Quảng Nam-Sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 32
Thứ năm, 14/07/2011 00:00
Tuy đã đạt được một số kết quả qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Tuy đã đạt được một số kết quả qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Biện pháp song hành
Để triển khai các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông theo tinh thần Nghị quyết 32, Ban ATGT tỉnh xác định cần thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho người dân, kết hợp tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các vụ vi phạm. “Trong khi chờ đợi ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT từ phía người dân, chúng tôi tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra kiểm soát xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Hoạt động cưỡng chế sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật của công dân” - ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở Giao thông vận tải kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết.
Không đơn độc trên mặt trận tuyên truyền, Ban ATGT tỉnh cùng với Hội Nông dân, Bộ Chỉ huy Quân sự, Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh phối hợp tổ chức 8 cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa thu hút sự tham gia của gần 9 nghìn người. Các tổ chức mặt trận, hội đoàn thể cũng đã thực hiện 1.265 cuộc tuyên truyền với 273.310 lượt hội viên, đoàn viên trong hệ thống tổ chức tham dự. Bên cạnh đó, Ban ATGT các huyện, thành phố triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, thu hút hơn 291.861 lượt người tham gia tìm hiểu các quy định của pháp luật về TTATGT.
Các đợt ra quân diễu hành tuyên truyền, cổ động trong tháng ATGT và dịp lễ, tết được Ban ATGT tỉnh tổ chức mang lại hiệu quả tích cực. Ban cũng đã cấp phát 521.600 trang tài liệu, sổ tay, tờ rơi, áp phích; xây dựng các phóng sự, tin bài phát, đăng trên Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh và Báo Quảng Nam. Lắp đặt 1.869 pa nô tuyên truyền, cổ động trực quan trên nhiều tuyến đường. Phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á trao hơn 1 nghìn mũ bảo hiểm cho học sinh cấp tiểu học và mầm non. Ban ATGT cùng Hội Nông dân tỉnh triển khai chương trình đổi 42.844 mũ bảo hiểm mới chất lượng, thu hồi và hủy bỏ hơn 34.500 mũ kém chất lượng. Cơ quan chức năng còn cấp 1 nghìn áo phao cho nhân dân, 500 cặp phao cho học sinh phải đi học bằng đò ngang.
Theo Trung tá Lê Đình Xê, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ và đường sắt (Phòng CSGT Công an tỉnh), song hành với nhiệm vụ tuyên truyền, cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, đặc biệt là trên những tuyến giao thông tại địa bàn phức tạp. Ngành chức năng cũng đã sử dụng có hiệu quả các phương tiện nghiệp vụ như cân tải trọng, máy đo tốc độ giám sát giao thông, nhờ vậy, việc xử lý vi phạm luôn đạt mức cao…
Nỗi lo còn đó
Tuy đạt nhiều kết quả, nhưng nỗi lo vẫn còn khi nhìn vào tình hình “bức tranh” giao thông hiện nay. Năm 2007 - năm đầu tiên đưa Nghị quyết 32 vào cuộc sống, số vụ TNGT giảm 35, giảm 40 người chết, giảm 2 người bị thương so với năm 2006. Năm 2008, số vụ TNGT so với năm 2007 giảm 40, giảm 9 người chết, giảm 42 người bị thương. Tuy nhiên, số vụ TNGT năm 2009 lại tăng so với năm 2008 (tăng 34 vụ, 13 người chết, 49 người bị thương), còn năm 2010 tiếp tục tăng so với năm 2009 (tăng 84 vụ, 44 người chết, 85 người bị thương).
Điều đáng lo là ý thức của một bộ phận người dân chưa tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT, 70,97% số vụ TNGT là do lỗi của chính người tham gia giao thông. Tình trạng đi sai phần đường, không quan sát, tránh vượt sai hay chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia, vừa cầm lái vừa dùng điện thoại diễn ra tràn lan. Nhiều vụ tai nạn do ô tô tải, ô tô khách gây ra đang là vấn đề nhức nhối, “báo động đỏ” tư cách đạo đức, lương tâm trách nhiệm người lái xe. Trong một số trường hợp, chủ doanh nghiệp cũng là “tòng phạm” khi thường xuyên áp dụng cơ chế khoán thời gian xe chạy hoặc khoán doanh thu, chạy theo lợi nhuận gây áp lực cho người lái xe vi phạm các quy định về TTATGT.
Quốc lộ 1A - tuyến đường qua địa bàn tỉnh dài 85km, bình quân mỗi ngày có đến 13 nghìn lượt phương tiện lưu thông hỗn hợp khiến mặt đường vốn chật hẹp trở nên quá tải. Trên tuyến có nhiều giao cắt đồng mức, đường nhánh đấu nối trái phép, không có hệ thống đường gom; không có đường dành riêng, cầu vượt cho người đi bộ qua đường. Thêm nữa, không ít chợ họp trái phép lấn chiếm lòng đường dẫn đến TNGT tăng cao. Vì vậy, không khó lý giải cho những địa phương có tuyến quốc lộ 1A đi qua như Thăng Bình, Núi Thành lúc nào cũng luôn “dẫn đầu” cả 3 tiêu chí về TNGT.
Rõ ràng, các biện pháp kiềm chế, giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 1A phải có sự vào cuộc từ cấp trung ương, bởi “sức” của địa phương là không xuể. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cần đầu tư nâng cấp tuyến này qua địa bàn tỉnh ít nhất 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Khởi công và đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, sớm đưa vào sử dụng để giảm tải lưu lượng phương tiện trên tuyến quốc lộ 1A. Đồng thời, ngành chức năng tiếp tục đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu, đèn cảnh báo tại khu vực các đường giao nhau với quốc lộ 1A.
Trần Tiềm theo http://www.quangnam.gov.vn
Trần Tiềm