Quảng Bình: Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa

Thứ tư, 19/09/2012 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời gian qua, Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố Đồng Hới, Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân trên địa bàn.
Thời gian qua, Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố Đồng Hới, Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân trên địa bàn.

Trên địa bàn thành phố Đồng Hới hiện có 3 nhánh sông chính gồm: sông Nhật Lệ với chiều dài 4km, sông Lũy Thầy dài trên 2 km và sông Cầu Bốn - Phú Vinh dài 7 km. Về cảng nội địa, hiện Đồng Hới còn 1 cảng duy nhất đó là cảng cá Nhật Lệ có quy mô nhỏ, số lượng tàu thuyền cập cảng chỉ đáp ứng 20 đến 30% thiết kế. Lưu lượng các phương tiện lưu thông đường thủy nội địa ở Đồng Hới hiện nay chủ yếu trên tuyến sông Nhật Lệ, sông Lũy Thầy và khu vực dọc bờ biển Nhật Lệ.

Tuy nhiên, số lượng các phương tiện hoạt động không nhiều và không ổn định. Trên sông Nhật Lệ chủ yếu có các tàu đánh cá của ngư dân vào sông neo đậu khi đi biển về, nghỉ trăng hoặc tránh trú bão. So với những năm trước khi chưa có cầu Nhật Lệ thì hiện nay số tàu cá của ngư dân các tỉnh phía Nam hoạt đông trên sông Nhật Lệ không nhiều. Bình quân mỗi tháng chỉ có khoảng 10 đến 15 tàu, chủ yếu từ các tỉnh Bình Định và Phú Yên vào bán cá, sau đó neo đậu để nghỉ trăng hoặc tránh trú mưa bão.

Ngoài các phương tiện lưu thông đường thủy nội địa lớn, trên địa bàn Đồng Hới còn có các thuyền dân sinh hoạt động đánh bắt thủy hải sản. Vì vậy tình trạng các phương tiện đường thủy không đăng ký, đăng kiểm vẫn còn xảy ra, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn và một số phương tiện không bảo đảm an toàn vẫn hoạt động... đã làm cho tình hình giao thông thủy nội địa ở Đồng Hới diễn biến khá phức tạp, có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn khá cao.

Trước tình hình này, UBND thành phố đã chỉ đạo Ban ATGT thành phố, Công an thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đường thủy nội địa đến các hộ dân thuộc 7/16 xã, phường có các tuyến thủy nội địa đi qua. Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị quán triệt Luật Giao thông đường thủy nội địa, Nghị định số 09/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa cho cán bộ chủ chốt của thành phố và UBND các xã, phường, thành phố đã tổ chức thành công nhiều hội thi tìm hiểu pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, thu hút đông đảo nhân dân và học sinh hưởng ứng tham gia.

Thông qua hội thi đã góp phần nâng cao kiến thức pháp luật về giao thông đường thủy cho người dân làm nghề sông nước, đặc biệt là ngư dân 2 xã Bảo Ninh và Hải Thành. Thành phố còn ban hành Công văn số 765/UBND ngày 4/11/2011 nhằm đình chỉ các bến đò ngang hoạt động không có giấy phép hoặc có nhưng đã quá hạn, các phương tiện không bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện không có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn nhằm chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn giao thông đường thủy trên địa bàn.

Theo số liệu từ Ban ATGT thành phố, từ năm 2007 đến nay, qua công tác tuần tra kiểm soát đã phát hiện 9 trường hợp vi phạm ATGT đường thủy nội địa; trong đó có 2 trường hợp không có giấy đăng ký phương tiện, 2 trường hợp không trang bị đủ phao cứu sinh, 2 trường hợp không trang bị đủ dụng cụ chữa cháy và 3 trường hợp giấy phép hoạt động hết hạn. Trước đây, trên sông Nhật Lệ có 4 bến khách ngang sông (3 bến ở địa phận xã Bảo Ninh và 1 bến ở phường Hải Đình) và một bến bốc dỡ vật liệu xây dựng do UBND phường Hải Đình quản lý, nhưng đến nay các bến này đã ngừng hoạt động, trả lại mỹ quan cho tuyến kè 2 bên bờ sông Nhật Lệ.

Ông Trần Quốc Tăng, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT thành phố Đồng Hới cho biết: Cùng với việc thực hiện tốt chức năng tham mưu cho UBND thành phố triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường về ATGT đường thủy, Ban ATGT thành phố đã phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị, địa phương liên quan như: Bảo Ninh, Quang Phú, Hải Thành, Đồng Mỹ xây dựng thành công các mô hình "Tổ đoàn kết trên biển" và "Tổ tàu thuyền tự quản", thu hút 468 tàu thuyền của ngư dân tham gia và mang lại hiệu quả thiết thực. Ban ATGT thành phố đã vận động và triển khai nghiêm túc cuộc vận động "Người đi đò phải mặc áo phao".

Nhờ vậy, cho đến thời điểm này, hầu hết các phương tiện thủy nội địa đều đã được trang bị đầy đủ phao cứu sinh, dụng cụ cứu đắm và người đi trên các phương tiện đã cơ bản sử dụng áo phao theo quy định. Riêng trong năm 2012 này, Ban ATGT thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng các tiêu chí về văn hóa giao thông đường thủy và tổ chức thực hiện phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" để thống nhất thực hiện trên toàn địa bàn thành phố.

Bên cạnh những kết quả đạt được và những điều kiện thuận lợi cơ bản, công tác bảo đảm ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đồng Hới hiện nay còn gặp một số khó khăn do một số chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Đa số người tham gia giao thông đường thủy nội địa là ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ, thường có các chuyến đi dài ngày trên biển nên trình độ văn hóa và nhận thức còn hạn chế, việc tập hợp để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn.

Hiện trên tuyến thủy nội địa của thành phố có 7 nhà hàng nổi đang hoạt động. Nhưng nhà hàng nổi lại không thuộc vào một trong những loại hình phương tiện nào được quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa, không có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với chủ các loại phương tiện này (trên thực tế họ chính là người điều khiển phương tiện) nên nếu xảy ra sự cố như: chìm, lật, phương tiện đuối nước, cháy nổ... thì việc điều tra xử lý sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Hơn thế nữa, nhà hàng nổi là phương tiện được người dân tự đóng theo kinh nghiệm dân gian, có cấu trúc dạng bè mảng và được cố định tại một chỗ, nhưng lại có diện tích và khối lượng rất lớn, khi neo đậu trên sông chiếm một diện tích rất lớn gây cản trở giao thông đường thủy nội địa. Do vậy, các ban, ngành liên quan cần bổ sung quy chuẩn về việc đóng mới, cải tạo và quy định cụ thể về việc neo đậu phương tiện này nhằm góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đồng Hới.

Theo báo Quảng Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)