Nhìn lại tháng ATGT ở Hưng Yên: Còn "khoảng trống" trong văn hóa giao thông

Thứ hai, 05/10/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những nỗ lực, cố gắng của chính quyền, Ban An toàn giao thông các cấp cùng với các ngành có liên quan và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong tháng An toàn giao thông năm nay với chủ đề “Văn hóa giao thông” đã có hiệu quả thiết thực. Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong tháng 9 đã giảm cả số vụ, số người chết, số người bị thương so với tháng 8.2009 và giảm so với tháng 9.2008. Mục tiêu cao nhất của Tháng An toàn giao thông năm nay đã đạt được. Song, dường như vấn đề văn hóa giao thông ngay trong tháng trọng điểm xây dựng văn hóa giao thông vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Những nỗ lực, cố gắng của chính quyền, Ban An toàn giao thông các cấp cùng với các ngành có liên quan và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong tháng An toàn giao thông năm nay với chủ đề “Văn hóa giao thông” đã có hiệu quả thiết thực. Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong tháng 9 đã giảm cả số vụ, số người chết, số người bị thương so với tháng 8.2009 và giảm so với tháng 9.2008. Mục tiêu cao nhất của Tháng An toàn giao thông năm nay đã đạt được. Song, dường như vấn đề văn hóa giao thông ngay trong tháng trọng điểm xây dựng văn hóa giao thông vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Do tính chất phức tạp của nút giao (ngã tư) đường Nguyễn Thiện Thuật với đường Điện Biên (thành phố Hưng Yên), từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ 15 phút, hàng ngày tổ tuần tra kiểm soát giao thông của Công an thành phố Hưng Yên trực để bảo đảm giao thông tại khu vực này. Trong suốt thời gian có lực lượng cảnh sát giao thông, tín hiệu đèn xanh - vàng - đỏ ở ngã tư này được người tham gia giao thông chấp hành khá nghiêm, giao thông nhịp nhàng theo hiệu lệnh của cụm tín hiệu. Nhưng chỉ vài phút sau khi tổ tuần tra kiểm soát giao thông rời địa bàn, sự lộn xộn lại xuất hiện. Một số người ngang nhiên điều khiển xe máy vượt đèn đỏ, vài người đi xe đạp, đi bộ sang đường thản nhiên như không có bất kỳ quy tắc giao thông nào. Ở hai cụm đèn tín hiệu giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh thì việc không chấp hành nghiêm tín hiệu điều khiển giao thông diễn ra phổ biến hơn, bởi tại các nút giao này thường không có cảnh sát giao thông kiểm soát. Vụ tai nạn thương tâm xảy ra giữa mô tô với ô tô trong sáng ngày 24.9 tại nút giao đường Nguyễn Văn Linh với đường Hải Thượng Lãn Ông là một trong những hệ quả đáng tiếc của việc không chấp hành nghiêm tín hiệu đèn giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu.
Nơi có cụm đèn tín hiệu điều khiển giao thông đã vậy, nơi không có thì tình hình vượt ẩu tại nơi đường giao nhau càng lộn xộn. Với tâm lý chủ quan, thiếu chú ý quan sát khi chuyển hướng, tại nơi đường giao nhau trong khi các trục đường giao thông tại các huyện không có cụm đèn tín hiệu là những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông ở các vùng nông thôn. Không chỉ thế, phương tiện tham gia giao thông phần lớn là mô tô, xe gắn máy, trong khi đó việc không chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy vẫn diễn ra rất phổ biến. Thậm chí, ngay trong Tháng An toàn giao thông năm nay, có cả những vị Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND cấp xã - họ là Trưởng ban, phó trưởng ban an toàn giao thông của xã cũng không chấp hành nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy. Trong khi chính họ chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự ATGT ở địa phương mình. Thượng tá Nguyễn Văn Bắc, Phó Trưởng Công an huyện Khoái Châu cho biết: Có đến 70% số vi phạm liên quan đến việc không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe gắn máy trong tổng số các trường hợp vi phạm được phát hiện trong quá trình công an huyện tuần tra kiểm soát giao thông. Theo tổng hợp của Công an tỉnh thì lỗi không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe gắn máy luôn ở mức cao so với tổng số vi phạm liên quan đến mô tô, xe máy mà lực lượng cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh phát hiện và xử lý.
Điều buồn hơn cả và cũng gây nhiều bức xúc cho đông đảo người tham gia giao thông chính là sự vi phạm trật tự ATGT liên quan đến học sinh, nhất là học sinh bậc THPT khác phổ biến. Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ban ATGT tỉnh có cả một chương trình phối hợp về cuộc vận động “Tuổi trẻ xung kích tình nguyện giữ gìn trật tự an toàn giao thông” giai đoạn 2007 - 2012 tới các cấp bộ đoàn trong tỉnh. Nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh xây dựng cổng trường an toàn, nhiều đoàn viên thanh niên tham gia chiến dịch tình nguyện giữ gìn trật tự ATGT. Nhưng thật đáng tiếc, ngay cả những trường tổ chức được đội tình nguyện, hướng dẫn giao thông tại cổng trường mình thì nỗ lực của các thành viên trong đội thanh niên tình nguyện cũng chỉ góp phần đỡ mất trật tự giao thông ở khu vực cổng trường đó. Như Trường THPT thành phố Hưng Yên là một ví dụ. Xây dựng được mô hình cổng trường an toàn song thực tế chỉ sau khi rời khỏi cổng trường theo hướng dẫn của tổ đoàn viên thanh niên hướng dẫn giao thông, từ đường Phạm Ngũ Lão rẽ sang đường Điện Biên các học sinh lại dàn hàng ba hàng bốn nghênh ngang trên đường Điện Biên vốn đã không thể rộng hơn được nữa. Tệ hơn, nhiều tốp học sinh bất chấp cả hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông nút giao đường Phạm Ngũ Lão với đường Điện Biên trước sự ngỡ ngàng của biết bao người. Không riêng Trường THPT thành phố Hưng Yên mà thực tế này còn thấy ở nhiều trường TPHT khác, kể cả trường đại học, cao đẳng. Thuộc hàng trường THPT danh giá của tỉnh nhưng nhiều tốp học sinh của Trường THPT chuyên Hưng Yên không ngần ngại dàn hàng 4 hàng 5 đạp xe lấn sang phần đường dành cho xe mô tô, xe gắn máy, rồi băng băng qua các cụm đèn tín hiệu trên đường Nguyễn Văn Linh. Có lẽ cuộc vận động “Tuổi trẻ xung kích tình nguyện giữ gìn trật tự an toàn giao thông” chưa đủ để “ngấm” vào ý thức, biến ý thức thành hành động của các em. Không lẽ, các em chỉ quan tâm học văn hóa trong nhà trường, mà chưa quan tâm đến văn hóa giao thông?
Trong tháng 9, một trong những hoạt động nổi bật của Ban ATGT các cấp là tổ chức giải tỏa vi phạm hành lang giao thông. Trong hoạt động này, bên cạnh phần lớn các hộ dân có vi phạm hành lang giao thông tự giác tháo dỡ lều lán, mái che, mái vẩy, chặt cây cối, thu dọn vật liệu… trong phạm vi bảo vệ hành lang giao thông thì vẫn có không ít hộ biểu hiện sự chống đối, thậm chí có lời lẽ thô tục, không có văn hóa với các lực lượng làm nhiệm vụ. Đợt tổ chức giải tỏa vi phạm hành lang đường 200 qua địa bàn hai xã Trưng Trắc (Văn Lâm) và Vĩnh Khúc (Văn Giang) trong ngày 29.9 vừa qua là một minh chứng điển hình về sự thiếu văn hóa của các hộ dân có công trình vi phạm trong hành lang giao thông nhưng cố tình không ủng hộ các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Thực tế, có người thể hiện được hành động văn hóa, giúp đỡ người không may gặp hoạn nạn nhưng do thiếu hiểu biết nên bản thân cũng bị nạn theo. Trường hợp tai nạn đường sắt xảy ra trên địa bàn huyện Văn Lâm vừa qua, do không quen đường, không quen tiếng còi tàu hỏa, con đường ngang đường sắt không có rào chắn nên người đàn ông (ở huyện Ân Thi) bình thản điều khiển xe máy vượt qua đường sắt. Không may cho ông, bánh xe vừa gặp đường ray thì chết máy. Thấy tàu hỏa đã đến gần, rú còi inh ỏi mà người đàn ông chưa đẩy được xe ra khỏi đường ray, người phụ nữ bán hàng gần đó chạy vội lên đẩy xe giúp. Xe máy bị giắt số trong khi tình huống đã rất nguy cấp, hai người cố đẩy xe nhưng không được. Hậu quả vô cùng thương tâm là cả hai người cùng bị tử nạn tại chỗ.
Văn hóa giao thông không có nghĩa là chỉ tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT mà còn phải có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, có thái độ ứng xử văn minh khi không may xảy ra sự cố trên đường. Những hành động thể hiện văn hóa giao thông luôn luôn rất cần được nhân rộng, những hành động không thể hiện văn hóa giao thông cần được dẹp bỏ. Một xã hội có văn hóa giao thông hay không phụ thuộc vào chính ý thức, hành động của mỗi người tham gia giao thông. Thiết nghĩ, trong khi quá trình biến nhận thức thành hành vi của không ít người tham gia giao thông còn hạn chế thì ngay từ mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi gia đình, nhà trường nên có biện pháp cụ thể, có hình thức thưởng phạt hữu hiệu, đưa tiêu chí thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự ATGT vào là một trong những tiêu chí bình xét thi đua để đánh giá công tác của cán bộ, công chức; xếp loại hạnh kiểm, đạo đức của học sinh. Các ngành chức năng tăng cường áp dụng biện pháp “phạt nguội, xử sâu”, gửi thông báo đến các cơ quan, đơn vị, nhà trường có người vi phạm quy định về trật tự ATGT để phối hợp răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Theo báo HYOnline

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)