Từ đầu năm đến nay, tình hình trật tự- an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn diễn biến rất phức tạp, đã xảy ra 137 vụ TNGT, làm chết 144 người, bị thương 134 người. So với cùng kỳ năm 2009, số người bị thương lại tăng 12 người.
Trong những năm gần đây, tai nạn giao thông đường bộ luôn là một vấn đề xã hội được dư luận quan tâm đặc biệt. Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên các tuyến đường nội thành, nội thị đang có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng; tỷ lệ TNGT liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy ngày càng gia tăng; hơn 98% số vụ tai nạn là do lỗi của người tham gia giao thông... Đây là thực trạng đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu kiềm chế và đẩy lùi TNGT trong giai đoạn hiện nay.
Tai nạn giao thông không giảm
Từ đầu năm đến nay, tình hình trật tự- an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn diễn biến rất phức tạp, đã xảy ra 137 vụ TNGT, làm chết 144 người, bị thương 134 người. So với cùng kỳ năm 2009, số người bị thương lại tăng 12 người. Địa bàn xảy ra TNGT nhiều nhất thuộc các địa phương như: TP. Pleiku (19 vụ), huyện Đak Đoa (14 vụ), Ia Grai (14 vụ), Chư Pưh (13 vụ), Chư Prông (11 vụ), Chư Sê (10 vụ)... Nguyên nhân tai nạn chủ yếu do lỗi không chú ý quan sát của người lái xe, tránh vượt sai quy định, không làm chủ tốc độ, tay lái, lấn đường; đáng lưu ý hơn là tình trạng coi thường quy định đội mũ bảo hiểm đã dẫn tới 7 vụ TNGT tại huyện Chư Sê và thị xã An Khê, làm chết 5 người, bị thương 7 người.
Trong bối cảnh chỉ số biểu đồ TNGT biến động tăng-giảm qua từng thời kỳ, các biện pháp chế tài cứng rắn được áp dụng- xem như là giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo trật tự- an toàn giao thông thì số vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực này lại gia tăng. Nếu như năm 2009, các lực lượng chức năng đã phát hiện 82.129 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử lý 78.025 trường hợp, thành tiền 18,516 tỷ đồng; thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010, đã có 53.229 trường hợp vi phạm bị phát hiện, số tiền phạt nộp Kho bạc Nhà nước gần 12 tỷ đồng. Qua đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, những lỗi vi phạm chủ yếu bị phát hiện, xử lý cũng chính là những mối nguy cơ tiềm ẩn TNGT.
Không chỉ gia tăng số vụ vi phạm hành chính, tình trạng “nhờn luật” được biểu hiện theo ngàn lẻ một cách từ những hành vi ngang nhiên chở ba, chở bốn, không đội mũ bảo hiểm của một số đối tượng thanh-thiếu niên trên các tuyến đường, cho đến cách đối phó tinh vi với lực lượng chức năng được thể hiện qua kiểu “người thật-bằng giả”. Thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh đã phát hiện 37 trường hợp sử dụng giấy phép lái xe ô tô giả, đã chuyển cơ quan chức năng điều tra xử lý; tổ chức kiểm tra lại Luật Giao thông Đường bộ cho 89 trường hợp bị tước giấy phép lái xe....
Ý thức kém
Thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 22/2007/TT-BCA-C11 hướng dẫn việc thông báo đến nơi cư trú hoặc nơi công tác, học tập của người có vi phạm hành chính về trật tự- an toàn giao thông. Trong gần 3 năm qua, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện công tác này bởi đây là khâu cuối cùng quy trình xử lý vi phạm hành chính đồng thời là một biện pháp vừa mang tính cấp bách lại vừa lâu dài nhằm góp phần giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trật tự- an toàn giao thông của một bộ phận người vi phạm.
Trên cơ sở nguyên tắc quy định của Thông tư số 22/2007/TT-BCA-C11 là người có hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực trật tự- an toàn giao thông phải bị thông báo về hành vi đó nên 100% các trường hợp vi phạm sau khi bị lực lượng chức năng ra quyết định xử phạt hành chính đều được thông báo về địa phương. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông báo có trách nhiệm tổ chức việc kiểm điểm, giáo dục và xử lý người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự- an toàn giao thông và gửi kết quả đó cho cơ quan ra thông báo để theo dõi, tổng hợp báo cáo Ban An toàn Giao thông.
Mặc dù Thông tư 22 đã quy định rất cụ thể như vậy nhưng trên thực tế triển khai, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh gặp nhiều khó khăn từ phía người vi phạm trong việc kê khai địa chỉ, sử dụng giấy tờ giả nên việc dẫn đến việc gửi thông báo không đúng địa chỉ. Hiệu quả của công tác thông báo vi phạm hiện vẫn đang là vấn đề đáng bàn đến bởi từ tháng 11-2007 đến nay, Phòng đã gửi hơn 83 ngàn thông báo đến các địa phương (trong và ngoài tỉnh) nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào! Trung tá Phan Văn Kỳ-Đội trưởng Đội xử lý vi phạm hành chính- Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh cho biết: “Trong thời gian qua, các cấp lãnh đạo Công an tỉnh rất quan tâm chỉ đạo công tác này. Về phía Phòng đã cơ bản hoàn thành trách nhiệm trong quy trình xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực trật tự- an toàn giao thông. Tuy nhiên, điều chúng tôi quan tâm nhất vẫn là tính hiệu quả giáo dục sau mỗi thông báo vi phạm về địa phương. Để công tác này thực sự đạt mục đích giáo dục lâu dài thì rất cần sự quan tâm và cộng đồng trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức có người vi phạm”.
Theo nhận định của Ban An toàn Giao thông tỉnh Gia Lai, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh hiện vẫn diễn biến khá phức tạp, các nguy cơ tiềm ẩn TNGT gia tăng được phản ánh xác thực qua số vụ vi phạm hành chính về trật tự-an toàn giao thông do lực lượng chức năng phát hiện ngày càng gia tăng (53.229 trường hợp/6 tháng đầu năm 2010). Trong bối cảnh trên, biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông vẫn là việc làm cần thiết và cấp bách. Thế nhưng, với cách thực hiện Thông tư số 22/2007/TT-BCA-C11 theo kiểu thờ ơ, nửa vời, thậm chí không có một văn bản hồi đáp từ phía địa phương, cơ quan, đơn vị có người vi phạm trong thời gian qua thì nên chăng, cần có thêm biện pháp chế tài cụ thể nhằm “gia tăng” tinh thần phối hợp và cộng đồng trách nhiệm?!
Báo Gia Lai