Phú Thọ: Đảm bảo an toàn giao thông - Vấn đề hàng đầu là nâng cao ý thức
Tai nạn giao thông (TNGT) là một trong những nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong cao nhất trên khắp các địa phương ở nước ta hiện nay, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Và cũng có hàng trăm ngàn nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT, ngoài các tình huống bất khả kháng, thách thức lớn nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông.
Tai nạn giao thông (TNGT) là một trong những nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong cao nhất trên khắp các địa phương ở nước ta hiện nay, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Và cũng có hàng trăm ngàn nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT, ngoài các tình huống bất khả kháng, thách thức lớn nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông.
TNGT vì trăm ngàn lý do
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Thiều Thị Thanh Thủy - Trưởng Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh Phú Thọ cho biết: Hầu như ngày nào khoa cũng phải tiếp nhận vài ca TNGT, có ngày cao điểm lên đến gần chục ca, trong đó đa phần là bị thương nặng. “Thường cuối tuần hoặc nghỉ lễ người ta hay tổ chức nhậu nhẹt, vui chơi nên số người bị TNGT cũng tăng lên”. Xem nhật ký theo dõi của Khoa Cấp cứu và số liệu thống kê của phòng Kế hoạch, tổng hợp, từ đầu năm đến nay, chúng tôi thực sự bàng hoàng. 9 tháng đầu năm, khoa đã tiếp nhận 1.306 bệnh nhân TNGT, trong đó có nhiều ca tai nạn nghiêm trọng dẫn đến tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn. Chỉ trong dịp nghỉ lễ 30-4, đã có 32 người bị TNGT phải nhập viện; còn các ngày cuối tuần, số ca nhập viện cao hơn ngày thường. Trong đó, đa số các trường hợp nặng đều do nạn nhân có uống rượu, bia trước khi tham gia giao thông.
Nhìn cảnh các bệnh nhân người thở ô xy, người băng bó toàn thân, người mặt mũi chân tay xước xẹo nằm tại khoa, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Theo lời kể của chị Phạm Thị Hiên, đang chăm sóc người thân tại khoa cấp cứu cho hay: Con trai tôi làm công nhân tại KCN, chập tối tan ca, bạn bè cùng công ty rủ đi uống bia. Trên đường về nhà, do không làm chủ được mình, cháu đã tự đâm vào thành cầu tự gây thương nặng. Chị Hiên nói trong nước mắt: Cháu còn trẻ, lại là lao động chính trong gia đình, giờ nằm bất động với đầy vết thương trên cơ thể không biết cuộc sống tương lai sẽ ra sao. Còn rất nhiều những vụ TNGT kinh hoàng khác khiến dư luận không khỏi đặt ra những nghi vấn về ý thức người tham gia giao thông. Vào một ngày cuối tháng 8, vì hiếu kỳ mà một số người dân Đoan Hùng tụ tập xem một vụ va chạm giao thông nhẹ ở phía đầu cầu Đoan Hùng, đúng lúc đó, một xe chở khách lao đến đâm thẳng vào đám đông khiến 1 người tử vong tại chỗ, gần 10 người bị thương nặng. Vụ TNGT này để lại hậu quả nặng nề và là một bài học cho ý thức của người dân.
Với những bác sĩ, điều dưỡng thường xuyên trực đêm ở Khoa Cấp cứu, tiếng còi xe cứu thương chở bệnh nhân bị TNGT vào viện không còn xa lạ, bất kể ngày hay đêm khuya. Các giường bệnh trong Khoa Cấp cứu lúc nào cũng có bệnh nhân. Đa số các trường hợp nhập viện do TNGT đều có hoàn cảnh nghèo, do mưu sinh mà bất chấp quy định về an toàn giao thông, cũng không ít kẻ “yêng hùng” phóng nhanh, vượt ẩu, đèo quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm… để rồi tự chuốc tai họa cho mình và làm khổ người khác.
Biết quy định, vẫn vi phạm và đủ lý do xin thông cảm
Chỉ cần chịu khó quan sát thái độ và cách ứng xử của nhiều người lái xe trên đường, có thể lý giải vì sao TNGT vẫn cứ xảy ra. Dù đoạn Quốc lộ 2 vào nội thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh) chỉ cho phép các loại xe máy lưu thông với tốc độ tối đa 40 km/giờ, ô tô là 50 km/giờ nhưng hầu như người vi phạm đều lưu thông từ 50 km/giờ trở lên (xe máy) và 60 km/giờ trở lên (ô tô). Khi được hỏi về việc có biết quy định tốc độ với đoạn đường không, đa phần câu trả lời của người vi phạm là: “Biết, nhưng tại có việc gấp quá nên…”. Nhiều người thậm chí còn biết rõ trên tuyến Quốc lộ 2, những đoạn vào khu vực đông dân cư thường xuyên có CSGT kiểm tra tốc độ xe nhưng vẫn cứ vi phạm và họ đưa ra rất nhiều lý do biện minh nào là nhà có người cấp cứu, nào là muộn giờ làm…. Có người khi bị dừng xe vì vi phạm, họ hồn nhiên rút ngay một biên bản khác ra và trình bày: vừa bị phạt ở đoạn quốc lộ 70, mong các chiến sĩ thông cảm. Cũng có trường hợp người vi phạm cãi lại CSGT vì cho rằng mình đi đúng khi không nhìn thấy biến quy định tốc độ tối đa. Dù đang tất bật với công việc nhưng các chiến sĩ vẫn kiên nhẫn giải thích: Đối với những đoạn đường đã có gắn biển báo “bắt đầu khu vực đông dân cư” thì theo quy định, xe môtô, gắn máy và một số loại xe khác chỉ được lưu thông với tốc độ tối đa 40 km/giờ; các loại xe con, xe tải dưới 3,5 tấn, ô tô khách đến 30 chỗ mới được lưu thông tối đa 50 km/giờ”.
Thông thường, đa số những nơi mà Đội tuần tra kiểm soát đặt trạm kiểm tra tốc độ đều là “điểm đen” hay xảy ra TNGT. Dù biết có lực lượng CSGT kiểm tra nhưng mỗi buổi đều có từ 30 – 50 người vi phạm. Những ngày cuối tuần và ngày lễ thì số người vi phạm tăng lên gấp đôi, gấp ba.
Ý thức quyết định số phận
Qua một bảng điều tra xã hội học và phân tích của cơ quan chức năng cho thấy, vi phạm do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông chiếm trên 75% số vụ; TNGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường nội thị chiếm 80,7%; độ tuổi gây tai nạn từ 18 đến dưới 27 tuổi chiếm 58,6%; từ 27 tuổi đến dưới 55 tuổi chiếm 32,2%. Nguyên nhân gây TNGT chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông gây ra; việc chấp hành các qui định về an toàn giao thông của người dân còn hạn chế: Tự do tuỳ tiện khi tham gia giao thông (người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng; điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia; xe khách chở quá số người qui định, vi phạm tốc độ...); không nghiêm túc chấp hành các qui định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và tình trạng vi phạm hành lang ATGT; lái xe và các cơ sở kinh doanh vận tải vi phạm các qui định về ATGT; công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải và hoạt động tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm còn hạn chế; phương tiện giao thông gia tăng, nhiều xe ôtô có tải trọng lớn, quá khổ quá tải; nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng, xuống cấp, mặt đường hẹp, không có lề đường, có nhiều khúc cua gấp làm hạn chế tầm nhìn khi tham gia giao thông…
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Quân – Phó Trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết: Có thể số vụ TNGT giảm và giảm được số người chết nhưng mức giảm này không vững chắc. Tình hình TNGT vẫn là vấn đề nan giải! Phân tích về nguyên nhân của tình hình này có thể thấy chủ yếu do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông. Dẫn chứng rất đơn giản về những nguy cơ xảy ra TNGT như: sự lơ là người điều khiển phương tiện giao thông, hay khi vắng bóng người lực lượng kiểm tra xử lý vi phạm trên đường thì người tham gia giao thông có tâm lý “sẵn sàng” vi phạm, có thể là phóng nhanh hơn, lấn làn, lấn đường... “Các giải pháp kiềm chế và giảm tai nạn giao thông luôn được triển khai nhưng tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra. Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông, chính ý thức của người dân khi ra đường sẽ quyết định số phận của họ”, ông Quân khẳng định.
Với những thông tin này, có thể thấy rằng TNGT vẫn là vấn nạn làm đau đầu các cơ quan chức năng bởi bên cạnh các giải pháp kiềm chế mà các cơ quan quản lý đưa ra, một giải pháp quan trọng nhất đó là ý thức chấp hành các qui định khi tham gia giao thông của con người. Thông qua hầu hết nguyên nhân dẫn đến TNGT của các trường hợp chúng ta đều thấy ý thức chủ quan, cẩu thả chính là bài học để đời cho các nạn nhân và gia đình cũng như mọi người.
Nguồn: Báo Phú Thọ