Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, nhưng thời gian qua, số vụ vi phạm an toàn hành lang đường sắt trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh không giảm, mà tiếp tục diễn biến phức tạp.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, nhưng thời gian qua, số vụ vi phạm an toàn hành lang đường sắt trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh không giảm, mà tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tuyến đường sắt Thống Nhất chạy qua địa bàn tỉnh Nam Ðịnh có chiều dài 41,15 km đi qua thành phố Nam Ðịnh, ba huyện và 20 phường, xã, thị trấn. Theo Công ty Quản lý đường sắt Hà Ninh, hiện nay tổng số đường ngang có quyết định thành lập là 43 đường, số đường ngang có gác là 9 đường, đường ngang cảnh báo tự động là 11 đường và đường ngang có biển báo là 23 đường. Số liệu theo dõi trật tự an toàn giao thông đường sắt năm vừa qua cho thấy, toàn tỉnh để xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 10 người chết, 6 người bị thương. Tai nạn đường sắt làm chậm thời gian chạy tàu gần 1.000 phút, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hành khách đi tàu trên tuyến đường sắt Thống Nhất. Hầu hết các vụ TNGT đều xảy ra tại các 'điểm đen' giao cắt đường bộ với đường sắt, nhưng nhức nhối nhất là ở những đường ngang dân sinh mở bất hợp pháp. Công ty Quản lý đường sắt Hà Ninh cho biết: Trong tổng số 756 đường ngang dân sinh mở trái phép đang tồn tại trên địa bàn ba tỉnh Hà Nam, Nam Ðịnh và Ninh Bình thì Nam Ðịnh là địa phương có vi phạm nhiều nhất với 423 đường. Trực tiếp đi thị sát dọc tuyến đường sắt thuộc địa bàn xã Lộc An, ngoại thành Nam Ðịnh, từ Km 83+200 đến Km 90+500, chúng tôi đếm được 184 đường ngang dân sinh do người dân trong khu vực tự mở, không được sự đồng ý của ngành đường sắt, đây chính là hiểm họa luôn đeo bám, rình rập các tổ chạy tàu Thống Nhất mỗi khi qua đây. Ông Hoàng Minh Mẫn, Trưởng phòng quản lý đường ngang và hành lang an toàn giao thông đường sắt (Công ty Quản lý đường sắt Hà Ninh) cho hay: 'Việc tự ý mở đường ngang qua đường sắt là vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến an toàn chạy tàu. Các năm trước, cán bộ và công nhân viên lao động của công ty tổ chức nhiều tổ công tác xuống địa bàn tuyên truyền, vận động, ký cam kết với chủ hộ gia đình sống dọc tuyến đường sắt, thậm chí tiến hành tháo dỡ nhiều đường ngang bất hợp pháp, nhưng sau một thời gian thì đâu lại vào đấy'!
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy, trước đây khi cấp đất cho nhân dân, chính quyền các địa phương không quy hoạch đường giao thông vào khu dân cư nên xuất hiện tình trạng 'có nhà nhưng không có đường', buộc lòng nhiều hộ dân phải tự làm đường ngang qua đường sắt để đi lại hằng ngày. Việc tháo dỡ các đường ngang mở bất hợp pháp được ngành đường sắt thực hiện nhưng chỉ là giải pháp tình thế vì vài ngày sau hộ dân lại tái phạm, trong khi không có sự tham gia giám sát của chính quyền sở tại. Hệ thống tường rào bảo vệ đường sắt đã được xây dựng tại những điểm bức xúc về TNGT ở thành phố Nam Ðịnh bước đầu phát huy hiệu quả trong bảo đảm an toàn giao thông nhưng vẫn còn nhiều điểm nóng giao thông khác ngành đường sắt chưa có kinh phí đầu tư xây dựng.
Ðã đến lúc công tác bảo đảm an toàn giao thông đường sắt cần sự vào cuộc của địa phương nơi có đường sắt đi qua, đặc biệt là việc xã hội hóa xây dựng hệ thống bảo vệ hành lang an toàn đường sắt. Ngoài việc tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động, ký cam kết các xã, phường, thị trấn, phải khẩn trương khảo sát địa điểm làm đường gom khu dân cư đấu nối vào đường ngang tập trung đã được ngành đường sắt xây dựng, đây là vấn đề cốt lõi để lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt. Trước mắt, khi chưa có đường gom thì chính quyền sở tại nên hình thành các mô hình tự quản trật tự an toàn đường sắt có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể quần chúng như thanh niên, hội nông dân, hội cựu chiến binh. Cách làm này được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước áp dụng và đem lại hiệu quả, góp phần chia sẻ trách nhiệm, giảm gánh nặng cho ngành đường sắt.
Thangnd(theo nhandan.org.vn)