Thời gian qua, các cấp các ngành ở tỉnh Kiên Giang đã có nhiều biện pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) và những thiệt hại do TNGT gây ra, nhưng hiệu quả chưa rõ nét. Ðể giải quyết tốt vấn đề này, tỉnh Kiên Giang cần có những giải pháp tích cực hơn nữa, nhất là về công tác tuyên truyền.
Thời gian qua, các cấp các ngành ở tỉnh Kiên Giang đã có nhiều biện pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) và những thiệt hại do TNGT gây ra, nhưng hiệu quả chưa rõ nét. Ðể giải quyết tốt vấn đề này, tỉnh Kiên Giang cần có những giải pháp tích cực hơn nữa, nhất là về công tác tuyên truyền.
Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, có ba tuyến quốc lộ 80, 61 và 63 và số vụ TNGT xảy ra trên ba tuyến đường này chiếm gần 50% số vụ TNGT xảy ra trong toàn tỉnh. Ðồng chí Nguyễn Văn Phường, cán bộ thống kê Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Kiên Giang cho biết: Có những tháng, ở những huyện như Châu Thành, Kiên Lương, Hòn Ðất, Phú Quốc..., TNGT xảy ra nhiều đến độ, bảng theo dõi tình hình TNGT không còn chỗ trống để ghi. Ðiểm qua hàng loạt những báo cáo tuần về tình hình trật tự, ATGT của Công an Kiên Giang cho thấy, tuần nào tại Kiên Giang cũng xảy ra từ một đến bốn vụ TNGT nghiêm trọng, thiệt hại nặng về người và tài sản. Mà nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT này thường là người điều khiển phương tiện vi phạm những quy định về ATGT như: chạy quá tốc độ, say rượu, tránh vượt sai quy định, chạy không đúng phần đường... Mặc dù thời gian qua công tác bảo đảm trật tự, ATGT được các cấp, các ngành ở Kiên Giang đẩy mạnh như: tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; giải tỏa hành lang đường bộ; đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông; tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về trật tự ATGT... nhưng xem ra tất cả những giải pháp đều chưa đem lại hiệu quả. Tình hình TNGT vẫn không giảm mà còn có chiều hướng tăng cao, đặc biệt số người chết do TNGT năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2009, tỉnh Kiên Giang xảy ra 164 vụ TNGT, làm chết 126 người và 119 người bị thương. Nếu so với năm 2008, số vụ giảm bốn, số người bị thương giảm 13 người, nhưng số người chết lại tăng đến 20 người. Ðáng lưu ý, sáu tháng đầu năm 2010, toàn tỉnh đã xảy ra 95 vụ TNGT, làm 90 người chết, 90 người bị thương. So sánh với cùng kỳ năm 2009, số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương đều tăng cao, trong đó số người chết tăng đến 12 người và số người bị thương tăng đến 19 người.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền
Nguyên nhân khiến cho tình hình TNGT ở Kiên Giang diễn biến phức tạp, trước tiên là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông. Kế đến là một số nguyên nhân khách quan như số phương tiện tham gia giao thông đường bộ tăng đột biến, phương tiện đường thủy chưa đăng ký, đăng kiểm còn nhiều. Chỉ tính riêng trong năm 2009, số xe mô-tô đăng ký mới gần 44.500 chiếc, xe ô-tô đăng ký mới cũng đạt gần 1.000 chiếc. Số phương tiện đường thủy đăng ký, đăng kiểm đạt chưa đến 60%. Phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, trong khi hạ tầng giao thông chưa được cải thiện, nâng cấp, mở rộng đồng bộ. Nhiều công trình giao thông xây dựng ì ạch kéo dài; nhiều công trình vừa hoàn thành đưa vào sử dụng đã xuống cấp nhanh chóng; một số tuyến đường không có biển báo hiệu, vạch kẻ đường, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu; tình trạng lấn chiếm hành lang, lề đường, lòng đường... chậm được khắc phục; công tác quy hoạch hạ tầng giao thông yếu kém khiến cho nhiều con đường, cây cầu vừa xây dựng, mở rộng đã bị quá tải...
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự, ATGT ở một số ngành, địa phương không được thường xuyên liên tục; một số nơi có làm nhưng hình thức khô cứng, khó đi vào lòng người, trong khi đó không xem trọng việc đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, một số khu vực được xác định là "điểm đen" về TNGT nhưng các ngành, các cấp, nhất là cơ quan quản lý nhà nước về giao thông không đưa ra được giải pháp khắc phục hiệu quả, dẫn đến TNGT vẫn thường xuyên xảy ra, gây tâm lý lo sợ cho người tham gia giao thông mỗi khi qua đây. Ðiển hình như các "điểm đen" cua vườn Tư Xiêm, cua cầu Cò Tức; một số cầu trên tuyến tỉnh lộ 963; mố A cầu Tô Châu (Hà Tiên), cầu cống Kênh 6 (U Minh Thượng), các chợ nằm trên tuyến quốc lộ 80, 61, 63...
Số liệu về tình hình TNGT sáu tháng đầu năm tại Kiên Giang cho thấy, cứ hai ngày tại tỉnh này có một người chết và một người bị thương do TNGT. Ðây là con số đáng báo động. Trước tiên, các cơ quan có liên quan cần ngồi lại phân tích kỹ lưỡng tình hình để đưa ra những đánh giá đúng đắn và đầy đủ nhất; trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp sát thực tế, phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận, cơ quan và theo dõi sát kết quả thực hiện. Là một tỉnh còn yếu kém về hạ tầng giao thông thì việc nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông được xem là giải pháp quan trọng. Kiên Giang cần đổi mới toàn bộ nội dung và hình thức tuyên truyền để nâng cao hiệu quả của công tác này. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể... cần có cách làm mới hơn, hay hơn nhằm tạo ra một sự chuyển biến mạnh mẽ về chấp hành luật lệ giao thông trong đoàn viên, hội viên và mọi tầng lớp nhân dân. Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông ngoài việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm cần có thái độ đúng đắn, phù hợp để giáo dục nhanh những trường hợp vi phạm. Tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, vừa sâu vừa rộng... Nội dung tuyên truyền phải vào từng xóm, ấp, từng khu dân cư; vào từng nhà... Làm thế nào để mọi người cùng hiểu "ATGT là hạnh phúc của mọi người".
Theo Báo Nhân Dân