Luật Giao thông đường thuỷ nội địa được triển khai thực hiện 4 năm qua trên địa bàn tỉnh đã góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) và an ninh trật tự trên tuyến giao thông đường thuỷ. Tuy nhiên do chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức, tình trạng vi phạm về an toàn giao thông đường thuỷ hiện vẫn còn nhiều...
Luật Giao thông đường thuỷ nội địa được triển khai thực hiện 4 năm qua trên địa bàn tỉnh đã góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) và an ninh trật tự trên tuyến giao thông đường thuỷ. Tuy nhiên do chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức, tình trạng vi phạm về an toàn giao thông đường thuỷ hiện vẫn còn nhiều...
Để thực thi tốt Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, tỉnh ta đã có nhiều biện pháp triển khai đến người dân trong tỉnh. Trong đó Công an tỉnh đã in nhiều tài liệu để công an các huyện, thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ; đồng thời phân công, phân cấp địa bàn giao thông đường thuỷ nội địa cho cảnh sát giao thông đường thuỷ và các địa phương quản lý, làm tốt công tác ATGT đường thuỷ.
Lãnh đạo Phòng PC 25 (Công an tỉnh) cho biết, đơn vị đã tổ chức 62 đợt tuyên truyền Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và Nghị định 09/CP của Chính phủ đến người dân; tổ chức cho hơn 4.300 lượt người tham dự các lớp học cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng; phát hơn 7.300 tờ rơi "Toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường thuỷ nội địa". Cán bộ, chiến sĩ Phòng PC 25 còn vận động hàng ngàn người dân sống dọc theo các con sông, bờ biển ký cam kết không vi phạm TTATGT đường thuỷ, không dùng chất nổ và xung điện đánh bắt thuỷ, hải sản.
Những con đò quá tải - cảnh thường thấy vào mùa mưa trên các bến đò ở tỉnh
Qua 961 ca tuần tra, kiểm soát của CBCS Phòng PC 25, đã phát hiện 943 trường hợp vi phạm TTATGT đường thuỷ; phát hiện và lập biên bản thu giữ 4 bộ kích điện đánh bắt thủy hải sản; kiểm tra 79 bến đò, ngang, dọc và lập biên bản đình chỉ 23 bến đò không có giấy phép hoạt động, phương tiện không đảm bảo an toàn, người lái đò không đảm bảo sức khoẻ, độ tuổi và chuyên môn. Cùng với cảnh sát giao thông đường thuỷ, công an các huyện, thành phố cũng tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm soát, nhằm lặp lại TTATGT đường thuỷ. Nhờ vậy từ khi triển khai thực hiện Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, tai nạn giao thông đường thuỷ trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra một vụ (vào mùa mưa năm 2007, làm một người chết).
Thượng tá Lê Tấn Tường - Phó Phòng PC 25 cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả, nhưng việc thực thi Luật Giao thông đường thuỷ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự quyết liệt. Bởi thiếu sự quan tâm của các ngành, các cấp, nhất là ở chính quyền cơ sở. Lâu nay các địa phương chỉ tập trung vào việc lập lại TTATGT đường bộ, mà ít chú ý đến công tác TTATGT đường thuỷ, nội địa. Trong khi đó, việc vi phạm TTATGT đường thuỷ hầu như địa phương nào cũng xảy ra khi đoàn kiểm tra liên ngành của công an, Sở GTVT và một số cơ quan chức năng vào cuộc.
Đặc biệt như các loại tàu thuyền vận tải hàng hoá và chở khách tuyến Sa Kỳ-Lý Sơn. Phòng CSGT đường thuỷ cho rằng, nếu phát hiện các con tàu này chở quá tải trọng cho phép, thì sẽ cho dừng, hoặc hạ tải. Thế nhưng cái khó hiện nay là không phải lúc nào CSGT đường thuỷ cũng có mặt tại chỗ khi tàu xuất bến. Và nếu tàu thuyền có công suất từ 15 CV trở lên được đăng kiểm, thì loại công suất 15 CV trở xuống lại được giao cho chính quyền địa phương quản lý. Nhưng bộ phận tác nghiệp của địa phương không có chuyên môn về đăng ký, đăng kiểm, thì làm sao biết được tàu thuyền có đảm bảo khi đi trên sông, biển hay không?
Bên cạnh đó, hiện nay có hàng loạt bến đò hoạt động nhưng rất nhiều nơi không đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định như: Bằng cấp chứng chỉ chuyên môn lái đò; thuyền chưa đi đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường; thiếu hoặc chủ quan không mang áo phao trên đò... Trước mùa mưa bão năm nay đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh còn phát hiện ở bến đò Khê Tân - Cổ Luỹ, người lái đò bị cụt một chân. Đó là chưa kể hiện nay tình trạng lấn sông làm công trình, làm nhà, nuôi trồng thuỷ sản, khai thác cát bừa bãi... còn khá nhiều, rất dễ dẫn đến ùn tắc giao thông, ảnh hưởng dòng chảy và làm sạt lở bờ sông.
Có thể thấy rằng, việc thực thi Luật Giao thông đường thuỷ ở tỉnh ta chưa quyết liệt. Vì vậy, chính quyền và các ngành chức năng cần có nhiều biện pháp mạnh hơn, để hạn chế tình trạng mất ATGT cũng như tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra trên các tuyến giao thông thuỷ nội địa.
Báo QuangNgai