Năm một đôi lần, vào những dịp lễ tết, người dân xa quê kiếm sống mong muốn được trở về nơi chôn rau, cắt rốn. Xe ít, khách nhiều, “thượng đế” đành chấp nhận cảnh nhét nhồi còn nhà xe thì được mùa “gặt hái”. Muốn xoá bỏ căn nguyên tình trạng xe “nhốt” khách, cơ quan chức năng cần có giải pháp cân bằng cung - cầu trong những ngày cao điểm.
Xoá xe “nhốt” khách:
PHẠT NẶNG CHƯA ĐỦ.
Năm một đôi lần, vào những dịp lễ tết, người dân xa quê kiếm sống mong muốn được trở về nơi chôn rau, cắt rốn. Xe ít, khách nhiều, “thượng đế” đành chấp nhận cảnh nhét nhồi còn nhà xe thì được mùa “gặt hái”. Muốn xoá bỏ căn nguyên tình trạng xe “nhốt” khách, cơ quan chức năng cần có giải pháp cân bằng cung - cầu trong những ngày cao điểm.
Xe “nhốt” khách....
Ngày 7/02/2006, xe khách mang biển số 92K-4221 của Quảng Nam, sau khi đã xếp khách chật kín trong khoang xe, đã tiếp tục “nhốt” 22 khách vào dưới gầm xe, nơi thường ngày chỉ nhốt gia súc và hàng hoá.
Ngày 13/02/2006, xe khách mang biển số 36L-6803 chạy từ Thanh Hoá vào các tỉnh phía Nam, trên xe chở đến 122 người, trong khi xe chỉ được phép chở 51 người. Đặc biệt, có tới 7 khách được nhà xe cho nằm trên mui. Để đề phòng khách rơi và che mắt các lực lượng chức năng, nhà xe đã cho dùng dây cột chặt số khách này vào thành xe rồi phủ bạt.
Mới đây nhất, ngày 03/12/2006, CSGT tỉnh Quảng Ngãi phát hiện và xử phạt xe khách 46 chỗ nhưng chở tới 120 hành khách. Lái xe là Nông Hoàng Tú, chạy tuyến Bắc - Nam, bị phát hiện khi chạy trên Quốc lộ 1A, đoạn đi qua xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Một cán bộ Phòng CSGT tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, có đến 90% số xe hoạt động trên Quốc lộ 1 hiện nay đều chở quá số người quy định. Còn Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Thế Minh cũng cho rằng, xe tải Bắc - Nam nhồi khách gấp 2 - 3 lần công suất.
Việc nhà xe “nhốt” khách như trên, một mặt vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ, mặt khác thể hiện sự coi thường tính mạng của hành khách của nhà xe. Nhưng nhà xe cũng không thể “nhốt” khách nếu người dân không đồng ý lên xe.
... thế thời phải thế!
Có hiện tượng “nhốt” khách như trên, trước hết là do tình trạng mất cân bằng cung - cầu trong vận tải hành khách, đặc biệt là tuyến Bắc - Nam. Với chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý, tốc độ phát triển kinh tế cao, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã thu hút hàng vạn lao động từ các tỉnh Bắc - Trung Bộ vào làm việc. Những dịp lễ, tết được nghỉ dài ngày như 30/4, 1/5; Tết Nguyên đán, người lao động mong muốn được về quê để thăm hỏi gia đình, người thân nên lượng khách thường tăng gấp 3 – 4 lần. Đi qua đoạn đường từ KCN Sóng Thần (Bình Dương) đến KCN Biên Hoà (Đồng Nai) vào đêm ngày 29/04/2006, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh hàng ngàn người đứng ngồi đủ kiểu để chờ xe ra Bắc. Nhưng cũng không ít người phải ngậm ngùi ở lại vì không đón được xe.
Là người cung cấp dịch vụ, vì tham lợi, nhà xe đã coi thường tính mạng khách hàng, vi phạm các quy định pháp luật. Thực tế, việc chở quá số người quy định của xe khách rất phổ biến, không chỉ các tuyến đường dài và cũng không chỉ của các xe “núp bóng”. Trên xe khách chất lượng cao Hà Nội - Hải Phòng, cũng luôn có một chồng ghế nhựa và khi đã quá đông, “thượng đế” đành phải an toạ trên những hàng ghế đó, mặc dù tiền vé cũng không bớt được một hào.
Việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng cũng chưa đến nơi đến chốn. CSGT chủ yếu làm việc theo giờ hành chính, thế nên ngoài giờ ấy, nhà xe vẫn chở khách quá số chỗ ngồi một cách “vô tư”. Có trường hợp, CSGT dừng xe, nhưng không lên xe, chỉ kiểm tra giấy tờ với quy trình “kẹp - rút - đút” như báo chí nhiều lần phản ánh. Chính tình trạng “mãi lộ” cũng buộc nhà xe phải nhồi nhét khách nếu không sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ sau mỗi chuyến xe.
Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng chưa thực sự nghiêm khắc để đủ sức răn đe. Theo quy định tại điểm k, khoản 5 và điểm g, khoản 6, khoản 10 Điều 12 Nghị định số 152/2005/NĐ-CP, thì mức phạt cao nhất đối với hành vi chở người quá số chỗ ngồi quy định là 1.000.000 đồng và có thể bị đánh dấu số lần vi phạm. Giả sử trường hợp xe 36L-6803 nêu trên không bị phát hiện, với việc nhồi thêm 71 khách, với giá 150.000 đồng/khách, nhà xe có thể thu lời thêm 10.650.000 đồng. “Một vốn, mười lời”, điều này dễ dàng giải thích vì sao nhà xe sẵn sàng phạm luật.
Bản thân hành khách cũng chưa có ý thức tẩy chay xe “nhốt”. Đi nhiều nơi, không mấy khi tôi thấy hành khách từ chối lên xe vì đã hết chỗ ngồi. Có thể họ tham giá vé rẻ hơn, có thể họ muốn đi cùng nhau theo kiểu “buôn có bạn, bán có thuyền”, hoặc đôi khi đơn giản là không muốn mất thêm thời gian chờ xe khác.
Không chỉ là xử lý mạnh tay.
Để chấm dứt tình trạng xe “nhốt”, trước hết, các cơ quan chức năng cần có biện pháp để cân bằng nhu cầu đi lại của nhân dân và lượng xe phục vụ. Trong những ngày cao điểm, các cơ các doanh nghiệp vận tải cần huy động thêm xe hoặc điều chỉnh tần suất các tuyến để có đủ xe phục vụ người dân. Được biết có doanh nghiệp đã tự bố trí xe đưa đón để giảm bớt gánh nặng đi lại cho công nhân. Biểu hiện tốt đẹp giữa giới chủ và người lao động này cần được nhân rộng, đồng thời góp phần giảm áp lực lên phương tiện giao thông công cộng. Ngành đường sắt, bên cạnh việc nối toa, thay toa giường nằm bằng toa ghế ngồi, cần xem xét việc giảm tần suất tàu hàng, tăng tần suất tàu khách để tăng năng lực vận tải hành khách.
Thứ nhất. cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 152/2005/NĐ-CP theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với chủ sở hữu xe (hiện nay quy định xử phạt người điều khiển) chở quá số người quy định. Mức phạt ấy, tối thiểu phải gấp rưỡi số lợi nhuận mà nhà xe thu được khi chở quá số người quy định. Bên cạnh đó, cần xem xét việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các đơn vị có chức năng vận tải hành khách nếu có từ 02 xe vi phạm trở lên.
Thứ hai. thường xuyên kiểm tra các xe khách có dấu hiệu chở quá số người quy định. Trong bất kỳ trường hợp nào, khi dừng xe khách, CSGT phải kiểm tra số khách thực tế trên xe để đối chiếu với số chỗ ngồi được ghi trên Giấy phép lưu hành xe. Nếu chỉ dừng xe mà không kiểm tra số khách, cán bộ, chiến sĩ CSGT sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy chế ngành. Trong trường hợp nhận tiền “mãi lộ” hoặc kiểm tra phát hiện xe khách chở quá số người quy định mà không lập biên bản xử lý, cán bộ, chiến sĩ đó sẽ bị loại ngũ.
Thứ ba. tổ chức tuyên truyền cho người dân biết các quy định của Luật Giao thông đường bộ và sự nguy hiểm của những chuyến xe “nhốt” khách. Khuyến khích người dân tảy chay hiện tượng xe “nhốt” hoặc chở quá số người quy định. Cần có quy định trích tiền phạt để khen thưởng đối với người dân phát hiện các trường hợp xe chở quá người quy định.
Để “an toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi nhà” và bảo vệ quyền lợi của hành khách, mong rằng các cơ quan chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc xoá nạn xe “nhốt” khách. Bên cạnh việc xử phạt nặng xe “nhốt” khách, cần có biện pháp phù hợp để tăng cường năng lực vận tải hành khách trong những ngày cao điểm.
Người gừi: Bùi Văn Kiên, Hà Nội.
Điện thoại: 0986 900 099
Email: bvkien2001@yahoo.com