ giấy tờ tuỳ thân nào, thì người có thẩm quyền phải tạm giữ phương tiện vi phạm để đảm bảo việc phạt tiền.
Như vậy, về bản chất pháp lý, “tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính” là biện pháp ngăn chặn chứ không phải là biện pháp xử phạt bổ sung. Có thể phân biệt tạm giữ phương tiện vi phạm với các biện pháp xử phạt bổ sung ở một số điểm chủ yếu dưới đây:
Về mục đích: Các biện pháp xử phạt bổ sung được áp dụng nhằm tăng tính giáo dục, dăn đe, phòng ngừa đối với người vi phạm và toàn xã hội, còn tạm giữ phương tiện vi phạm được áp dụng nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm, để xác minh tình tiết làm căn cứ quyết định xử lý hoặc đảm bảo việc việc thi hành biện pháp xử phạt.
Về thủ tục: Các biện pháp xử phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình phạt chính và được thể hiện trong cùng quyết định xử phạt, còn biện pháp tạm giữ phương tiện vi phạm thường được áp dụng độc lập (không được thể hiện trong quyết định xử phạt) và trước khi có quyết định xử phạt.
Thực tiễn áp dụng.
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, ngày 19/02/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2003/NĐ-CP tuân thủ triệt để quy định và tinh thần của Pháp lệnh về biện pháp “tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính” trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Cuối năm 2004, trước tình hình giao thông của thủ đô ngày càng phức tạp, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội có Mệnh lệnh số 04, trong đó cho phép cán bộ, chiến sĩ cảnh sát nhân dân tạm giữ phương tiện trong tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Về mặt pháp lý, Mệnh lệnh 04 không phù hợp với quy định của Nghị định 15/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 và tinh thần Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Chính vì vậy, khi đưa vào áp dụng, đã có nhiều ý kiến không đồng tình với giải pháp trên.
Tuy nhiên, ngày 15/12/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 152/2005/NĐ-CP thay thế Nghị định số 15/2003/NĐ-CP đưa vào nhiều trường hợp không nhất thiết phải tạm giữ phương tiện, bao gồm: điểm c, điểm e khoản 4, điểm a khoản 7 Điều 12; điểm c khoản 4, điểm a điểm 5, các điểm a, d, đ, khoản 7 Điều 13; điểm a, điểm c khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 15; điểm b khoản 3, khoản 4 Điều 27; điểm b khoản 2 Điều 30; điểm d khoản 4, khoản 5 Điều 31; điểm d khoản 4 Điều 38.
Chẳng hạn, trường hợp người có hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” theo điểm e khoản 4, Điều 12 nếu có đầy đủ giấy phép lưu hành xe, giấy phép lưu hành xe và các giấy tờ khác (nếu có) thì không thuộc trường hợp phải tạm giữ phương tiện theo quy định tại Điều 46 và khoản 3, Điều 57 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
Như vậy, trong thực tiễn, nhiều trường hợp biện pháp “tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông đường bộ” được áp dụng như một hình thức xử phạt bổ sung chứ không chỉ đơn thuần là biện pháp ngăn chặn.
Tăng thời gian tạm giữ phương tiện vi phạm: Nên chăng?
Đầu năm 2007, chính quyền Hà Nội tiếp tục đề nghị Chính phủ và Uỷ ban ATGTQG cho phép áp dụng cơ chế đặc thù tăng thời gian tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông như một biện pháp cơ bản nhằm hạn chế vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Theo chúng tôi, có bốn lý do để không áp dụng biện pháp này:
Thứ nhất. việc áp dụng tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông như một hình thức xử phạt bổ sung là không phù hợp với tinh thần Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Khi chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì việc nội dung các văn bản hướng dẫn phải phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến pháp, Luật và Pháp lệnh là yêu cầu bắt buộc. Việc mở rộng phạm vi áp dụng và tăng thời gian tạm giữ phương tiện sẽ không đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa của pháp luật nước ta.
Thứ hai. theo Sở Giao thông Công chính Hà Nội, đến hết năm 2005, tổng diện tích điểm đỗ xe trên địa bàn thành phố là 137 ha, chỉ bằng 1/20 lần mức trung bình ở các nước phát triển và mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu về điểm đỗ cho khoảng gần 150 ngàn xe ô tô ở Hà Nội, chưa kể đến lượng lớn ô tô các tỉnh khác đến và đi hàng ngày. Đặc biệt, ô tô đang là phương tiện cá nhân ngày càng được ưa chuộng và có mức tăng trưởng hàng năm trên 40%. Với việc áp dụng không đúng đối tượng và kéo dài thời gian tạm giữ phương tiện, vô hình chung chúng ta đang làm chặt hẹp hơn quỹ đất dành cho giao thông tĩnh, vốn đã không được dư dả.
Thứ ba. theo Quyết định số 71 của UBND thành phố Hà Nội, phí trông xe được áp dụng: Xe từ 6 chỗ ngồi trở xuống (xe từ 1 tấn trở xuống) giá trông xe là 60.000 đồng/ngày, đêm; xe từ 7 chỗ trở lên (xe trên 1 tấn), phí trông giữ xe là 84.000 đồng/ngày, đêm; xe máy 3.000 đồng/ngày, đêm. Ví dụ 01 xe 5 chỗ vi phạm điểm e khoản 4 Điều 12 Nghị định số 152/2005/NĐ-CP, mức phạt thấp nhất là 100.000 đồng và tiền phí trông giữ xe 10 ngày là 600.000 đồng, tổng cộng là 700.000 đồng. Nếu tăng thời gian tạm giữ lên 15 ngày, tổng tiền phạt và tiền phí trông giữ phải trả là 1.000.000 đồng. Cùng với việc quản lý tại bãi trông giữ xe vi phạm chưa thật sự tốt, có hiện tượng thay đồ mới bằng đồ cũ, không có thiết bị bảo vệ xe,... người dân sẵn sàng “chi” một mức tiền cao hơn trước nhằm tránh bị “nhốt” xe, còn người có thẩm quyền cũng dễ “mủi lòng” khi thấy phong bì đầy đặn. Đó còn chưa kể có hiện tượng không minh bạch trong việc thu chi tiền phí trông giữ như vừa qua phản ánh. Bởi vậy, không loại trừ việc tăng thời gian tạm giữ phương tiện sẽ kéo theo sự gia tăng hiện tượng đưa và nhận hối lộ khi xử lý các vụ vi phạm giao thông.
Thứ tư. các phương tiện giao thông, dù thuộc sở hữu của Nhà nước hay tư nhân, đều là một dạng tài sản có thể sinh lời. Xét về mặt tài chính, khi tiền vốn bị đóng băng và không sinh lời, thì việc sử dụng tài sản đó đối với toàn xã hội là không hiệu quả. Chính vì thế, chúng ta càng tạm giữ nhiều phương tiện thì chúng ta càng lãng phí.
Chúng ta luôn nói: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; mặt khác, pháp luật muốn đi vào cuộc sống phải là chuẩn mực ứng xử được đúc rút từ đời thường. Bởi vậy, chính quyền cần quan tâm hơn đến thực tiễn xã hội khi ban hành các chính sách về trật tự an toàn giao thông.
Người gửi: Bùi Văn Kiên, Hà Nội.
Điện thoại: 0986 900 099
Email: bvkien2001@yahoo.com