Lại thêm một vụ va chạm giữa tàu chở than và đầu máy đẩy sà lan xảy ra vào rạng sáng ngày 25-12 tại khu vực neo đậu cảng chuyển tải Hòn Nét (Cẩm Phả) làm 4 thuỷ thủ thiệt mạng, đã gióng lên hồi chuông báo động về tỷ lệ gia tăng tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa (ĐTNĐ).
Lại thêm một vụ va chạm giữa tàu chở than và đầu máy đẩy sà lan xảy ra vào rạng sáng ngày 25-12 tại khu vực neo đậu cảng chuyển tải Hòn Nét (Cẩm Phả) làm 4 thuỷ thủ thiệt mạng, đã gióng lên hồi chuông báo động về tỷ lệ gia tăng tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa (ĐTNĐ).
Đây là vụ tai nạn sông nước nghiêm trọng thứ 3 xảy ra trong vòng 4 tháng qua. Trước đó, vụ lật đò ở hồ Yên Lập (2-11) và vụ lật tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long (24-9) cũng đã cướp đi sinh mạng của 11 người. Đó là những thiệt hại, mất mát to lớn không có gì bù đắp được.
Khách quan mà nói, các vụ tai nạn trên đây đều có nguyên nhân khách quan khó tránh, đó là do gió lốc, đêm tối. Song nghiêm túc xem xét, thì đó cũng là hệ quả tất yếu của việc không chấp hành nghiêm các quy định Luật Giao thông ĐTNĐ, trong đó chủ yếu vẫn là của chủ phương tiện và người tham gia giao thông.
Là một tỉnh ven biển có hệ thống giao thông ĐTNĐ đa dạng và phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, do đó công tác quản lý nhà nước về giao thông ĐTNĐ, đảm bảo TTATGT luôn được các cấp, các ngành, địa phương hết sức coi trọng. Đã có nhiều giải pháp trong quản lý, quy hoạch, vận động tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, song dường như những nỗ lực ấy vẫn là chưa đủ, tai nạn giao thông ĐTNĐ nghiêm trọng vẫn xảy ra đến mức báo động.
Để tình hình giao thông ĐTNĐ được ổn định, đảm bảo trật tự, an toàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán - thời điểm mà các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động, cần phải có các biện pháp quyết liệt và đồng bộ. Trước hết, cần xác định công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông ĐTNĐ là trách nhiệm của toàn xã hội, của chính quyền các cấp, của tổ chức, cá nhân quản lý hoặc trực tiếp tham gia giao thông, trong đó UBND các cấp, các cơ quan quản lý chuyên ngành là nòng cốt. Do đó, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên ngành, chính quyền các địa phương trong việc thực hiện nghiêm túc các nội dung mà Luật Giao thông ĐTNĐ đã quy định. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông ĐTNĐ cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn giao thông ĐTNĐ đối với những tổ chức, cá nhân tham gia giao thông trên các tuyến ĐTNĐ. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm phải được thực hiện quyết liệt, triệt để; cần áp dụng các biện pháp mạnh có tính răn đe, giáo dục cao, đặc biệt đối với các nguyên nhân trực tiếp gây TNGT. Trước tình hình phức tạp trong hoạt động giao thông ĐTNĐ hiện nay, công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm có vai trò hết sức quan trọng, nếu không nói là yếu tố quyết định trong việc thiết lập và duy trì trật tự ATGT, kiềm chế TNGT trên các tuyến ĐTNĐ.