An Giang: Ghi nhận qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 32/CP của Chính phủ
Thứ năm, 16/06/2011 00:00
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, sau 4 năm thực hiện NQ 32/CP của Chính phủ, tình hình trật tự an toàn giao thông ở An Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân được nâng cao, số người chết do tai nạn giao thông giảm...
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, sau 4 năm thực hiện NQ 32/CP của Chính phủ, tình hình trật tự an toàn giao thông ở An Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân được nâng cao, số người chết do tai nạn giao thông giảm...
Điều đáng phấn khởi là các ngành, các cấp trong tỉnh đã đặc biệt quan tâm và cùng phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Các đơn vị chức năng, các ngành, địa phương đã không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền nên đã dần hình thành thói quen cũng như ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, công tác tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm về an toàn giao thông cũng được tăng cường, nhất là thường xuyên mở các đợt cao điểm tuần tra, xử lý theo chuyên đề, tập trung vào những thời gian “cao điểm” các hoạt động văn hóa, lễ hội trong tỉnh… Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Nguyễn Thành Tâm cho biết: Công tác tuyên truyền, giáo dục đã phát huy tác dụng, tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Rõ nét nhất chính là ý thức người dân về thực hiện đội nón bảo hiểm, thói quen “lên xe là đội nón bảo hiểm” đã được hình thành và trở thành nét đẹp văn hóa, với tỷ lệ người đi mô tô, xe máy đội nón bảo hiểm đạt gần 98%, nên đã góp phần hạn chế được nhiều trường hợp tử vong, hoặc chấn thương sọ não do tai nạn giao thông gây ra. Mặt khác, việc quản lý, rà soát và xử lý các trường hợp xe ô tô hết niên hạn sử dụng, xe tự chế được thực hiện nghiêm túc. Kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư, nâng cấp. Các lực lượng chức năng đã tổ chức trên 35.000 ca tuần tra kiểm soát về trật tự an toàn giao thông, sắp xếp trật tự đô thị. Qua đó, phát hiện 418.418 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử lý cảnh cáo 1.540 trường hợp, phạt tiền 413.985 trường hợp, thu qua Kho bạc Nhà nước trên 169 tỷ đồng; tước 15.156 giấy phép lái xe, tạm định chỉ 70.971 lượt phương tiện vi phạm và gửi 18.636 thông báo về địa phương, nơi cư trú, làm việc và học tập của người vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tai nạn giao thông mặc dù đã được kiềm chế, song theo đánh giá của các ngành chức năng vẫn còn diễn biến phức tạp. Trung bình mỗi năm có đến 155 người chết do tai nạn giao thông, với trên 90% nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do người tham gia giao thông không chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông; tình trạng lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, chưa chấp hành nghiêm việc đội nón bảo hiểm, đặc biệt trên các tuyến đường liên thôn, liên xã vẫn còn thường xuyên diễn ra . Mặc dù đã được các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời ra quân giải tỏa nhưng tình trạng lấn chiếm lòng lề đường vẫn còn. Hơn hết, kết cấu hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ; hệ thống biển báo, tín hiệu chỉ dẫn giao thông còn thiếu; nhiều điểm có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông chưa được khắc phục; xe không đảm bảo an toàn vẫn lưu hành. Việc chưa thường xuyên tuyên truyền sâu rộng đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã dẫn đến việc chấp hành pháp luật về giao thông một bộ phận người dân nông thôn, miền núi chưa cao. Số lượng người tham gia giao thông vi phạm pháp luật bị các lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản xử lý còn cao đã chứng minh tính chưa bền vững của việc kiềm chế tai nạn giao thông...
Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Nguyễn Thành Tâm cho biết, trong thời gian tới, Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật an toàn giao thông, coi đây là giải pháp hữu hiệu, quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tăng cường công tác phối kết hợp trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, để đảm bảo hiệu lực pháp luật và ngăn ngừa cấp bách các vụ tai nạn giao thông, đặc biệt là những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đồng thời, chú trọng cải thiện hạ tầng giao thông đi đôi với thường xuyên kiểm tra, rà soát để khắc phục kịp thời điểm đen và bất hợp lý về tổ chức giao thông. Coi trọng công tác nâng cao chất lượng kiểm định kỹ thuật, môi trường, để đưa ra hoạt động giao thông của các phương tiện cơ giới đảm bảo yêu cầu. Siết chặt việc quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, để lái xe có đầy đủ kỹ năng làm việc và đạo đức nghề nghiệp, nhất là đội ngũ lái xe khách. Đẩy mạnh hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác bảo đảm, giữ vững ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
VTTH-Theo Báo An Giang
Vũ Thúy Hoa