Thừa Thiên Huế: Đảm bảo an toàn tuyến giao thông thủy nội địa

Thứ hai, 25/07/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trung tuần tháng 6 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa(ATGTĐT) tỉnh tiến hành kiểm tra các bến đò ngang, đò dọc trên địa bàn. Kết quả kiểm tra đã phát hiện một số vấn đề thiếu sót, hạn chế. Hiện nay, chính quyền các địa phương và các chủ khai thác bến đang tập trung khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho giao thông thủy nội địa.
Trung tuần tháng 6 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa(ATGTĐT) tỉnh tiến hành kiểm tra các bến đò ngang, đò dọc trên địa bàn. Kết quả kiểm tra đã phát hiện một số vấn đề thiếu sót, hạn chế. Hiện nay, chính quyền các địa phương và các chủ khai thác bến đang tập trung khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho giao thông thủy nội địa.
Kiểm tra hoạt động giao thông đường thủy là một trong những hoạt động thường niên của đoàn liên ngành, nhằm kịp thời phát hiện những thiếu sót, tồn tại mà khắc phục để công tác đảm bảo ATGTĐT trên địa bàn được tốt hơn. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các phương tiện hoạt động chở khách tại các bến đò ngang, đò dọc, thuyền du lịch đều đã đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm nhân sự cho hành khách; các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, áo phao, dụng cụ cứu sinh đã được trang bị, cấp phát đầy đủ. Cùng với phương tiện, người lái phương tiện chở khách đa số đều có chứng chỉ chuyên môn, bằng lái phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển.

Bên cạnh những mặt được, vẫn còn một số vấn đề tồn tại; trong đó, có thuyền khách Long Quang TTH 0676 tải trọng 60 khách chưa có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và thuyền trưởng không có bằng lái hạng II. Nổi cộm nhất là các bến thuyền du lịch trên sông Hương đã hết hạn giấy phép hoạt động từ hơn nửa năm qua. Ông Trần Bá Trung, Thường trực Ban ATGT tỉnh cho hay: Sau khi có ý kiến đề xuất của đoàn kiểm tra, các cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động giao thông đường thủy đã khẩn trương khắc phục một bước những thiếu sót, hạn chế trong công tác đảm bảo ATGTĐT. Cụ thể, thuyền khách Long Quang của Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế đã thực hiện đăng kiểm có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật; đồng thời, đã cho cán bộ đi học bằng lái tàu hạng II. Đối với giấy phép hoạt động các bến thuyền du lịch trên sông Hương, đơn vị chủ quản cũng đã lập hồ sơ xin cấp phép hoạt động.

Thật ra, các bến thuyền trên sông Hương không có giấy phép hoạt động hơn nửa năm qua là do không có cơ quan quản lý nhà nước nào đứng ra cấp giấy phép hoạt động cho các chủ bến. Trước đây, việc cấp giấy phép hoạt động các bến thuyền trên sông Hương đều do Đoạn Quản lý đường sông Thừa Thiên Huế đảm nhận, nhưng ngày 31-8-2010, Bộ GTVT có Thông tư 25 Quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa; trong đó, có ghi rõ việc cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa nằm trên tuyến đường thủy cấp quốc gia do Chi cục trưởng Chi cục đường thủy nội địa cấp… nên Đoạn quản lý đường sông Thừa Thiên Huế thấy không đủ thẩm quyền để tiếp tục cấp phép cho các bến thuyền trên sông Hương.

Ông Võ Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh cho biết: Tuyến sông Hương là tuyến đường thủy cấp quốc gia đã được Bộ GTVT ủy quyền cho Sở GTVT tỉnh quản lý nhưng quy định về việc cấp giấy phép hoạt động bến thủy lại không cụ thể. Sở GTVT đã kiến nghị lên Bộ GTVT đề nghị cần có hướng dẫn về việc cấp giấy phép hoạt động bến thủy trên tuyến quốc gia do tỉnh quản lý. Nếu được ủy quyền cấp phép thì Sở GTVT sẽ đảm nhận và hướng dẫn các chủ bến thuyền thực hiện…


Trong thời gian đợi cấp phép, các bến thuyền du lịch vẫn được hoạt động để đáp ứng nhu cầu của khách. Lực lượng cảnh sát đường thủy, thanh tra và các lực lượng khác tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách. Cơ sở hạ tầng của bến vẫn tiếp tục được đầu tư. Bà Trương Thị Ánh, Trưởng BQL Bến xe-Bến thuyền TP Huế cho hay: -Bến Tòa Khâm vừa được đầu tư hơn 850 triệu đồng để mở rộng bến từ 70 m thành 150 m, lắp đặt hệ thống ánh sáng, nâng cấp lối đi bộ, chỗ nghỉ chân… cho hành khách. Hiện tại, đang tiếp tục đầu tư nâng cấp nhà chờ cho hành khách…

Cùng với việc khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong hoạt động giao thông trên sông Hương, các tuyến sông khác cũng đang được UBND các huyện, thị xã tập trung triển khai. Ngày 8-7 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản số 2711 về việc khẩn trương khắc phục các thiếu sót, hạn chế được phát hiện trong quá trình kiểm tra giao thông thủy nội địa, trong đó, yêu cầu Ban ATGT tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan khắc phục các thiếu sót, xử lý các sai phạm đã nêu; đồng thời, đề nghị chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo UBND các phường, xã liên quan yêu cầu các bến đò ngang, bến thuyền du lịch phải có phương án cứu hộ, cứu nạn… UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND cấp huyện chủ động bố trí kinh phí để bảo trì, sửa chữa công trình thiết yếu liên quan, bảo đảm các bến hoạt động trên địa bàn…

Hơn 10 năm qua, Thừa Thiên Huế không để xảy ra TNGT đường thủy. Việc tập trung khắc phục các thiếu sót, hạn chế được phát hiện trong đợt kiểm tra vừa qua sẽ góp phần cho công tác ATGTĐT được đảm bảo hơn, tạo sự yên tâm tuyệt đối cho người dân và du khách tham gia giao thông bằng phương tiện đường thủy trên địa bàn.


Tunglt (baothuathienhue.vn)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)