BÌNH ĐỊNH: CÔNG AN TỈNH VÀ CÔNG TY QUẢN LÝ ĐƯỜNG SẮT NGHĨA BÌNH PHỐI HỢP ĐẢM BẢO TTATGT ĐƯỜNG SẮT

Thứ ba, 10/05/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên hai ngành, đầu tháng 8.2009, Công an tỉnh và Công ty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình đã ký Quy chế phối hợp về bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế và trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường sắt. Từ đó đến nay, hai ngành đã nỗ lực thực hiện những nội dung ký kết, góp phần bảo vệ đường tàu và đảm bảo chạy tàu thông suốt, an toàn.
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên hai ngành, đầu tháng 8.2009, Công an tỉnh và Công ty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình đã ký Quy chế phối hợp về bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế và trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường sắt. Từ đó đến nay, hai ngành đã nỗ lực thực hiện những nội dung ký kết, góp phần bảo vệ đường tàu và đảm bảo chạy tàu thông suốt, an toàn.

Trên tuyến đường sắt Thống nhất chạy qua Bình Định có 19 đường ngang có gác, 20 đường ngang có tín hiệu cảnh báo tự động, 21 đường ngang có biển báo (Công ty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình quản lý 18 đường ngang có gác, 10 đường ngang có tín hiệu cảnh báo và 21 đường ngang có biển báo). Ngoài ra, còn có hàng trăm đường ngang tự mở, trong đó, nhiều đường ngang có ô tô lưu thông. Tình trạng xây dựng các công trình như nhà ở, tường rào… tình trạng vi phạm chỉ giới hành lang ATGT đường sắt vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện tượng trẻ em chăn thả trâu bò, đùa nghịch, đặt các chướng ngại vật trên đường tàu, ném đất đá lên tàu vẫn còn xảy ra. Thực trạng trên tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tai nạn khó lường trên đường sắt.

Để bảo đảm ATGT đường sắt, thực hiện Quy chế phối hợp, từ tháng 8.2009 đến nay, Công ty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình và Công an tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu sự cố xảy ra. Ngoài việc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Luật Đường sắt, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh về tổ chức lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt…, Công an tỉnh và Công ty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình đã phối hợp tổ chức phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tập trung vào nội dung giữ gìn TTATGT đường sắt; chống xâm hại, trộm cắp vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt. Qua đó, đã tuyên truyền, phổ biến Luật Đường sắt đến với nhân dân.
Đặc biệt, tại các xã, phường có tuyến đường sắt chạy qua như Hoài Châu Bắc, Hoài Tân, Hoài Đức, Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn); Cát Tân (huyện Phù Cát); Nhơn Hưng (huyện An Nhơn); Phước Lộc (huyện Tuy Phước); phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) và các trường THCS: Mỹ Lộc, Tam Quan Bắc, Cát Trinh…, nhân dân và học sinh đã cam kết thực hiện 6 không (không tháo dỡ, trộm cắp vật tư, thiết bị đường sắt, không đặt chướng ngại vật trên đường sắt, không xâm phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, không chăn thả gia súc trên đường sắt, không ném các vật lên tàu, không bao che hành vi xâm phạm an ninh, ATGT đường sắt).
Qua công tác phát động, lực lượng phối hợp đã củng cố, duy trì các mô hình, phong trào bảo vệ đường sắt như “Em yêu đường sắt quê em”… Công ty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình còn cấp thường xuyên báo Đường sắt (mỗi số 63 tờ) cho các trường học, Ban Văn hóa - Thông tin các xã dọc tuyến đường sắt và 1.500 tờ bướm tuyên truyền ATGT đường sắt.
Mặt khác, hai ngành còn phối hợp kiểm tra, nhắc nhở 12 cơ sở kinh doanh phế liệu không mua, bán phế liệu là vật tư, thiết bị đường sắt; khi phát hiện có người mua, bán phải nhanh chóng báo cho chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý.
Nhờ triển khai tốt các nội dung phối hợp, Công ty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình và Công an tỉnh đã xây dựng hành lang an toàn đảm bảo TTATGT đường sắt và bảo vệ vật tư, thiết bị đường sắt; góp phần đảm bảo công tác chạy tàu an toàn, thông suốt trong thời gian qua và giảm đến mức thấp nhất số vụ xâm phạm đường sắt so với những năm trước.
Phát huy những kết quả đạt được, tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp vừa được tổ chức vào giữa tháng 4.2011, hai ngành đã thống nhất kế hoạch hành động trong thời gian tới. Đó là sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đoàn thể, UBND xã, phường, thị trấn có đường sắt chạy qua tích cực tham gia bảo vệ đường sắt. Đồng thời, đẩy mạnh phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, triển khai các biện pháp phòng ngừa xã hội nhằm ngăn chặn kịp thời mọi hành vi vi phạm, không để ảnh hưởng đến ATGT đường sắt và công tác chạy tàu.
Tuyến đường sắt Thống nhất chạy qua Bình Định dài 146,3 km, trong đó 108,5 km do Công ty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình quản lý gồm 98,2 km từ hầm Bình Đê (Hoài Nhơn) đến phía Nam Ga Diêu Trì và 10,3 km từ Diêu Trì đến Quy Nhơn; 37,8 km còn lại từ phía Nam Ga Diêu Trì đến Mục Thịnh (Vân Canh) do Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh quản lý.

Tunglt (Theo baobinhdinh.com.vn)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)