Nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân về an toàn giao thông (ATGT), Mặt trận tổ quốc (MTTQ) các cấp tỉnh Lạnh Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ là tiêu chí đánh giá thi đua của các gia đình, khu dân cư.
Nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân về an toàn giao thông (ATGT), Mặt trận tổ quốc (MTTQ) các cấp tỉnh Lạnh Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ là tiêu chí đánh giá thi đua của các gia đình, khu dân cư.
Công an xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn tổ chức cho hộ dân ký cam kết không vi phạm ATGT
ATGT đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, trong thời gian qua, các tổ chức chính trị xã hội đã tích cực vào cuộc tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, tích cực tham gia vào công tác đảm bảo trật tự ATGT. Phát huy vai trò của mình, MTTQ các cấp tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với các đoàn thể chính trị, ban, ngành chức năng tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Ông Vi Quang Chung, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Lạng Sơn cho biết, dựa trên chủ đề ATGT của từng năm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể và hướng dẫn, triển khai đến MTTQ các cấp. Cùng với đó, hàng năm MTTQ tỉnh đều ký kết chương trình phối hợp với lực lượng chức năng và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội như: Cảnh sát giao thông, Sở Giao thông Vận tải, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… nhằm tạo ra mạng lưới tuyên truyền sâu rộng, đưa thông tin đến tất cả các đối tượng trên địa bàn dân cư.
Để người dân không chỉ biết mà còn tích cực tham gia đảm bảo trật tự ATGT, MTTQ các cấp đã lồng ghép nội dung ATGT vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đồng thời tổ chức cho 1.824 khu dân cư, 102.441 hộ gia đình đăng ký thực hiện gia đình, khu dân cư bảo đảm trật tự ATGT với các nội dung được cụ thể hóa. Theo đó, không vi phạm các quy định về ATGT là một trong những tiêu chí thi đua quan trọng, bắt buộc khi bình xét danh hiệu Làng Văn hóa, Gia đình văn hóa. Cùng với đó, thông qua các buổi sinh hoạt, họp thôn bản, người cao tuổi, già làng người có uy tín đã đề cập đến những tình huống đang diễn ra trong khu vực như: hậu quả của việc đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách; điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia; phơi nông sản lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; tình trạng thanh niên gây tai nạn; việc quản lý, bảo dưỡng phương tiện giao thông của các gia đình… Bằng cách nói lên những tình huống có thật gây bức xúc trong cuộc sống có ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông của người và phương tiện, các buổi nói chuyện đều được bà con nhiệt tình tham gia, đóng góp ý kiến. Từ đó, tạo ra những thay đổi cơ bản trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về văn hóa giao thông. Từ đầu năm đến nay, MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên và các ban, ngành chức năng tổ chức được 1.667 hội nghị tuyên truyền cho 123.213 lượt người; lồng ghép tuyên truyền nội dung an toàn giao thông tại 189 xã, phường, thị trấn, với trên 1.500 khu dân cư; phát 32.538 bộ tài liệu, tờ rơi cho các lái xe ô tô, xe máy để đảm bảo an toàn khi lưu thông.
Song song với công tác tuyên truyền, MTTQ các cấp còn phát huy vai trò phối hợp vận động giải tỏa hành lang an toàn giao thông. Toàn tỉnh đã thành lập được 725 đội tự quản ATGT với 1.255 thành viên. Các thành viên trong đội tự quản đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân giải tỏa, tháo dỡ 241 vị trí mái che, 281m2 mái vẩy, 9 bãi vật liệu; 38 vị trí hành lang, 330 biển quảng cáo không đúng quy định. Phong trào làm đường giao thông nông thôn cũng được các cấp chú trọng, từ đầu năm đến nay đã có 11.394 km đường liên thôn, liên xã được mở mới; 10.860 km đường được rải vật liệu cứng giúp nhân dân đi lại thuận tiện, đảm bảo an toàn.
Ông Vi Quang Chung cho biết thêm: MTTQ tỉnh đang tập trung xây dựng ít nhất 22 mô hình điểm “xã, phường, thị trấn, khu dân cư, hộ gia đình bảo đảm trật tự an toàn giao thông”. Theo đó, MTTQ sẽ trực tiếp tổ chức hoạt động tuyên truyền cho người dân, cán bộ xã, trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư. Sau đó sẽ nhân rộng mô hình ra các xã, thị trấn trong khu vực. Sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động đã từng bước thay đổi nhận thức và thu hút người dân tham gia đảm bảo trật tự ATGT. Từ đó, từng bước xây dựng văn hóa giao thông tại các khu dân cư.
Nguồn: Báo Lạng Sơn