An Giang: Bàn giải pháp xây dựng văn hóa giao thông đường thủy

Thứ ba, 17/09/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ban Chỉ đạo cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” tỉnh phối hợp Trường đại học An Giang vừa tổ chức hội thảo khoa học “Văn hóa giao thông đường thủy nội địa”. Đây là một trong những hội thảo quý báu đề cập đến các giải pháp xây dựng văn hóa giao thông đường thủy.
Ban Chỉ đạo cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” tỉnh phối hợp Trường đại học An Giang vừa tổ chức hội thảo khoa học “Văn hóa giao thông đường thủy nội địa”. Đây là một trong những hội thảo quý báu đề cập đến các giải pháp xây dựng văn hóa giao thông đường thủy.
Thạc sĩ, nghiên cứu sinh Trần Lê Đăng Phương, giảng viên Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh Trường đại học An Giang cho rằng: “Đường thủy, ngoài phục vụ kinh tế, vận chuyển hàng hóa, còn là nơi diễn ra các hoạt động vui chơi giải trí. Nét đặc thù của hành vi ứng xử thể hiện qua các hoạt động gắn liền với môi trường sông nước. Các hoạt động giải trí mang tính thường xuyên tại các quốc gia Châu Âu, gồm: Tham quan du lịch, khám phá dòng sông; hoạt động sáng tạo gắn với môi trường sông nước; các hoạt động thể thao; câu cá giải trí. Bên cạnh đó, họ còn có lễ hội sông nước mang đầy tính nghệ thuật. Khi khai thác giá trị nội tại của dòng sông, các chủ thể luôn có ý thức tôn trọng, bảo vệ môi trường, không khai thác quá mức, nhằm tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống cộng đồng. Khi tham gia giao thông đường thủy, người điều khiển phương tiện lẫn hành khách đều ý thức cao trong việc đảm bảo an toàn; đồng thời chú trọng việc kiểm tra độ an toàn các thiết bị cứu hộ, nhằm hạn chế đến mức tối thiểu những rủi ro. Chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện luôn vui lòng từ chối thực hiện hành trình, nếu trên phương tiện của họ hiện diện số người quá mức quy định, Sự từ chối này luôn được người tham gia giao thông hưởng ứng, vì an toàn của chính họ và cả phương tiện”.
Giáo sư Vũ Đức Vượng, Trường đại học Hoa Sen (TP. Hồ Chí Minh) chỉ rõ: “Chim bay theo một hệ thống, rất ít khi hai con chim đụng nhau trên bầu trời. Cá lội cũng theo một trật tự rõ ràng. Nhiều loài cá sống theo từng đoàn lớn, tuy bơi sát nhau mà vẫn thoải mái, không khi nào đụng nhau. Ở Việt Nam, văn hóa giao thông vẫn chưa được được thể hiện rõ ràng. Nếu giao thông đường bộ còn thiếu văn hóa, tuy có nhiều cơ chế và luật lệ, thì giao thông đường thủy còn sơ đẳng hơn nhiều. Cho đến nay, chúng ta còn rất ít quy chế cho giao thông trên mặt nước”. Cùng suy nghĩ này, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Lê Việt Cường nhấn mạnh: “Văn hóa giao thông không phải tự nhiên mà có. Ngược lại, nó cần cả một quá trình. Một trong những cách thức hình thành văn hóa giao thông chính là tuyên truyền đến người dân tầm quan trọng của nó trong đời sống hàng ngày. Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu người đang làm ăn sinh sống trên mặt nước, một con số khá lớn. Cũng phải nhìn nhận rằng, việc tuyên truyền trong giao thông đường thủy tương đối phức tạp, chủ yếu do người dân sinh sống không tập trung. Chính vì thế, cần có biện pháp tuyên truyền hữu hiệu, sâu sát, giúp họ nắm vững và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Nguyễn Thành Tâm khẳng định: “Thông qua các ý kiến của chuyên gia, hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực văn hóa giao thông đường thủy nội địa; tập trung phân tích, đánh giá thực trạng công tác quản lý Nhà nước đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý phù hợp yêu cầu, điều kiện khu vực ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng. Từ thực tiễn công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa hiện nay, thiết nghĩ cần xây dựng “Văn hóa giao thông đường thủy” đáp ứng các yêu cầu cơ bản: Người tham gia giao thông hiểu biết đầy đủ, đúng quy định của pháp luật và tự giác chấp hành; khi tham gia giao thông phải có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng: tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ người khác. Mọi người phải có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông”.
Thượng tá Mai Văn Nói, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Đường thủy Công an tỉnh kiến nghị: “Sau hội thảo, cơ quan chức năng có liên quan nhanh chóng tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh xây dựng hệ thống lý luận về “Văn hóa giao thông đường thủy” ở An Giang; nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực trên; tiếp tục phối hợp Trường đại học An Giang xây dựng đề cương nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình trẻ em sinh sống trên (hoặc ven) tuyến đường thủy, trẻ em tham gia giao thông đường thủy gắn với phòng, chống đuối nước trẻ em; mỗi huyện, thị xã, thành phố tiếp tục xây dựng, công nhận, duy trì hoạt động của 2-3 mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”, tiến tới nhân rộng trên toàn địa bàn…”.
Nguồn: Báo An Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)