Vận chuyển hành khách đường thủy qua các bến đò ngang xưa nay luôn có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Vì vậy mà bảo đảm trật tự ATGT tại các bến đò ngang được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT chung của các lực lượng chức năng và của các địa phương có tuyến sông đi qua, nhất là an toàn sông nước trong mùa mưa bão.
Là tỉnh có mật độ giao thông thủy phát triển mạnh, với 127 km đường thủy, ở 3 tuyến sông chính, sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình. Việc đi lại và giao lưu phát triển kinh tế của người dân sinh sống ven các tuyến sông chủ yếu vẫn bằng các bến chở khách ngang sông, nên số lượng bến đò ngang cũng phát triển nhanh chóng. Hiện toàn tỉnh có 56 bến đò ngang, nằm rải rác ở khắp các tuyến sông, với hàng nghìn lượt hành khách qua sông mỗi ngày.
Công tác bảo đảm trật tự ATGT đối với loại hình vận tải này cũng rất phức tạp, bởi trình độ nhận thức luật pháp về ATGT của các chủ đò thấp, họ thường bất chấp mọi sự nguy hiểm, kể cả với bản thân chỉ vì lợi ích kinh tế trước mắt… Chính vì vậy mà tồn tại cố hữu trong nhiều năm liền tình trạng hành nghề tự do, không đăng ký bến bãi, đăng kiểm chất lượng phương tiện, chứng chỉ lái đò… với các cơ quan chức năng mà hành nghề theo kiểu cha truyền, con nối. Đã có rất nhiều gia đình làm ăn, sinh sống chỉ dựa vào chiếc đò ngang và cả gia đình đều có thể chèo đò chở khách. Sự tùy tiện đó đã từng dẫn đến nhiều vụ tai nạn sông nước nghiêm trọng, làm chết nhiều người trên cùng một chuyến đò.
Trước thực trạng bức xúc đó, tỉnh đã có sự chỉ đạo gắt gao ngành chức năng phải có biện pháp kiên quyết để đưa các bến chở khách ngang sông hoạt động có nền nếp, theo quy định của pháp luật. Quyết định số 66 của UBND tỉnh quy định quản lý phương tiện thủy nội địa loại phải đăng ký nhưng không thuộc diện đăng kiểm và quy định quản lý bến khách ngang sông đã được ban hành. Trong đó nhấn mạnh điều kiện hoạt động của các bến khách ngang sông phải bảo đảm: Bến không nằm trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, vị trí bến, phương tiện ra vào bến phải an toàn, thuận tiện; phải có cầu cho người, phương tiện giao thông lên xuống an toàn, có trang thiết bị neo buộc phương tiện, có đèn chiếu sáng nếu hoạt động ban đêm; đối với các bến khách ngang sông được phép vận chuyển cả phương tiện ô tô thì công trình bến phải được áp dụng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của bến phà, có lắp đặt báo hiệu thủy nội địa, có nhà chờ, bảng nội quy, bảng niêm yết giá và phải có giấy cấp phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp. Bến đò nào không đạt tiêu chuẩn sẽ bị đình chỉ hoạt động, nếu cố tình vi phạm, lãnh đạo địa phương sở tại phải chịu trách nhiệm.
Đối với chất lượng phương tiện và chủ phương tiện cũng có yêu cầu nghiêm ngặt, nhằm bảo đảm sự an toàn cho hành khách. Tất cả các phương tiện phải được đăng ký chất lượng bảo đảm an toàn kỹ thuật, chủ đò phải được cấp chứng chỉ mới được phép hành nghề. Vì vậy, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng như Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải, Đội CSGT đường thủy nội địa, Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 4, chính quyền các địa phương và các lực lượng chức năng khác phải đồng bộ vào cuộc, vừa hỗ trợ các trang thiết bị bảo đảm an toàn vừa xử lý nghiêm khắc những vi phạm để từng bước ổn định hoạt động của các bến khách ngang sông.
Được biết, Sở Giao thông-Vận tải đã phối hợp với các trường dạy nghề tổ chức dạy nghề và cấp chứng chỉ miễn phí cho 100% lái đò trong toàn tỉnh. Các ngành chức năng phối hợp cấp, phát miễn phí áo phao, phao cứu sinh cho 100% các bến chở khách. Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra giao thông, CSGT Công an tỉnh cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm. Lập hồ sơ từng bến khách và yêu cầu phải có đăng ký bến bãi, đăng ký phương tiện, người lái phải có chứng chỉ mới được phép hoạt động.
Ngay đầu năm nay, Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra gắt gao việc bảo đảm ATGT ở các bến đò và yêu cầu đình chỉ hoạt động 3 bến đò của huyện Yên Phong, do không có giấy phép hoạt động. Trước sự nỗ lực đó, hiện các bến đò ngang cơ bản đã hoạt động ổn định, 90% phương tiện được đăng ký, hơn 90% lái đò đã được cấp chứng chỉ.
Chủ đò Nguyễn Văn Thiệu, bến đò Xuân Dương, xã Vạn Ninh (Gia Bình) cho biết: “Trước kia do không hiểu biết pháp luật, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình biết chèo đò thì hành nghề, cũng không lường hết được nguy hiểm. Nay tôi được học, được giáo dục pháp luật về ATGT nên sẽ chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước, vừa bảo đảm an toàn cho hành khách, vừa bảo đảm an toàn cho chính bản thân”.
Trước mùa mưa bão năm nay, 100% các chủ đò ngang đã ký cam kết với ngành chức năng thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa. Chính quyền các địa phương cũng có sự quản lý sát sao hơn hoạt động bến bãi tại địa phương mình. Đây sẽ là cơ sở cho sự an toàn của hành khách qua sông.
Theo Báo Bắc Ninh