Giao thông HÀ NỘI những điều giờ mới nói _ Bùi Văn Kiên, Hà Nội.(tiếp, bài 4)

Thứ hai, 22/01/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
“Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” sẽ mãi chỉ là khẩu hiệu suông nếu như pháp luật không rõ ràng, biện pháp xử phạt không đủ để răn đe, việc áp dụng pháp luật không công bằng và thiếu tính thống nhất. Muốn nâng cao ý thức pháp luật của người dân trong lĩnh vực giao thông, cần bắt đầu từ các cơ quan Nhà nước.

Nâng cao ý thức pháp luật về giao thông:

 

BẮT ĐẦU TỪ CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

 “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” sẽ mãi chỉ là khẩu hiệu suông nếu như pháp luật không rõ ràng, biện pháp xử phạt không đủ để răn đe, việc áp dụng pháp luật không công bằng và thiếu tính thống nhất. Muốn nâng cao ý thức pháp luật của người dân trong lĩnh vực giao thông, cần bắt đầu từ các cơ quan Nhà nước.

 

Nguyên nhân cơ bản TNGT.
Báo cáo của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia tại Hội nghị an toàn giao thông toàn quốc (TP. HCM, 21/12/2006) cho thấy, 83,8% số vụ tai nạn giao thông xảy ra do người tham gia giao thông gây ra, trong đó: có 36% chạy quá tốc độ quy định; 17,2% tránh, vượt sai quy định; 13,9% thiếu chú ý quan sát; 6,8% do không đi đúng phần đường; 6,8% sau rượu bia điều khiển phương tiện và 3,1% do đi bộ qua đường không chú ý quan sát.

Trong năm 2006, các cơ quan chức năng đã xử phạt hơn 4 triệu trường hợp vi phạm giao thông, nộp trên 460 tỷ đồng cho ngân sách và tạm giữ 22.000 ô tô, 800.000 mô tô,.. Các lỗi vi phạm cố ý như: chạy quá tốc độ quy định; vượt đèn đỏ; đi lấn làn đường; không có giấy phép lái xe; đi vào đường cấm, đường ngược chiều,... chiếm hơn 60%.

Như vậy, ý thức pháp luật của người dân kém là nguyên nhân cơ bản của tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông. Nhận định này cũng phù hợp với đánh giá của đa số người dân thuộc mọi tầng lớp trên các báo và diễn đàn trực tuyến.

 

Ý thức pháp luật kém, do đâu?
            Ý thức pháp luật của người dân chưa tốt, trước hết bắt nguồn từ văn hoá pháp lý truyền thống của người dân đất Việt. Sống quần cư trong các ngôi làng với lối sống “tự cấp, tự túc”, người dân Việt Nam coi trọng các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của làng xã hơn pháp luật theo kiểu “phép vua thua lệ làng”. Ngay cả trong xã hội hiện đại, người dân chưa thực sự coi pháp luật là công cụ để bảo vệ quyền lợi của mìn nên “vô phúc đáo tụng đình”, những việc liên quan đến pháp luật, toà án, dù là đi kiện hay bị kiện, đều được những người dân quê coi là những điều không tốt đẹp. Bởi thế, đa số người dân có thói quen không hành xử theo pháp luật.

       Thứ nhất.  hệ thống pháp luật của chúng ta nhiều tầng nấc, thay đổi liên tục trong khi công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục chưa được quan tâm đúng mức nên người dân không nắm chắc được các quy định của pháp luật để thực thi. Chỉ trong vòng ba năm, Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, được bổ sung bằng Nghị định 92/2003/NĐ-CP, rồi được thay thế bằng Nghị định 152/2005/NĐ-CP và đến nay bản thân Nghị định 152/2005/NĐ-CP cũng đang có yêu cầu sửa đổi. Với việc học và sát hạch để cấp giấy phép lái xe không nghiêm túc như, thì việc đa số người dân không biết nhiều về các quy định của pháp luật là điều tất yếu.

       Thứ hai.  do không nghiêm túc tổng kết việc áp dụng pháp luật trong lĩnh vực giao thông nên các quy định về xử phạt vi phạm không phù hợp với đời sống thực tiễn, không có tác dụng dăn đe, phòng ngừa đối với người vi phạm và không có tác dụng giáo dục đối với toàn xã hội. Chẳng hạn, được ban hành từ ngày 15/12/2005, khi tình trạng tai nạn giao thông đã được báo động, nhưng hành vi chạy quá tốc độ từ 05 km đến dưới 10 km chỉ bị phạt từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng đối với xe mô tô và 20.000 đồng đến 30.000 đồng đối với ô tô tương đương từ 1 đến 2 tô phở là quá nhẹ, không đủ để răn đe người vi phạm.

      Thứ ba. các cơ quan quản lý nhà nước thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông. Năm một đôi lần, chính quyền địa phương tổ chức đợt ra quân hay cao điểm xử lý vi phạm, nhưng hết đợt cao điểm, tình trạng xử lý vi phạm lại bị buông xuôi, được chăng hay chớ nên không tạo thành thói quen tuân thủ pháp luật cho những người dân. Mặt khác, có hiện tượng xin xỏ, thậm chí tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm làm cho người dân mất lòng tin vào sự nghiêm minh của pháp luật. Thế nên mới có hiện tượng người dân chỉ sợ công an mà không sợ luật.

       Thứ tư. cán bộ, công chức, những người có trách nhiệm chính trong việc quản lý và giáo dục người dân thực hiện pháp luật lại không nghiêm túc thực hiện các quy tắc giao thông nên không có khả năng cảm hoá người dân.

            Và cuối cùng, tâm lý đám đông luôn thắng thế khi sự thiếu ý thức của một số người kéo theo sự thiếu ý thức chung của toàn xã hội. Đôi khi gặp đèn đỏ mà không có cảnh sát giao thông, nếu bạn dừng lại, nặng thì sẽ bị đâm vào đèn hậu, còn nhẹ cũng nhận được câu chửi tục hay một cái bĩu môi.

 
  Một vài giải pháp.
            Ý thức pháp luật về giao thông của người dân không thể được nâng cao trong ngày một ngày hai. Chỉ khi nào pháp luật thực sự rõ ràng, biện pháp xử lý đủ mạnh và việc thực hiện, xử lý nghiêm minh, công bằng, thống nhất thì người dân mới thực sự tin tưởng làm theo. Bởi thế, muốn nâng cao ý thức pháp luật của người dân, cần bắt đầu từ việc thay đổi tư duy và cách thức làm việc của các cơ quan Nhà nước - người có trách nhiệm ban hành, giám sát việc thực hiện, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông trong toàn xã hội. Có thể tham khảo một số giải pháp dưới đây:

            1. Sửa đổi, bổ sung Nghị định 152/2005/NĐ-CP theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi có lỗi cố ý và có nguy cơ gây tai nạn hoặc ùn tắc giao thông cao như: điều khiển xe không có giấy phép lái xe; chạy xe quá tốc độ cho phép; vượt trái phép; đi lấn làn đường, đi vào đường cấm, đường ngược chiều; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc đèn tín hiệu giao thông,... Việc sửa đổi, bổ sung phải tính sự thay đổi của đời sống xã hội cũng như mức sống của người dân trong 5 năm tới để có khung xử phạt đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm cũng như có tác dụng giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về giao thông.

            2. Xây dựng website về trật tự, an toàn giao thông với các nội dung về tuyên truyền, cập nhật và cung cấp văn bản pháp luật về giao thông miễn phí, công khai việc xử lý các vi phạm hành chính hoặc các vụ án vi phạm hình sự trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Có thể lựa chọn những hình ảnh tai nạn thảm khốc đưa lên để cảnh tỉnh những người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông.

            3. Chấn chỉnh việc học và sát hạch cấp giấy phép lái xe các loại. Trong nội dung chương trình học, ngoài các quy định của pháp luật, cần dành thời lượng hợp lý cung cấp thông tin cho người học về con số thống kê các vụ tai nạn, hậu quả của tai nạn giao thông để lại cho bản thân người bị nạn, gia đình và toàn xã  hội. Thi lý thuyết áp dụng chương trình thi trắc nghiệm khách quan trên máy vi tính được với đề thi được tổ hợp từ đầy đủ các quy định của pháp luật về giao thông.

            4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Các cấp chính quyền không cần tổ chức các đợt ra quân, cao điểm nhưng phải xử lý nghiêm minh tất cả các cá nhân, tổ chức vi phạm. Tập trung lực lượng xử lý các hành vi có nguy cơ gây tai nạn hoặc ùn tắc giao thông cao. Xử lý nghiêm khi phát hiện người làm công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông có biểu hiện tiêu cực, bao che cho người vi phạm.

            5. Áp dụng biện pháp phạt “nguội”. Áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính thông qua  việc ghi hình, chụp ảnh vi phạm. Biện pháp này đã được áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng đã có ý kiến phản đối vì cho rằng trái luật. Tuy nhiên, khi không thể phủ nhận băng ghi hình và ảnh vi phạm cũng tương tự như hình ảnh chụp khi chạy quá tốc độ, là nguồn chứng cứ cần thiết để ra quyết định xử phạt. Trong điều kiện hiện nay, cần áp dụng đại trà để nâng cao ý thức người dân.

            6. Giáo dục cán bộ, công chức gương mẫu chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Thay thế xe tải thùng không mui bằng các loại xe đảm bảo an toàn cho lực lượng cảnh sát khi đi làm nhiệm vụ. Nếu không phải trường hợp đặc biệt khẩn cấp, các xe của lực lượng vũ trang khi đi làm nhiệm vụ không được đi vào đường ngược chiều, đi lấn làn đường hoặc vào phần đường dành cho xe thô sơ, người đi bộ.

            7. Tăng cường công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, đặc biệt là pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm nâng cao ý thức pháp luật của các em học sinh, sinh viên.

            8. Lựa chọn một biểu tượng vui hoặc linh vật trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tại các điểm công cộng hoặc các vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, cho dựng biểu tượng an toàn giao thông bắt mắt bên cạnh các biển cảnh báo để người dân chú ý hơn trong quá trình tham gia giao thông.

            9. Đưa tiêu chí ý thức chấp hành pháp luật về giao thông vào các quy chế nghề nghiệp, các điều lệ của tổ chức quần chúng để đánh giá ý thức của những người thuộc đơn vị, tổ chức đó trong các hoạt động thi đua, khen thưởng.

            10. Phát hành bộ đĩa các chương trình “Tôi yêu Việt Nam” đã phát sóng trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam để cung cấp miễn phí cho các trường làm bài tập tình huống và trợ giá bán ra thị trường cho người dân. Những chương trình này giáo dục về luật giao thông qua các tiểu phẩm được thể hiện  bởi những danh hài trong Nam, ngoài Bắc nên rất dễ đi vào lòng người.

11. Thường xuyên có các hình thức tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp tại các đơn vị, cơ quan, khu dân cư hay tổ dân phố để nhắc nhở và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân. Người cán bộ cơ sở cần coi việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Khi chúng ta có thể vận động được 100% các hộ dân cư ủng hộ vật chất cho đồng bào bị bão lụt, thì chắc chắn cũng có thể làm tốt công tác tư tưởng trong việc chấp hành pháp luật về giao thông.

 
Ý thức chấp hành pháp luật của người dân đóng vai trò quyết định trong việc giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông. Thể hiện quyết tâm đẩy lùi “quốc nạn” này, các cấp chính quyền hãy bắt đầu bằng việc “sửa lại mình”, tạo điều kiện để dân biết, dân hiểu, sống và làm theo pháp luật.

 

Người gừi:        Bùi Văn Kiên, Hà Nội.
Điện thoại:        0986 900 099
Email:               bvkien2001@yahoo.com

Bùi Văn Kiên, Hà Nội.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)