Vì sao tai nạn giao thông ở Kiên Giang tăng đột biến

Thứ ba, 02/11/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tình hình tai nạn giao thông ở Kiên Giang đang diễn biến hết sức phức tạp. Số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương đều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn từ các giải pháp kiềm chế TNGT, công tác tuyên truyền ở địa phương này xem ra chưa ổn.
Tình hình tai nạn giao thông ở Kiên Giang đang diễn biến hết sức phức tạp. Số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương đều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn từ các giải pháp kiềm chế TNGT, công tác tuyên truyền ở địa phương này xem ra chưa ổn.
Nơi có “chỉ tiêu tai nạn giao thông “tăng trưởng” cao nhất
Vài năm gần đây, tỉnh Kiên Giang luôn bị Chính phủ phê bình vì để tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục diễn biến phức tạp, các chỉ số về công tác này năm sau luôn cao hơn năm trước.
Theo Ban ATGT tỉnh Kiên Giang: Trong 9 tháng đầu năm toàn tỉnh xảy ra 132 vụ TNGT, tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm trước; làm chết 125 người (tăng 27 người) và bị thương 121 người (tăng 28 người). Căn cứ theo số liệu này, cứ hai ngày tỉnh Kiên Giang có một người chết và một người bị thương vì TNGT. Đây quả là một tỷ lệ thương vong do TNGT đáng báo động.
Phát biểu tại cuộc họp sơ kết 9 tháng của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nói rằng: “Từ đầu năm đến nay, chỉ tiêu về số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT của tỉnh “tăng trưởng” cao nhất so với các chỉ tiêu khác. Nếu như từ nay đến cuối năm, chúng ta không kiềm chế được tình hình TNGT thì chắc chắc sẽ bị chính phủ phê bình, kiểm điểm”.
Tại các cuộc họp gần đây, Tỉnh ủy, UBND, các ngành có liên quan và các địa phương của tỉnh đều nêu ra các con số cụ thể để báo động về tình hình TNGT trên địa bàn. Kết thúc cuộc họp, người chủ trì luôn nhắc nhở các cấp, các ngành phải chú ý thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kềm chế TNGT.
Đại tá Nguyễn Văn Nhúm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, kiêm Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Kiên Giang cho rằng: Thời gian qua, số vụ TNGT tăng là do phương tiện đăng ký tham gia giao thông tăng nhanh và lễ hội nhiều.
Đại tá Nguyễn Văn Nhúm thông tin, huyện đảo Phú Quốc chưa đến 90 nghìn dân, nhưng có đến 30 nghìn xe mô tô đăng ký. Còn số lượng lễ hội thì năm sau nhiều hơn năm trước, người dự đông hơn, trong khi đó số lượng người tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông không tăng, chất lượng đường sá, cầu cống giảm. “Công tác tuyên truyền thì chưa đến được đối tượng cần tuyên truyền. Người tham gia thì chưa tự giác chấp hành. Công tác tuần tra kiểm soát lại chưa phủ kín được khắp. Trong khi đó TNGT xảy ra điều khắp, trên diện rộng, nhiều loại xe, nhiều đối tượng”- đại tá Nguyễn Văn Nhúm tổng kết.
Ba huyện dẫn đầu về TNGT
Chiếm ba vị trí đầu bảng về TNGT thời gian qua ở Kiên Giang là huyện Châu Thành, Kiên Lương và Phú Quốc. Trong đó huyện Châu Thành 9 tháng đầu năm xảy ra đến 22 vụ TNGT làm 21 người chết và 17 người bị thương.
Lãnh đạo Ban ATGT huyện này cho biết: So với các địa bàn khác trong tỉnh, Châu Thành là địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ về TNGT. Địa bàn huyện có ba tuyến quốc lộ đi qua và là cửa ngõ vào trung tâm TP. Rạch Giá. Trong khi các tuyến quốc lộ này đang xuống cấp, lưu lượng xe ngày một tăng, lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đảm bảo ATGT hạn chế.
Mặc khác, trên địa bàn huyện có khu cảng cá Tắc Cậu - nơi tập trung đông người, nhiều thành phần, nhiều địa phương đến tạm trú để lao động. Chính những đối tượng này là một trong những nguyên nhân chính khiến tình hình an ninh trật tự mà đặc biệt là tình hình TNGT của huyện luôn diễn biến phước tạp.
Kiên Lương là địa bàn đứng thứ hai. Tuy Kiên Lương chỉ có một quốc lộ 80 đi qua, nhưng huyện này lại có rất nhiều đường rẽ, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn chưa được hoàn chỉnh. Huyện lỵ là thị trấn Kiên Lương cũng có quy mô lớn nhất so với các huyện trong tỉnh và còn được mệnh danh là “thị trấn công nghiệp”. Điều này là một trong những niềm tự hào của cán bộ và nhân dân Kiên Lương, nhưng cũng chính điều này mà Kiên Lương luôn được liệt vào những địa phương bất ổn nhất về tình hình an ninh trật tự và TNGT.
Kế đến là Phú Quốc - một huyện đảo nằm cách đất liền gần 50 km nhưng luôn có mặt trong tốp ba những địa bàn rối rắm về tình hình trật tự ATGT. Lãnh đạo huyện cho biết: Nguyên nhân TNGT tăng cao là do phương tiện giao thông những năm qua gia tăng đột biến, trong khi đó số người đủ “tiêu chuẩn” để tham gia giao thông lại hạn chế. Mặc khác, hệ thống giao thông ở đây chưa đáp ứng so với sự phát triển nhanh về phương tiện; đường đèo dốc lại nhỏ hẹp và uốn khúc, trong khi đó những con đường mới mở lại đang thi công với tốc độ rùa.
Nhìn lại tuyên truyền từ… “sự cố tờ rơi”
“Sự cố tờ rơi” của Ban ATGT tỉnh Kiên Giang mới đây cho thấy, có dấu hiệu buông lỏng trong việc quản lý, kiểm tra và thực hiện các biện pháp kiềm chế TNGT ở các cấp, các ngành, các cơ quan. Công tác tuyên truyền ở các cấp, các cơ quan hữu quan vẫn phó thác cho Ban ATGT mà quên đi trách nhiệm của mình.
Việc in tờ rơi tuyên truyền cho một đối tượng rất nhạy cảm như là học sinh trung học mà ngành giáo dục và đào tạo, Ban ATGT tỉnh, địa phương lại chủ quan, xem nhẹ... Rất may, một phụ huynh học sinh đã tỏ trách nhiệm, thái độ khi phát hiện nội dung tờ rơi dung tục đã báo cho chính quyền địa phương và ngành chức năng. Vậy mà những người có trách nhiệm của tỉnh Kiên Giang lại nhìn nhận đó chỉ là một sự cố. Tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức và hành động, song lại để xảy ra lỗi từ khâu then chốt đó. Điều này thực sự đáng báo động về ý thức trách nhiệm và công tác kiểm tra thực hiện.

Báo Nhân Dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)