Vĩnh Phúc: Đảm bảo an toàn bến phà, bến khách ngang sông

Thứ tư, 28/05/2014 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, trong những năm qua Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, giám sát

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 14 bến phà, bến đò và bến khách ngang sông. Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, trong những năm qua Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, giám sát. Bên cạnh đó, hầu hết các bến phà trên địa bàn tỉnh đã xây dựng phương án nhằm đảm bảo tốt an toàn giao thông đường thủy trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy của một số bến đò và đặc biệt là người dân tham gia giao thông tại các bến thủy nội địa còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn là rất lớn, đặc biệt khi mùa mưa bão đang đến gần.

Đảm bảo tốt an toàn giao thông đường thủy trước mùa mưa bão

Chúng tôi có mặt tại bến phà Đức Bác, huyện Sông Lô-  nơi hàng ngày có khoảng trên hai ngàn lượt người và phương tiện đi qua. Trên chiếc phà tự hành 10 tấn đang chuẩn bị cập bến có khoảng hơn hai mươi người và nhiều phương tiện, người thì ngồi lên thành phà, người để xe sát đường lên xuống, người thì trong tư thế sẵn sàng nổ máy phi xe lên mặt đất, song không có ai trong số đó mặc áo phao hay cầm dụng cụ nổi cầm tay. Khi phà cập bến, nhiều người đã không chấp hành hướng dẫn của nhân viên bến phà mà cứ đi, miễn là nhanh hơn, dù chỉ một phút. Khi được hỏi, tại sao không mặc áo phao khi qua phà, chị Nguyễn Thị Hương, xã Đức Bác cho biết: “Mỗi ngày tôi chở cả tạ hàng qua phà, xe nặng thế này, mặc áo phao phiền lắm. Với lại, người dân chúng tôi đi phà đã bao năm, cũng là dân sông nước cả nên cảm thấy bình thường, có gì nguy hiểm đâu”. Anh Lê Đức Trung, xã Đồng Thịnh chia sẻ: "Nắng nóng thế này mặc quần áo không còn toát mồ hôi nữa là áo phao, mà đoạn qua sông này chỉ có một tẹo, mặc xong rồi lại cởi, mất thời gian lắm.”

Người dân cần nâng cao ý thức hơn khi tham gia giao thông đường thủy

Cách bến phà Đức Bác khoảng vài trăm mét là bến đò Đức Bác. Gọi là đò nhưng giờ cũng hiện đại, thuyền sắt, chạy máy động cơ đoàng hoàng. Giá qua đò chỉ bằng hơn 1 nửa qua phà nên cũng có nhiều người lựa chọn đi đò cho tiết kiệm, nhất là những người thường xuyên phải qua sông hàng ngày. Tuy nhiên, cũng không có ai mặc áo phao, dụng cụ nổi cầm tay. Trong khi đó, các thiết bị này được treo, móc dọc theo thành phà.

Tại Bến phà Then, xã Tử Đà, tỉnh Phú Thọ điểm đến bên Vĩnh Phúc là xã Yên Thạch, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, tình trạng thực tế cũng tương tự như vậy. Ông Hoàng Đức Thắng, Bến phó cho biết: "Bến hiện có 3 phà, 1 phà lai dắt 25 tấn, còn lại là 2 phà tự hành 5 tấn. Mặc dù bến đã thường xuyên tuyên truyền để người dân chấp hành nghiêm túc quy định của Luật giao thông đường thủy, song, tư tưởng chủ quan cũng như những bất tiện từ việc mặc áo phao nên số người thực hiện là rất ít. Để đảm bảo an toàn cho mùa mưa bão, bến đã tiến hành kiểm tra toàn bộ tình trạng kỹ thuật của cano, phà và thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa; tu sửa đường 2 đầu bến phà, sửa chữa đảm bảo cho người và phương tiện đi lại an toàn; phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông và chính quyền địa phương giải tỏa phương tiện neo đậu, lều quán, vật liệu trong phạm vi hành lang an toàn bến phà. Đồng thời, kiểm tra, bổ sung các thiết bị phòng hộ, phao cứu sinh, barie, biển báo”

Ông Phan Văn Thiết, Bến trưởng Bến phà Đức Bác cho biết thêm: “Bến phà đã quán triệt rõ ràng cho cán bộ, công nhân viên đặc biệt là người điều khiển tàu nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường thủy, đường bộ, đặc biệt không được uống rượu bia khi tham gia giao thông. Trước ý thức của người dân khi tham gia giao thông cùng với việc tuyên truyền, nhắc nhở, chúng tôi không lơ là, chủ quan mà sẵn sàng trong mọi tình huống. Cùng với việc thành lập tổ xung kích đảm bảo giao thông, chúng tôi tiến hành tập huấn cho cán bộ, công nhân viên về công tác cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư cần thiết khi có sự cố xảy ra”

Tăng cường quản lý đảm bảo an toàn bến phà, bến khách ngang sông

Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành về chấp hành Luật Giao thông đường thuỷ trên địa bàn tỉnh năm 2013, qua kiểm tra các bến khách ngang sông cho thấy, chủ bến đò, bến khách và người điều khiển phương tiện chở khách đã ý thức được trách nhiệm trong việc chấp hành Luật giao thông đường thuỷ, tuy nhiên sự hiểu biết kiến thức về Luật giao thông đường thuỷ nội địa còn hạn chế nên chấp hành chưa nghiêm. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra nhưng chưa xử lý kiên quyết và triệt để đối với các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường thuỷ của chủ phương tiện, thuyền viên và người lái phương tiện, có những hành vi vi phạm tồn tại thường xuyên nhưng chưa được quan tâm xử lý. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính ra quyết định xử phạt 04 trường hợp với số tiền 1,5 triệu đồng với các lỗi vi phạm: Người điều khiển không mang theo giấy tờ phương tiện;  không có tín hiệu phương tiện; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của phương tiện hết hạn và phương tiện đã hết hạn kiểm định. Đến nay, việc khắc phục những tồn tại đã được các bến chấp hành và nghiêm túc thực hiện.

Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh đã kiến nghị Các lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp với đơn vị quản lý đường thuỷ, các cơ quan thông tin đại chúng và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, Nghị định 93 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải và đường thủy nội địa tới mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân ở các xã ven Sông Hồng và Sông Lô. Bên cạnh đó, Thanh tra giao thông đường thuỷ- Cục Đường thuỷ nội địa, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ- công an tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh tra giao thông vận tải Vĩnh Phúc cần tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị quản lý đường thuỷ trong việc tuyên truyền, xử lý nghiêm, triệt để đối với các hành vi vi phạm Luật giao thông đường thuỷ nội địa. UBND các huyện, thành, thị cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các bến trên địa bàn….

Bảo đảm an toàn giao thông không chỉ là trách nhiệm của các cấp, các ngành, mà đó còn là của mỗi người dân khi tham gia giao thông, cần nắm vững luật giao thông và nâng cao ý thức của mình cùng chung tay vì sự bình yên và hạnh phúc cho mọi người và cho chính bản thân mình.

Nguồn: Cổng TTĐT Vĩnh Phúc

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)