Hậu Giang: Giao thông đường thủy nội địa - Cần xử lý kiên quyết hơn

Thứ hai, 29/07/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa vào mùa mưa bão, Công an huyện Châu Thành A, Hậu Giang đã và đang tập trung nhiều biện pháp kiềm chế, nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Trong khi đó, trên địa bàn huyện cũng xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.
Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa vào mùa mưa bão, Công an huyện Châu Thành A, Hậu Giang đã và đang tập trung nhiều biện pháp kiềm chế, nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Trong khi đó, trên địa bàn huyện cũng xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Người dân địa phương vẫn còn nhớ rõ vụ chìm vỏ của ông Huỳnh Tấn Không, ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, tại kênh xáng Xà No, thuộc ấp Nhơn Thuận 1B, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A hồi tháng 3 vừa qua. Khoảng 15 giờ 20 phút ngày 28-3, ông Không chạy vỏ chở hột vịt đến ấp Nhơn Thuận 1B thì bị sóng của tàu cao tốc chạy ngang đánh lật úp. Khi xảy ra sự việc, người dân của ấp đã nhanh chóng báo với “Đội xung kích tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên kênh xáng Xà No” đến cùng với bà con hỗ trợ và trục vớt vỏ máy của ông. Rất may không có thiệt hại về người.

An toàn ở các bến đò ngang góp phần không nhỏ đảm bảo giao thông đường thủy.
Theo đại úy Trần Văn Hiền, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự cơ động, Công an huyện Châu Thành A, “Đội xung kích tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên kênh xáng Xà No” được thành lập vào năm 2012, với 32 thành viên, gồm 4 đơn vị là xã Nhơn Nghĩa A, thị trấn Một Ngàn, xã Tân Hòa và thị trấn Bảy Ngàn. Mục đích của đội là nhằm giúp đỡ, hỗ trợ những trường hợp bị tai nạn giao thông đường thủy xảy ra trên địa bàn; vận động, tuyên truyền nhân dân trong khu vực nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa. Từ khi hoạt động đến nay, đội đã trực tiếp tuyên truyền, cứu hộ nhiều vụ tai nạn, tác động rất lớn đến việc nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia lưu thông trên sông, kênh rạch.

Mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy tại xóm, ấp ven kênh xáng Xà No” ở xã Nhơn Nghĩa A được xây dựng vào năm 2012 cũng đã tác động rất lớn đến việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của bà con. Mô hình được triển khai trên một đoạn kênh dài gần 10km, từ khi xây dựng đến nay, các bến đò ngang ở đoạn này đều được trang bị đầy đủ phao cứu sinh, đèn, còi… Ngoài ra, các phương tiện cũng thường xuyên được kiểm tra, chủ phương tiện được học lấy chứng chỉ hành nghề,… nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách khi sang sông.

Anh Ngô Hữu Mau, chủ bến đò ở ấp Nhơn Phú 2, xã Nhơn Nghĩa A, cho biết: “Tôi đã đưa đò hơn 6 năm nay. Trước đây, tôi không biết các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhưng sau này được các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện hướng dẫn nhiều thứ, vì vậy mà bến đò tôi giờ đủ các giấy tờ, các thiết bị cần thiết. Tôi cảm thấy yên tâm khi đưa khách qua sông”.

Với hệ thống đường sông, kênh chằng chịt, có tuyến kênh xáng Xà No đi qua, địa bàn huyện Châu Thành A luôn có lượng phương tiện giao thông đường thủy tham gia khá lớn. Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có nhiều bến, bãi vật liệu xây dựng bốc xếp hàng hóa đang hoạt động, vì vậy, tai nạn giao thông đường thủy luôn tiềm ẩn. Đại úy Trần Văn Hiền cho biết thêm: “Thực hiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, năm nay, chúng tôi thực hiện chủ đề “Vì an toàn trẻ em trên sông nước”, theo đó, ngay từ đầu năm, chúng tôi phối hợp với ngành giáo dục rà soát số lượng học sinh đi học phải đi đò ngang, số lượng học sinh có nhà ở cặp mé sông… để có hướng giáo dục, tuyên truyền, nhắc nhở các em. Thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn các luồng tuyến, các bến đò ngang, điểm neo đậu phương tiện. Tăng cường phối hợp tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy, trong đó tập trung vào các hành vi có nguy cơ hay nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông,…

Tuy nhiên, cũng có nhiều nơi trên địa bàn huyện hoạt động trong tình trạng đối phó. Các lỗi vi phạm thường là khai thác bến thủy quá hạn vùng nước cho phép, một số hành vi lấn chiếm lòng sông, kênh… Từ đó gây cản trở không nhỏ đến các loại phương tiện khi lưu thông. Đại úy Nguyễn Thị Phượng, Phó trưởng Công an huyện, cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đều có kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động các phương tiện chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhưng ý thức của các chủ phương tiện còn kém; lực lượng kiểm tra phát hiện những vi phạm thì nhắc nhở, xử lý, các chủ phương tiện hứa khắc phục, nhưng vài ngày sau kiểm tra lại thì đâu vẫn vào đó”.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhiều hơn; tuyên truyền sâu rộng đến chủ các bến đò ngang, bến thủy và nhân dân chấp hành tốt Luật Giao thông đường thủy nội địa. Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm về an toàn giao thông đường thủy, để tình hình giao thông đường thủy được giữ vững” - bà Phượng nói.

Nguồn: Báo Hậu Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)