Tình hình an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm 2010 ở Đồng Nai diễn biến theo hướng giảm số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm 2009. Thế nhưng vẫn còn xảy ra những vụ tai nạn thương tâm từ những nguy cơ do chủ quan của người lái xe, thiếu sâu sát của các đơn vị quản lý, thi công cầu đường...
Tình hình an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm 2010 ở Đồng Nai diễn biến theo hướng giảm số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm 2009. Thế nhưng vẫn còn xảy ra những vụ tai nạn thương tâm từ những nguy cơ do chủ quan của người lái xe, thiếu sâu sát của các đơn vị quản lý, thi công cầu đường...
* Những tín hiệu đáng mừng
Thời gian qua, bên cạnh công tác tuyên truyền, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo xử lý các "điểm đen" về ATGT như xây dựng đường gom song hành với quốc lộ 1A (đoạn từ cầu Sập đến ngã tư Amata) để phân làn xe hai bánh; lắp đặt thêm 18 chốt đèn cảnh báo, đèn điều khiển giao thông. Một số "điểm đen" về ATGT trên quốc lộ 20, các đường tỉnh 763, 764 được lắp đèn chiếu sáng ban đêm; lắp thêm dải phân cách tim đường tuyến quốc lộ 1A trong thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc) và đường Huỳnh Văn Nghệ (TP.Biên Hòa)... Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh còn phối hợp với các ngành liên quan triển khai kế hoạch bảo đảm ATGT trong quá trình thi công nâng cấp, mở rộng quốc lộ 51 và chống ùn tắc giao thông trong khu vực xây dựng các điểm nút giao thông và khu vực cầu Đồng Nai.
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông (TTGT) tỉnh đã tăng cường xử lý các vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành luật của người đi đường. Cụ thể, trong 6 tháng qua, công an đã phát hiện, xử lý trên 384 ngàn trường hợp vi phạm ATGT đường bộ, gần 2.000 trường hợp vi phạm đường thủy và trên 5.000 trường hợp vi phạm trật tự đô thị. Lực lượng TTGT tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng giải tỏa gần 7.000 vụ vi phạm hành lang, xử lý gần 2.000 trường hợp ô tô vi phạm quy định về vận tải đường bộ và hàng trăm trường hợp vi phạm về vận tải đường thủy.
Từ nguồn kinh phí thu phạt vi phạm giao thông, Ban ATGT tỉnh đã trang bị thêm cho ngành y tế 2 xe ô tô cứu thương (nâng tổng số lên 10 chiếc); ngoài ra còn phối hợp với Tổ chức Handicap bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông cho người khuyết tật, tập huấn quản lý dự án ATGT cho các thành viên Ban ATGT tỉnh, xây dựng công viên ATGT tại Biên Hòa, trang bị dụng cụ học tập về giao thông cho Sở Giáo dục - đào tạo.
* Nguy cơ tiềm ẩn
Tính trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có 1 người chết vì TNGT, trong đó có nhiều vụ TNGT làm chết cùng lúc 2 người, thậm chí có vụ làm chết 4 người (như vụ xe khách đụng chết 4 cháu bé hơn 10 tuổi đi bộ băng qua đường trên quốc lộ 1A, thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom vào ngày 14-4). Liên quan đến các vụ TNGT xảy ra cho các cháu nhỏ, ông Dương Danh Quý, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, có một thực tế là vẫn còn nhiều phụ huynh khi chở con đi cùng xe máy không quan tâm đội mũ bảo hiểm cho các cháu. Do vậy, khi tai nạn xảy ra, các cháu là nạn nhân đáng thương nhất. Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi Đồng Nai cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca bệnh nhi bị chấn thương sọ não do TNGT, trong đó có 24 ca phải chuyển lên tuyến trên.
Tình trạng hạ tầng giao thông quản lý còn yếu kém đã góp phần làm xảy ra các vụ tai nạn thương tâm. Chẳng hạn như vụ tai nạn dẫn đến cái chết thương tâm của cháu bé Trần Gia Anh Cường (8 tháng tuổi) khi bị lọt cống trên quốc lộ 1A, vào đêm 30-6 vừa qua. Qua quan sát thực tế cho thấy, ở đoạn đường này có gần 30 miệng cống như thế. Trường hợp cháu Lê Hoàng Vũ, 10 tuổi, bị xe tải cán chết thảm vào chiều ngày 2-7 trên quốc lộ 51 (đoạn đi qua xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) cũng có nguyên nhân về hạ tầng (đoạn đường này đang thi công). Dì của cháu Vũ là Nguyễn Thị Phước cho biết, lúc đó chị chạy xe máy chở hai cháu (gồm Vũ và một cháu nhỏ khác) đi trong phần đường dành cho xe máy thì chiếc xe tải (biển số 54S-6100) len vào chạy vượt lên đụng vào tay trái của chị. Sau cú đụng đó chị Phước và cháu Vũ té vào gầm xe, cháu Vũ bị xe cán ngang đầu, chết ngay tại chỗ. Qua quan sát thực tế của chúng tôi thì thấy, đoạn đường này đang thi công nên các loại xe phải lưu thông hỗn hợp và thường xảy ra ùn tắc dẫn đến các tài xế tìm cách luồn lách vượt lên để được đi trước. Theo thống kê, gần 18% TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh có nguyên nhân do các tài xế lái xe đi không đúng phần đường. Thống kê cho thấy, 6 tháng qua, số trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ tăng gần 172 ngàn vụ. Các TNGT do lỗi chủ quan của người lái xe chiếm trên 90% với các lỗi như: lấn trái vượt ẩu (trên 33%), thiếu chú ý quan sát (trên 17%), đi ngược chiều và đi không đúng phần đường (gần 14%), vi phạm tốc độ (gần 13%)...
Song, đáng báo động nhất là tình hình chấp hành luật của người đi đường chưa có nhiều chuyển biến. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm để giáo dục, răn đe nhưng vẫn còn một bộ phận đáng kể người đi đường vi phạm các quy định của pháp luật về giao thông.
Để giảm thiểu TNGT từ nay đến cuối năm, thiết nghĩ các ngành, các cấp liên quan và người đi đường phải quan tâm khắc phục những nguy cơ nêu trên.
Theo Báo Đồng Nai