Từ đầu năm 2011 đến nay, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên địa bàn tỉnh tăng một cách đáng lo ngại. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2011 đã có 11 người chết vì TNGT đường sắt, bằng cả năm 2010. Làm gì để giao thông đường sắt an toàn hơn?
* Phát sinh nhiều đường ngang
Trong 9 vụ TNGT đường sắt từ đầu năm đến nay có đến 2 vụ làm chết một lúc 2 người. Như vụ tai nạn xảy ra vào chiều ngày 23-3 tại km1689+500, khu gian Hố Nai - Biên Hòa (thuộc KP6, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa). Tàu SE7 đang chạy từ hướng Hố Nai về Biên Hòa đã đụng vào xe máy biển số 76V-5994 băng ngang đường sắt. Hậu quả tai nạn làm hai phụ nữ đi trên xe máy là Trịnh Kim Kia và Bạch Thị Hồng chết tại chỗ. Anh Tôn Long Phúc, chồng của nạn nhân Bạch Thị Hồng cho biết, vợ chồng anh từ Quảng Ngãi vào làm công nhân ở khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Vợ anh thường xuyên đi xe máy băng ngang đường sắt (đường ngang dân sinh không có gác chắn hoặc cảnh báo) để ra vào nơi làm việc và chỗ tạm trú. Có thể hôm bị tai nạn do vợ anh và người bạn đi cùng mải làm gì đó nên thiếu chú ý quan sát dẫn đến tai nạn. Anh Phúc đau buồn vì mất đi người vợ thân yêu, hai đứa con nhỏ của anh cũng phải chịu cảnh mồ côi mẹ.
|
Người dân ở hai bên đường sắt có thói quen đi, đứng, nằm, ngồi, chơi đùa trên đường sắt là những điều cấm trong Luật Đường sắt. Trong ảnh: Người dân ngồi ở đoạn đường sắt dốc không thấy trước được tàu đến.
|
Cách nơi xảy ra tai nạn khiến hai chị Hồng, Kia chết khoảng 1km cũng có một đường ngang dân sinh. Do đây là nơi giáp ranh giữa các phường Tân Hòa, Long Bình (TP.Biên Hòa) và xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) nên lưu lượng xe băng ngang đường sắt khá cao. Nhưng do là đường ngang tự mở nên ở đây không có cổng chắn hoặc chuông, đèn cảnh báo khi có tàu đi qua và người dân đi qua đây phải tự giữ lấy sự an toàn cho mình. Một chị bán quán cà phê ngay bên đường sắt phía Trảng Bom cho biết, có năm xảy ra 3-4 vụ tàu lửa đụng chết người ở đây.
Ngày 20-5, chúng tôi theo chuyến tàu SPT2 đi và về tuyến Biên Hòa - Phan Thiết. Anh Trương Minh Tuấn (trưởng tàu an ninh) cho biết, các khu vực thường xảy ra TNGT đường sắt là khu gian Biên Hòa - Hố Nai, Hố Nai - Trảng Bom và Long Khánh - Bảo Chánh, Bảo Chánh - Gia Ray (huyện Xuân Lộc)..., vì các nơi này có nhiều đường ngang dân sinh băng ngang đường sắt. Đáng ngại nhất là đường ngang dân sinh xuất hiện nhiều ở đoạn từ Long Khánh - Gia Ray. Ở khu vực này có đường liên huyện Long Khánh - Xuân Lộc chạy song song với đường tàu nên người dân tự mở nhiều đường ngang dân sinh để băng ngang đường sắt cho tiện. Điều đáng nói là các đường ngang bất hợp pháp này chỉ cách đường ngang hợp pháp (có gác chắn hoặc tín hiệu cảnh báo tự động) chỉ vài chục đến vài trăm mét.
Ông Lê Ngọc Hoàng, Phó đội trưởng Đội Quản lý đường sắt Biên Hòa (quản lý cung đường từ TP.Biên Hòa đến huyện Thống Nhất) cho biết, trên cung đường này mỗi năm phát sinh thêm vài đường ngang dân sinh mới, làm tình hình giao thông đường sắt thêm phức tạp. Đáng lưu ý là đường ngang bất hợp pháp ở km1692+300 (thuộc phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), dù bị ngành đường sắt và chính quyền địa phương giải tỏa nhiều lần nhưng vẫn tái xuất hiện. Ông Hoàng cho biết thêm, cung đường "nóng" về TNGT đường sắt là đoạn qua TP.Biên Hòa cho đến hết xã Hố Nai 3. Từ đầu năm 2011 đến nay, có trên 50% vụ TNGT đường sắt xảy ra ở cung đường này.
* Làm gì để an toàn?
Có 32 năm làm nghề lái tàu, ông Phùng Mạnh Nghĩa (nhân viên lái tàu của Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn) cho biết, trên cung đường sắt ở miền Nam thì Đồng Nai là một trong những địa phương có rất nhiều đường ngang bất hợp pháp. Từ những đường ngang này, nhiều vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra vì người lưu thông vi phạm an toàn đường sắt. Nhiều trường hợp người dân vượt qua khỏi thanh ray cứ tưởng an toàn, nhưng không ngờ bề ngang thân tàu lớn hơn đường ray nên tàu va vào phương tiện gây tai nạn. Có trường hợp bất ngờ vượt qua đường sắt trong khi mọi người dừng xe đứng chờ. Với tình huống này, thường thì hậu quả đau lòng xảy ra nhiều hơn là khả năng chiến thắng được tốc độ tàu chạy. Đáng sợ nhất là ở những cung đường cho phép chạy tàu đến 80km/giờ nhưng lại phát sinh quá nhiều đường ngang dân sinh, khiến nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Ông Nghĩa còn cho biết, không thể lái tàu chạy chậm hơn tốc độ quy định, vì như thế sẽ làm chậm lịch trình chạy tàu toàn tuyến Bắc - Nam, gây hậu quả nghiêm trọng. Dưới góc độ của người lái tàu, ông Nghĩa mong muốn: "Cần phải chấm dứt tình trạng đường ngang dân sinh phát triển vô tội vạ để bảo đảm an toàn đường sắt. Các nhà dân xây dựng ven đường sắt phải chấp hành quy định hành lang an toàn đường sắt để không che khuất tầm nhìn của người lái tàu".
|
Đường ngang bất hợp pháp ở khu giáp ranh Long Bình - Tân Hòa - Hố Nai 3 có lưu lượng xe cộ qua lại nhiều, rất nguy hiểm nhưng tồn tại nhiều năm qua.Ảnh: T.TOÀN
|
Trong đợt kiểm tra liên ngành Đường sắt với Sở Giao thông - vận tải, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh vào tháng 3-2011 cho thấy, toàn tuyến đường sắt qua Đồng Nai có 61 đường ngang hợp pháp, 6 đường ngang dân sinh được công nhận để đầu tư thiết bị an toàn. Trong khi đó, theo ông Dương Danh Quý, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh, số lượng đường ngang bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh không thể thống kê hết. Trong tổng số đường ngang hợp pháp được thống kê, chỉ có 37 đường được ngành đường sắt và chính quyền địa phương khắc phục những tồn tại mất an toàn vào đầu năm 2010. Nhưng qua đợt kiểm tra vào tháng 3-2011, có đến 62 đường ngang chưa đảm bảo an toàn, đoàn kiểm tra kiến nghị tiếp tục khắc phục những tồn tại như: thiếu vạch dừng xe và gờ giảm tốc; tầm nhìn đường bộ bị che khuất; người dân họp chợ, buôn bán che khuất đèn báo và biển báo đường sắt; mặt đường giao cắt với đường sắt không đảm bảo; cây cối che khuất tầm nhìn đường bộ, đường sắt; thiếu cọc tiêu; nhà dân lấn chiếm về hai phía đường sắt che khuất tầm nhìn lái tàu... Ông Bùi Sĩ Ba, Phó trưởng Phân ban ATGT thuộc Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, cho biết: "Để giao thông đường sắt được bảo đảm an toàn lâu dài, các địa phương cần nhanh chóng làm đường gom ở các khu đông dân cư để mọi người lưu thông qua đúng đường ngang hợp pháp. Các đường ngang bất hợp pháp phải kiên quyết giải tỏa".
Được biết, vào cuối tháng 4-2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng trong tỉnh tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về đường sắt; đầu tư nâng cấp các đường ngang hợp pháp; xử lý các vi phạm về công trình và hành lang an toàn đường sắt; đình chỉ các đường ngang dân sinh bất hợp pháp; xử lý các điểm đen về TNGT đường sắt ở các đường ngang...
TNT (theo baodongnai)