Dùng hình ảnh để tuyên truyền luật
Chợ Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) nằm giữa một thung lũng. Phía sau chợ là khu Nhà Vương - một địa danh nổi tiếng cũng là điểm thu hút rất nhiều khách du lịch khi đến cao nguyên đá. Một tuần một buổi, chợ Sà Phìn lại rực rỡ đủ các sắc áo đỏ, xanh giữa chập trùng sương núi. Không đơn thuần là nơi hội họp mua bán như những phiên chợ dưới xuôi, chợ phiên vùng cao còn là một điểm hẹn hò văn hóa của các đồng bào dân tộc.
Đến chợ phiên không chỉ để tìm mua một vật dụng nào đó mà người dân đến đây để được gặp gỡ, giao lưu cùng với những người bạn mới, để được nghe thêm, hiểu hơn những thông tin quan trọng liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội. Và câu chuyện đưa những văn bản pháp luật về giao thông thiết thực đến với chợ phiên là một cách làm hay, khá độc đáo của Công an tỉnh Hà Giang.
Thượng tá Nguyễn Xuân Thử - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang cho biết: Do đặc điểm người dân ở các huyện vùng cao nhận thức còn hạn chế nên việc tuyên truyền pháp luật về giao thông cũng phải rất phù hợp. Chợ phiên được chọn là nơi tuyên truyền Luật Giao thông theo từng chủ đề phù hợp. Đồng bào có những người chỉ thuộc vài mặt chữ, có những người chưa biết chữ vậy phải làm sao để bà con thuộc luật? Những cán bộ CSGT đã nghĩ ra biện pháp căng băng rôn trên đó có những hình ảnh cụ thể về các vụ TNGT, các biển báo hiệu đường bộ cụ thể sau đó dùng loa phóng thanh lần lượt hướng dẫn người dân nắm bắt quy định của pháp luật. Đâu là hành vi nguy hiểm, vi phạm Luật Giao thông. Đâu là biển cấm, biển đường cua nguy hiểm…? Tất cả đều phải rất rõ ràng, đơn giản và dễ hiểu thì bà con mới hiểu được.
|
CSGT Công an Hà Giang tuyên truyền pháp luật tại chợ phiên.
|
Chọn các điểm chợ vùng cao với sự tham gia của hàng trăm người họp chợ để tuyên truyền là một lựa chọn rất phù hợp. Vừa xuống chợ và đang ngồi chung bàn rượu với đám bạn, anh Lý Che Sèo cười xởi lởi: "Cán bộ Công an tuyên truyền hay, dễ hiểu lắm. Mình xem vài lần rồi, biết được nhiều quy định lắm. Đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, không được đi nhanh quá nếu không sẽ đâm vào xe khác đấy…".
Nhiều quy định được thấm dần qua các phiên chợ
Tại chợ phiên trung tâm huyện Quản Bạ, vợ chồng anh Lý Phủng Sèng háo hức nghe cán bộ CSGT chỉ vào những biển báo giao thông in trên tấm bạt, vừa giải thích ý nghĩa của từng biển báo: "Đây là biển nguy hiểm, còn đây là biển không được đi ngược chiều. Đường này chỉ có ở thị xã, đi vào đường này bị phạt mất cả bao gạo đấy. Bà con cần phải nhớ, đi xe máy xuống chợ không được uống rượu, không được chở 3 người. Còn nếu không đội mũ bảo hiểm sẽ bị tai nạn giao thông, có thể bị vỡ đầu đấy. Vừa giải thích cho người dân, thỉnh thoảng các cán bộ CSGT lại quay xuống hỏi: còn biển báo hiệu nào, còn hình ảnh nào bà con chưa hiểu để giải thích tiếp.
Những buổi tuyên truyền pháp luật về giao thông tương tự chỉ là một trong số hàng trăm buổi tuyên truyền mà lực lượng CSGT phối hợp với các trung tâm văn hoá huyện tổ chức tại các buổi chợ phiên. Đây cũng là hình thức phổ cập kiến thức ATGT được các ngành chức năng ở tỉnh Hà Giang và đặc biệt là 4 huyện vùng cao là Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn quan tâm tổ chức thường xuyên.
Lên Hà Giang, xuống các phiên chợ, chúng tôi được biết, không chỉ tuyên truyền về ATGT, tại các phiên chợ nhiều quy định, văn bản pháp luật cũng đã được tuyên truyền thông qua hệ thống loa phóng thanh.
Thượng tá Nguyễn Viết Thông - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Hà Giang cho biết: Không chỉ tuyên truyền pháp luật chung chung mà thời gian qua khi trên địa bàn rộ lên nạn lừa bán phụ nữ, Công an đã tham mưu cho các ngành đoàn thể, địa phương tăng cường tuyên truyền. Tại các buổi chợ phiên thường xuyên sử dụng hệ thống loa phóng thanh để thông tin về thủ đoạn, hình thức hoạt động của loại tội phạm này giúp cho chị em biết và phòng chống. Chợ phiên ở vùng nào thì phải phát nội dung bằng tiếng dân tộc của đồng bào vùng đó. Thậm chí có những phiên chợ còn phải phát cùng lúc 3 thứ tiếng Nùng, Tày và tiếng Kinh…
Đưa những thông tin hữu ích, những quy định pháp luật cụ thể đến với bà con vùng đồng bào dân tộc để nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật, phòng ngừa tội phạm với những hình thức sinh động và cụ thể đang là một cách làm hay, sáng tạo mà lực lượng Công an tỉnh Hà Giang đang áp dụng
Theo CAND Online