Năm 2009, toàn tỉnh đã xảy ra 153 vụ TNGT, làm 132 người chết, 144 người bị thương. Theo xếp hạng của Uỷ ban ATBT Quốc gia, tỉnh ta đứng sát cuối các tỉnh, thành phố trong cả nước về công tác đảm bảo TTATGT.
Năm 2009, toàn tỉnh đã xảy ra 153 vụ TNGT, làm 132 người chết, 144 người bị thương. Theo xếp hạng của Uỷ ban ATBT Quốc gia, tỉnh ta đứng sát cuối các tỉnh, thành phố trong cả nước về công tác đảm bảo TTATGT.
Trong 11 tháng năm 2009 lực lượng CSGT đã tạm giữ 5.854 xe mô tô vi phạm các quy định về TTATGT.
Nhằm lập lại TTATGT, năm 2009, các cấp, các ngành trên toàn tỉnh triển khai nhiều giải pháp và ra quân khá quyết liệt. Nhiều kế hoạch, quyết định, chỉ thị, công văn của UBND tỉnh, Ban ATGT được ban hành và tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền PBGDPL về TTATGT được triển khai bằng nhiều hình thức như tổ chức các cuộc thi, hội thi, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mở các lớp tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở, cấp phát tài liệu, từ rơi, tổ chức lễ ra quân hưởng ứng tháng ATGT.
Công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm được thực hiện theo phương châm “Công khai, minh bạch, kiên quyết, hiệu quả, sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra TNGT”. Các lực lượng chức năng đã lập biên bản 30.556 trường hợp vi phạm, tạm giữ 38 xe ô tô, 2 xe công nông, 5.854 xe mô tô, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 99 trường hợp, tổng số tiền thu phạt là 6.501.094.000 đồng. Riêng lực lượng CSGT đã lập biên bản 8.782 trường hợp không đội mũ bảo hiểm.
Công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe đã được thực hiện theo đúng quy định của Bộ GT-VT. Công tác kiểm định chất lượng an toàn kỳ thuật và bảo vệ môi trường được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Trong 11 tháng đã kiểm định 7.500 phương tiện, trong đó có 2.046 phương tiện không đạt tiêu chuẩn chiếm 29,9%. Công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm, chú trọng.
Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp TNGT của các ngành chức năng so với cùng kỳ năm 2008, thành phố Hòa Bình giảm cả 3 tiêu chí, huyện Lạc Thuỷ giảm về số vụ và số người bị thương, nhưng lại tăng về số người chết; huyện Lương Sơn giảm được số vụ, số người chết, nhưng lại tăng về số người bị thương; huyện Lạc Sơn giảm được số vụ, không tăng số người chết nhưng lại tăng số người bị thương. Các huyện Kim Bôi, Mai Châu, Yên Thuỷ, Đà Bắc, Cao Phong tăng cả ba tiêu chí. Đặc biệt, huyện Kim Bôi có số vụ, số người chết và người bị thương cao nhất các huyện, thành phố trong tỉnh, với tổng số 26 vụ, 31 người chết, 17 người bị thương.
Phân tích của các ngành chức năng cho thấy, TNGT đường bộ trên địa bàn tỉnh trong 11 tháng qua có 82 vụ xảy ra ban ngày, chiếm 53,6%, 71 vụ xảy ra ban đêm, chiếm 46,4%. Xảy ra do mô tô 85 vụ, chiếm 55,6%, do ô tô 64 vụ, chiếm 41,8%, phương tiện khác 4 vụ, chiếm 2,6%. Xảy ra trên Quốc lộ 102 vụ, chiếm 66,7%, tỉnh lộ 14 vụ, chiếm 9,2%, trên các đường khác 37 vụ, chiếm 24,1%. Theo lứa tuổi, TNGT do người tham gia giao thông dưới 40 tuổi là 115 vụ, chiếm 75,2%, trên 40 tuổi 38 vụ, chiếm 24,8%. Trong đó, không ít trường hợp là thiếu niên chưa đủ tuổi hoặc những người không có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Như vậy, TNGT chủ yếu xảy ra ban ngày, trên Quốc lộ, do mô tô và người điều khiển dưới 40 tuổi gây ra mà nguyên nhân chính là do đi không đúng phần đường, vi phạm tốc độ, vượt sai quy định, điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia, chở quá số người quy định, trở hàng hoá quá khổ, quá tải …
Thực tế cho thấy, công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và nguyên nhân bấy lâu nay đã được các cấp, các ngành và các cơ quan thông tin đại chúng đề cập rất nhiều. Đó là: Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, có quá nhiều đường dân sinh tự phát đấu nối vào quốc lộ, mặt đường hư hỏng, xuống cấp chậm được khắc phục điển hình như quốc lộ 21, 12B, đường 12B. Công tác TTKS, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng đã được tăng cường, nhưng do lực lượng mỏng nên mới chỉ thực hiện ở một số vị trí trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Lực lượng CA xã đã tham gia bảo đảm TTATGT nhưng hiệu quả chưa cao. Một số bộ phận người tham gia giao thông không tự giác chấp hành các quy định về ATGT hoặc chấp hành đối phó. Việc chấp hành giữa các cấp, các ngành, các địa phương còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Tình trạng chiếm dụng, lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT để họp chợ, làm lều lán bán hàng diễn ra khá phổ biến. Số lượng phương tiện cơ giới đồng bộ tăng nhanh, không đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của các cấp, các ngành đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Để giữ vững “kỷ cương, phép nước”, hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL về TTATGT, vận động nhân dân thực hiện Luật Giao thông, thực hiện chặt chẽ công tác quản lý Nhà nước về TTATGT từ cơ sở, để giữ gìn TTATGT cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kiên quyết không để các phương tiên không đủ điều kiện lưu hành tham gia giao thông. Xử lý nghiêm những phương tiện quá khổ, quá trọng tải cầu - đường bộ và những trường hợp xây dựng nhà, lều lán trái phép, ô tô đỗ lấn chiếm lòng đường và tình trạng họp chợ chiếm lòng đường, vỉa hè và hành lang an toàn giao thông. Tập trung nâng cao công tác quản lý vận tải, phương tiện và người lái. Quan tâm đầu tư nâng cao kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu lưu thông và nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Theo HBĐT