Cà Mau: Phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm: Nỗi lo tai nạn giao thông

Thứ tư, 15/06/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo kết quả tổng điều tra tháng 4/2007, toàn tỉnh có đến 99.379 phương tiện thủy nội địa, trong đó có 93.989 phương tiện thuộc diện phải tiến hành đăng kiểm, đăng ký. Ước tính vào thời điểm hiện nay, loại phương tiện này phát triển trên 10.000 chiếc, trong đó chiếm hơn 2/3 chưa đăng ký, đăng kiểm.
Theo kết quả tổng điều tra tháng 4/2007, toàn tỉnh có đến 99.379 phương tiện thủy nội địa, trong đó có 93.989 phương tiện thuộc diện phải tiến hành đăng kiểm, đăng ký. Ước tính vào thời điểm hiện nay, loại phương tiện này phát triển trên 10.000 chiếc, trong đó chiếm hơn 2/3 chưa đăng ký, đăng kiểm.
Từ những tính chất, đặc điểm quan trọng của địa phương, Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25/11/2004 phân cấp cho Sở Giao thông vận tải đăng kiểm các phương tiện có sức chở dưới 50 người, các phương tiện không động cơ có trọng tải toàn phần dưới 200 tấn, các phương tiện có động cơ có tổng công suất dưới 135 mã lực. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ ngày 29/6/2007 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Sở Giao thông vận tải thành lập Ban chỉ đạo công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, trong đó các lực lượng chức năng như: Thanh tra giao thông vận tải, các cơ quan chức năng của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, thường xuyên phối hợp, mở nhiều đợt tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm lập lại trật tự an toàn giao thông trên phạm vi toàn tỉnh.
Trung tâm Đăng kiểm thủy nội địa lập nhiều điểm đăng kiểm cố định tại một số tuyến xã, thị trấn, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các phương tiện đang lưu thông chưa tham gia đăng ký, đăng kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện việc đăng kiểm, đăng ký tại chỗ, giúp người dân giảm bớt chi phí, thời gian đi lại. Tuy nhiên, số phương tiện tham gia đăng ký vẫn còn hạn chế so với số phương tiện hiện có trên địa bàn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân không chịu đưa phương tiện đi đăng ký một phần là do ý thức chấp hành Luật Giao thông chưa cao, một phần là do ngại tốn kém. Việc vận động người dân đưa phương tiện đến để kiểm tra chất lượng là cực kỳ khó khăn. Thực tế cho thấy, vẫn còn tồn tại nhiều phương tiện mất an toàn do hoạt động liên tục trong môi trường nước, nếu không được kiểm tra bảo dưỡng định kỳ, khó tránh khỏi xuống cấp và nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao.
Việc phát triển các cơ sở sản xuất, sửa chữa các loại vỏ composite, tàu thuyền truyền thống, các cơ quan chức năng cũng chưa quản lý được. Đó là chưa nói đến chất lượng các loại tàu thuyền được sản xuất không theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, hoặc không thông qua cơ quan đăng kiểm kiểm tra, đánh giá chất lượng trước khi đưa vào hoạt động. Đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn tai nạn khó lường trước được.
Theo lộ trình Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo, đến hết năm 2012 phải đăng kiểm toàn diện số phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm. Hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng 60.255 phương tiện chưa được đăng kiểm, đăng ký tham gia hoạt động trên sông, mỗi năm có hàng chục vụ tại nạn đường thủy xảy ra, làm nhiều người chết và bị thương, do phương tiện thiếu an toàn, người lái phương tiện thiếu quan sát, lưu thông ban đêm thiếu đèn chiếu sáng…
Vấn đề đặt ra không riêng cho ngành giao thông vận tải mà cần sự vào cuộc của cơ quan các cấp, chính quyền, đoàn thể. Phải có giải pháp cấp bách, tuyên truyền vận động nhân dân, hộ gia đình, đội ngũ cán bộ viên chức, đảng viên gương mẫu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nét đẹp văn hóa mới. Mọi người dân cần có ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông đường thủy, tham gia thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa nhằm kiềm chế tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn./.
Trungna (theo bao camau).

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)