Trong “Tháng An toàn giao thông” năm nay, công tác tuyên truyền Luật Giao thông tiếp tục được các đơn vị trực thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh tiến hành đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Đơn vị đã phối kết hợp với các ban, ngành, đặc biệt là các nhà trường tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đến học sinh, sinh viên, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân
Trong “Tháng An toàn giao thông” năm nay, công tác tuyên truyền Luật Giao thông tiếp tục được các đơn vị trực thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh tiến hành đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Đơn vị đã phối kết hợp với các ban, ngành, đặc biệt là các nhà trường tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đến học sinh, sinh viên, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân.
Lấy tuyên truyền là mũi nhọn
Sau một tuần triển khai “Tháng ATGT”, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Trong tuần, từ 1 – 7/9/2010 đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 2 người (tăng so với tuần trước), bị thương 1 người. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông hạn chế. Trước tháng 9 – tháng ATGT, tình hình trật tự ATGT đã có những chuyển biến tích cực, nhiều huyện đã giảm cả 3 tiêu chí về TNGT. Tuy nhiên, thời gian này tình hình TTATGT lại có chiều hướng diễn biến xấu. Để khắc phục tình trạng này, việc đầu tiên phải tiếp tục thực hiện là tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể nhân dân, đặc biệt phải tuyên truyền cho thế hệ trẻ ngay từ trên ghế nhà trường. Với ý nghĩa quan trọng như vậy nên ngay trong tuần lễ đầu tiên, Phòng CSGT đã phối hợp tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại 9 trường học dọc ven quốc lộ 1A cho 2.050 lượt cán bộ, giao viên, học sinh tham gia nghe. Đồng thời xây dựng những phóng sự tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ nhân dịp đầu năm học mới.
Cùng đó đơn vị tích cực phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban ATGT thành phố tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật về ATGT cho cán bộ chủ chốt của 11 huyện, thành phố với các chủ đề, nội dung cơ bản của Luật Giao thông. Thông qua các lớp tuyên truyền này, những cán bộ tham gia sẽ tiếp tục tuyên truyền Luật Giao thông tới cán bộ, nhân dân trên địa bàn, đơn vị mình phụ trách, góp phần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân. Thượng tá Bế Thế Huyên, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho rằng: Nếu muốn đảm bảo TTATGT một cách lâu dài và bền vững thì không gì hơn là tuyên truyền để tất cả người dân đều hiểu được Luật Giao thông, biết được tác hại của những hành vi vi phạm, từ đó tự giác nêu cao ý thức chấp hành. Lực lượng CSGT không thể rải hết quân số ra mọi ngóc ngách, trên tất cả các tuyến đường để tuần tra, xử lý được.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Mặc dù trong công tác tuyên truyền đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng để đảm bảo TTATGT, thực hiện thành công “Tháng Văn hóa giao thông” thì thực tế đang đặt ra vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Hiện trên đường phố còn không ít người dân vẫn cố tình bất chấp các quy tắc ATGT, vi phạm Luật Giao thông. Nếu như các cơ quan chức năng, trong đó đặc biệt là CSGT không sâu sát hơn nữa trong việc kết hợp giữa tuyên truyền và xử lý nghiêm các vi phạm thì mục tiêu đặt ra về đảm bảo TTATGT, kiềm chế TNGT trên cả ba tiêu chí là giảm tai nạn, số người chết và bị thương cũng như xây dựng “Văn hóa giao thông” sẽ khó thực hiện.Vẫn còn có những lỗi vi phạm chủ yếu như: vi phạm tốc độ quy định, đi không đúng làn đường, phần đường, chở quá số người quy định, điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia, vượt qua đường ngang, đường sắt sai quy định. Ngoài ra, cần đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông cho tương xứng với sự gia tăng nhanh của phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, hiện tượng vi phạm hành lang ATGT đường bộ và đường sắt vẫn diễn biến phức tạp ở một số tuyến đường, các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, số đường ngang dân sinh mở trái phép bị đóng lại ít hơn số mở ra…
Để giảm thiểu TNGT và những vi phạm về TTATGT, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền thì lực lượng chức năng cũng cần tăng cường xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.