Điện Biên: Để Năm an toàn giao thông 2013 đạt hiệu quả

Thứ hai, 04/03/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2012, tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có những chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông (TNGT) giảm trên cả 3 tiêu chí so với năm 2011: số vụ giảm 15,7%; số người chết giảm 17,1%; số người bị thương giảm 21,1%. Đó là căn cứ để Ban ATGT tỉnh đề ra các mục tiêu phấn đấu trong năm 2013.
Năm 2012, tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có những chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông (TNGT) giảm trên cả 3 tiêu chí so với năm 2011: số vụ giảm 15,7%; số người chết giảm 17,1%; số người bị thương giảm 21,1%. Đó là căn cứ để Ban ATGT tỉnh đề ra các mục tiêu phấn đấu trong năm 2013.

Trong đó có mục tiêu tiếp tục duy trì giảm thiểu TNGT trên cả 3 tiêu chí. Song, để thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo ATGT, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết kịp thời.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan chức năng, thì ý thức tôn trọng pháp luật của người tham gia giao thông chính là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo trật tự ATGT. Do đó, để nâng cao đạo đức, ý thức của người điều khiển phương tiện thì phải bắt đầu ngay từ công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

Hiện nay, nhu cầu được cấp giấy phép lái xe, đặc biệt là giấy phép lái xe ô tô trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, cùng với đó là mật độ phương tiện tham gia giao thông cũng tăng theo. Năm 2012, toàn tỉnh đăng ký mới 651 xe ô tô và 17.944 xe mô tô; nâng tổng số xe toàn tỉnh (tính đến cuối tháng 12/2012) là 4.728 xe ô tô và 157.996 xe mô tô. Chính vì thế, thực hiện tốt công tác đào tạo và sát hạch lái xe, đặc biệt là nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông cho người lái xe không chỉ góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực vận tải cho địa phương, mà còn góp phần tích cực vào việc đảm bảo trật tự an ATGT.

Cùng với đó thì tỉnh cần khảo sát, quy hoạch điểm đỗ xe ô tô hợp lý, khoa học. Tránh tình trạng hiện nay, việc đỗ xe ô tô trên vỉa hè, lề đường còn diễn ra phổ biến.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đã được các cấp, ngành quan tâm hơn. Bằng nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng đã góp phần nâng cao nhận thức, làm chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, trên thực tế còn nhiều cơ quan, đơn vị, thủ trưởng, người đứng đầu chưa thực sự quan tâm đến công tác này nên việc phối hợp tuyên truyền giáo dục của cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn.

Về vấn đề này, theo Thượng tá Vũ Tiến Dũng, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh thì hiện nay đang tồn tại một bất cập trong công tác tuyên truyền. Đó là nhiều khi, Phòng CSGT liên hệ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT rất khó khăn. Thậm chí có những cơ quan, đơn vị mà người đứng đầu rất thờ ơ với công tác này.

“Lẽ ra, khi muốn nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về ATGT cho cán bộ, người lao động trong cơ quan, đơn vị thì thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan đơn vị đó phải có trách nhiệm liên hệ với các lực lượng chức năng, đơn vị nghiệp vụ để phổ biến, giáo dục. Nhưng nhiều khi CSGT phải làm ngược lại, nghĩa là đến từng đơn vị để đề nghị phối hợp. Thế mà nhiều đơn vị không mặn mà hợp tác, thậm chí còn nêu ra đủ lý do, khó khăn để không thực hiện. Thượng tá Dũng cho biết.

Việc tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự ATGT càng có ý nghĩa quan trọng đối với nhóm đối tượng thanh thiếu niên. Đây là lứa tuổi năng động, nhạy cảm, dễ bị kích động, lôi kéo theo thói hư tật xấu song cũng là đối tượng nhanh nhạy trong tiếp thu kiến thức, hiểu biết nếu như có phương pháp và hình thức tuyên truyền giáo dục phù hợp. Theo thống kê của CSGT, có tới gần 40% tổng số vụ vi phạm ATGT rơi vào nhóm đối tượng thanh thiếu niên.

Một trong những tồn tại phổ biến trong công tác đảm bảo trật tự ATGT thời gian qua là tình trạng vi phạm hành lang giao thông. Ông Trương Huy Thịnh, Chánh Thanh tra Giao thông, Sở GT VT, cho biết: Việc vi phạm hành lang giao thông mới chỉ có lực lượng thanh tra giao thông xử lý còn chính quyền cơ sở chưa có trách nhiệm. Thậm chí thời gian qua, chính quyền cơ sở còn có những sai phạm, như lãnh đạo xã Phìn Hồ (huyện Mường Chà) ký quyết định cho người dân sử dụng đất hành lang giao thông; hay 11 trường hợp vi phạm hành lang giao thông trên địa bàn xã Mùn Chung (huyện Tuần Giáo), trong đó có cả cán bộ xã, bản.

Một vấn đề nữa là ngành chức năng cần nghiên cứu, xem xét công tác tổ chức giao thông tại một số khu vực trọng điểm (như đèo Pha Đin) đèo dốc quanh co, nguy hiểm nhưng quy định về tốc độ, hệ thống biển báo, phòng hộ, cứu nạn chưa hợp lý. Cùng với đó, cần khẩn trương tiến hành sửa chữa, nâng cấp các tuyến giao thông đã xuống cấp. Khi tiến hành sửa chữa phải làm dứt điểm tránh việc đổ đất đá, vật liệu ngổn ngang ảnh hưởng tới việc tham gia giao thông của người và phương tiện. Tiêu biểu cho tình trạng này là đoạn Quốc lộ 279 từ bản Ten đến C17 xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, một số vị trí sụt lún được đổ đất đá đầy lên. Thế nhưng đã hàng tháng trôi qua, những vị trí này vẫn mấp mô, lổn nhổn đá, khi ô tô chạy qua lại bụi mù trời.

Để đạt mục tiêu kiềm chế, giảm thiểu số vụ TNGT xảy ra trên địa bàn trong năm 2013 và những năm tiếp theo, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện có hiệu quả các biện pháp kiềm chế TNGT. Trong đó, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT.

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)