Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều người thiếu ý thức xây dựng văn hóa giao thông

Thứ hai, 21/12/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành pháp luật giao thông và có hành vi, thái độ chuẩn mực, cư xử thân thiện khi tham gia giao thông. Thế nhưng nhiều vụ việc xảy ra gần đây cho thấy không ít người thiếu ý thức xây dựng văn hóa giao thông.
Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành pháp luật giao thông và có hành vi, thái độ chuẩn mực, cư xử thân thiện khi tham gia giao thông. Thế nhưng nhiều vụ việc xảy ra gần đây cho thấy không ít người thiếu ý thức xây dựng văn hóa giao thông.
Gần đây, tình trạng đánh nhau sau khi xảy ra tai nạn giao thông diễn ra khá nhiều mà nguyên nhân là những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cư xử không đúng, cự cãi nhau và tự giải quyết vụ tai nạn bằng “nắm đấm”…
Một vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra giữa hai xe máy trên đường Nguyễn Văn Trỗi, TP.Vũng Tàu (đoạn ngã tư Nguyễn Văn Trỗi-Cô Giang), ba thanh niên đi trên một xe máy bị té ngã liền đứng dậy, tiến thẳng tới chỗ người điều khiển xe máy vừa gây ra va chạm với xe máy của mình văng tục và đấm đá túi bụi. Người điều khiển xe máy kia cũng dùng mũ bảo hiểm đánh trả. Người đi đường hiếu kỳ dừng lại xem rất đông. Cuộc “hỗn chiến” chỉ dừng lại khi lực lượng Cảnh sát 113 đến can thiệp.
Ở một vụ tai nạn giao thông khác, một người đàn ông trung niên điều khiển xe máy trên đường Hải Đăng (TP. Vũng Tàu) tông phải một bé gái đang ngồi chơi bên đường. Người đàn ông trung niên vẫn thản nhiên cho xe máy “đổ dốc”. Người nhà của bé gái thấy vậy liền đuổi theo, giữ xe máy lại và túm tụm “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” rồi sau đó mới gọi Cảnh sát giao thông đến xử lý hiện trường.
Còn vụ tai nạn giao thông giữa một xe taxi với một xe ô tô du lịch (loại 4 chỗ ngồi) xảy ra trên đường Thùy Vân (TP.Vũng Tàu) thì có rất đông tài xế lái xe taxi vây đánh túi bụi người lái xe ôtô du lịch…
Tai nạn giao thông xảy ra là điều không ai muốn. Vì vậy khi tai nạn lỡ xảy ra thì rất cần sự bình tĩnh, xử lý với nhau có văn hóa. Văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi giao tiếp với nhau lịch sự và tôn trọng lẽ phải, mà trước hết là có ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông là xây dựng lối sống lành mạnh trong hoạt động giao thông thông qua việc động viên, tuyên truyền người dân chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông. Trong các gia đình, ông bà và cha mẹ luôn gương mẫu và răn dạy con cháu mình điều khiển phương tiện tham gia giao thông là phải tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, có hành vi và thái độ lịch sự, văn minh, biết tôn trọng điều hay lẽ phải, cứu giúp kịp thời người bị tai nạn giao thông…
Mới đây, Ban An toàn giao thông tỉnh đã phát động phong trào xây dựng văn hóa giao thông ở địa bàn dân cư với các hành vi thể hiện như: Điều khiển phương tiện đi đúng làn đường, đúng tốc độ quy định; đội mũ bảo hiểm khi điều khiển môtô, xe máy; không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông; không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; không sử dụng lòng đường, hè phố để buôn bán hàng hóa; thực hiện đúng các quy định, nội quy tại bến xe, bến tàu, bến phà và trên các phương tiện giao thông công cộng; phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi rải đinh trên đường, xả rác, nước thải ra đường; giúp đỡ kịp thời người điều khiển phương tiện tham gia giao thông bị tai nạn; giúp đỡ người tàn tật, trẻ em và người cao tuổi tham gia giao thông; không sách nhiễu hoặc tiêu cực khi thi hành công vụ ... Đó là những hành vi thể hiện trong văn hóa giao thông mà mỗi chúng ta cần tự giác chấp hành nhằm góp phần ngăn chặn và kéo giảm tai nạn giao thông hiện nay.
Theo báo BR-VT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)