Tháng An toàn giao thông (ATGT) năm nay, Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra chủ đề là “Tháng văn hóa giao thông”. Văn hóa giao thông theo chủ đề này được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội và coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT
Tháng An toàn giao thông (ATGT) năm nay, Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra chủ đề là “Tháng văn hóa giao thông”. Văn hóa giao thông theo chủ đề này được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội và coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT như một chuẩn mực đạo đức, là biểu hiện văn minh của mọi người khi tham gia giao thông. Văn hóa giao thông chính là nâng cao ý thức và thái độ về an toàn đối với mỗi người tham gia giao thông, thái độ xử lý đúng đắn của cơ quan chức năng.
Thực tế hàng ngày có vô vàn tình huống vi phạm Luật Giao thông đường bộ xảy ra, như va quẹt lẫn nhau gây thương tích, hư hại phương tiện; không nhường đường gây ách tắc giao thông dẫn tới sự cãi vả, xô xát lẫn nhau. Có trường hợp tai nạn xảy ra, nhiều người xúm lại xem nhưng không ai quan tâm thực hiện công việc cấp cứu nạn nhân khi mà mạng sống của họ được tính từng phút, từng giờ.
Để xây dựng văn hóa giao thông, mọi đối tượng tham gia giao thông cần nắm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, trong mọi tình huống khi tham gia giao thông đều phải gương mẫu thực hiện. Bản thân các điều luật Giao thông đường bộ đã hàm chứa các quy phạm đạo đức phù hợp với văn hóa dân tộc cũng như các giá trị phổ quát, như cần thiết phải giúp đỡ người bị nạn khi xảy ra TNGT; hợp tác với cơ quan chức năng khi xảy ra TNGT; tuyệt đối không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông, không phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; biết nhường đường khi đi vào đường ưu tiên, khi gặp xe ưu tiên trong mọi tình huống; giúp đỡ người già, con trẻ khi qua đường ở những điểm giao nhau giữa các tuyến đường…
|
Tình trạng học sinh tan trường đi hàng hai, hàng ba thản nhiên trên đường phố diễn ra nhiều nơi; một số người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm; hành vi vượt đèn đỏ, vừa đi xe vừa nghe điện thoại di động; hành vi uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu; đi vào đường ngược chiều, đường cấm, bóp còi inh ỏi, các phương tiện tham gia giao thông trên đường mạnh ai nấy đi, không phân biệt làn đường, vạch phân làn; xe khách chở khách quá trọng tải, chạy quá tốc độ để tranh giành khách; đây đó nạn đua xe trái phép trên đường phố vẫn xảy ra gây nên bao cái chết oan uổng, thương tâm của người dân…Về phía cơ quan chức năng, có trường hợp việc xử lý thiếu nghiêm minh, hoặc chậm xử lý các vụ việc xảy ra cũng là biểu hiện của hành vi thiếu trách nhiệm trong công vụ.
Tình trạng không chấp hành Luật Giao thông đường bộ là một biểu hiện thiếu hụt văn hóa giao thông trong một bộ phận không nhỏ người điều khiển phương tiện giao thông và tham gia giao thông, gây nên những tai nạn giao thông (TNGT) rất đau lòng.
Thực ra vấn đề văn hóa giao thông đã được đặt ra từ lâu, bước đầu tạo lập được một số thói quen ứng xử trong cộng đồng. Lấy một ví dụ, từ khi Nghị quyết 32 của Chính phủ được ban hành và thực hiện, ý thức của đại bộ phận người tham gia giao thông được nâng lên một bước. Trong đó việc chấp hành đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường đã trở thành một thói quen.
Trong thực tế chiếc mũ bảo hiểm cũng đã làm giảm thiểu bao hậu quả khi không may TNGT xảy ra. Qua thời gian, việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy đã trở nên bình thường và người nào không thực hiện trở nên lạc lõng. Từ đó cho thấy rằng cốt lõi nhất của công tác bảo đảm ATGT chính là việc tuyên truyền, vận động để mọi người dân tham gia giao thông tự giác thực hiện. Nếu người dân không có ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật ATGT, vi phạm diễn ra tràn lan thì TNGT không thể giảm.
Thực hiện văn hóa giao thông do vậy cần phải có sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, trước hết là tạo sự chuyển biến về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đối với mọi tầng lớp nhân dân thông qua nhiều kênh, như giáo dục chương trình Luật Giao thông đường bộ trong các bậc học, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép vào các chương trình dự án...Mặt khác, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể trong công tác bảo đảm ATGT.
Để xây dựng văn hóa giao thông, mọi đối tượng tham gia giao thông cần nắm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, trong mọi tình huống khi tham gia giao thông đều phải gương mẫu thực hiện. Bản thân các điều luật Giao thông đường bộ đã hàm chứa các quy phạm đạo đức phù hợp với văn hóa dân tộc cũng như các giá trị phổ quát, như cần thiết phải giúp đỡ người bị nạn khi xảy ra TNGT; hợp tác với cơ quan chức năng khi xảy ra TNGT; tuyệt đối không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông, không phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; biết nhường đường khi đi vào đường ưu tiên, khi gặp xe ưu tiên trong mọi tình huống; giúp đỡ người già, con trẻ khi qua đường ở những điểm giao nhau giữa các tuyến đường…
Một khi mọi người ý thức được trách nhiệm của mình, chấp hành nghiêm các quy định về ATGT thì mới đảm bảo an toàn cho mình và cho mọi người khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải kiên trì và xử phạt mạnh tay với tất cả các trường hợp vi phạm để giáo dục, răn đe các đối tượng vi phạm quy tắc an toàn giao thông.
Xây dựng văn hóa giao thông là công việc đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện một cách tổng thể, toàn diện, liên tục đối với cả cộng đồng. Trong đó chính quyền các cấp, các ban ATGT cùng với các tổ chức chính trị-xã hội cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng. Quá trình thực hiện phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, không chỉ trong tháng ATGT nhằm tạo lập nếp sống, môi trường văn hóa giao thông bền vững.
Theo Báo Quảng Trị