Theo thống kê mới nhất của Phòng CSGT (Công an tỉnh) từ đầu năm tới 19/10/2009 có 3.399 trường hợp thanh thiếu niên vi phạm an toàn giao thông. Tình trạng lạng lách đánh võng, chở ba bốn trên xe mô tô, chạy quá tốc độ, học sinh đi xe đạp dàn hàng, tập trung trước cổng trường giờ tan học....làm cản trở giao thông không còn xa lạ với tất cả chúng ta.
Theo thống kê mới nhất của Phòng CSGT (Công an tỉnh) từ đầu năm tới 19/10/2009 có 3.399 trường hợp thanh thiếu niên vi phạm an toàn giao thông. Tình trạng lạng lách đánh võng, chở ba bốn trên xe mô tô, chạy quá tốc độ, học sinh đi xe đạp dàn hàng, tập trung trước cổng trường giờ tan học....làm cản trở giao thông không còn xa lạ với tất cả chúng ta.
Các em trốn học vào quán game, xích mích nhỏ dẫn đến đánh chửi nhau tạo nên một hình ảnh thanh thiếu niên hư hỏng, thiếu văn hoá. Đau lòng hơn, vào ngày 2/10 vừa qua, em Lò Thị T. (SN 1991), trú tại xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) bị 5 đối tượng cưỡng hiếp. Các đối tượng đều trong độ tuổi thanh thiếu niên từ 15-18, do uống rượu không kiểm soát được hành vi của mình. Vẫn đầu tháng 10, Công an TP Điện Biên Phủ đã phá thành công vụ án “người nhện”, bắt giữ thủ phạm của các vụ đột nhập, trộm cắp tài sản đều là những đối tượng rất trẻ.
Rõ ràng, tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên đang ngày càng trở nên phổ biến. Do đó, công tác giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên cần đẩy mạnh hơn nữa, giúp các em chấp hành đúng pháp luật, trở thành những công dân có ích.
Anh Vũ Như Quang, Phó ban thanh thiếu niên (Tỉnh đoàn) cho biết: Tính từ đầu năm tới 30/9/2009 có 69 thanh thiếu niên (dưới 16 tuổi) vi phạm pháp luật chủ yếu trộm cắp, buôn bán tàng trữ trái phép chất ma tuý, hiếp dâm...Trẻ vị thành niên là lứa tuổi đang có sự thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý, muốn khẳng định mình, không muốn bị phụ thuộc và dễ bị tác động, lôi kéo của các đối tượng xấu. Nhiều em bị ảnh hưởng tâm lý từ các loạt phim ảnh bạo lực, văn hoá phẩm đồi truỵ...trên internet và ngoài xã hội. Trong khi đó các bậc phụ huynh không chú ý tới sự phát triển tâm sinh lý của con cái, nuông chiều và không nghiêm khắc trong việc dạy bảo với con em mình. Một số trẻ em sống trong hoàn cảnh mồ côi bố hoặc mẹ, cha mẹ ly hôn...dẫn đến sự thiếu hụt về tình cảm, sự phát triển lệch lạc, hơn nữa thiếu sự quan tâm của gia đình nên một số thanh thiếu niên dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội.
Giờ tan học tại một số cổng trường THPT Phan Đình Giót, THPT thành phố Điện Biên Phủ, không ít học sinh đã gây cản trở giao thông, do tập tụ dàn hàng ngang dưới lòng đường. Tuy nhiên, việc xử lý các học sinh vi phạm giao thông báo cho nhà trường phối hợp giáo dục lại rất khó. Trung tá Nguyễn Mạnh Cương, Phó Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Các em học sinh vô tư đi ngược chiều, không chấp hành đèn tín hiệu, dàn hàngđi trên đường, tập trung trước cổng trường, sử dụng ô khi đi xe đạp cản trở giao thông chúng tôi đã phản ánh lên nhà trường nhưng tình trạng này vẫn đâu lại vào đấy, còn phạt thì rất khó khăn. Ngoài ra, có một số thanh thiếu niên đi xe mô tô tới trường , đèo 3 đèo 4, không đội mũ bảo hiểm, lượn lách đánh võng, chạy tốc độ cao, khi chúng tôi yêu cầu kiểm tra giấy tờ thì không có bất cứ giấy tờ gì, biết đó là học sinh nhưng khi nộp phạt thì các em lại xin được chứng nhận là công dân ở tổ dân phố, xã, phường nên rất khó để gửi công văn yêu cầu nhà trường có biện pháp giáo dục. Qua theo dõi chúng tôi biết một số thanh thiếu niên không có sự quản lý của gia đình, thường xuyên đi về khuya, tập trung thành một nhóm 4-5 chiếc mô tô , rồ ga, lượn lách đánh võng, bấm còi inh ỏi... Khi lực lượng CSGT nhắc nhở thì một số thanh thiếu niên có những hành động, lời lẽ cư xử thiếu văn hoá. Chúng tôi rất mong có sự phối hợp giáo dục thanh thiếu niên được tốt hơn ngay trong ghế nhà trường.
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn khá thành công trong công tác giáo dục pháp luật cho học sinh. Thầy Phạm Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ kinh nghiệm: Vào buổi sinh hoạt đầu tuần, chúng tôi thường tổ chức cho các em tham gia cuộc thi tìm hiểu Luật giao thông đường bộ, bình đẳng giới, phòng chống ma tuý...tổ chức cuộc thi viết, đưa ra các câu hỏi tình huống, thi ứng xử; hay tuyên truyền tìm hiểu văn hoá giao thông, văn hoá ứng xử học đường. Qua những cuộc thi như vậy, học sinh trong trường nâng cao kiến thức, có ý thức chấp hành pháp luật. Các em học sinh cũng không tập trung trước cổng trường giờ tan học. Tuyệt đối 100% không có học sinh đi xe gắn máy tới trường, không có học sinh mắc các tệ nạn xã hội.
Trao đổi về công tác giáo dục, phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên, anh Vũ Như Quang, Phó ban thanh thiếu niên cho biết: Vào đầu năm học, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban an toàn giao thông tỉnh tới tất cả các trường tuyên truyền cho các em về pháp luật, quyền trẻ em...đưa ra các hình ảnh minh hoạ, giúp các em dễ tiếp thu. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho các em tham gia đặc biệt các em học sinh ở vùng sâu vùng xa, trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, dễ bị kẻ xấu lợi dụng vào những mục đích như buôn bán trái phép chất ma tuý, trộm cắp tài sản....
Trước thực tế trên, các cơ quan chức năng, các đoàn thể xã hội cần phối hợp với các nhà trường đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức cho học sinh. Các trường cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sinh hoạt của học sinh trong các giờ học, các buổi dã ngoại và tại các ký túc xá, nhà trọ nơi học sinh thường trú. Nhà trường thường xuyên liên hệ chặt chẽ với gia đình để thông báo kịp thời kết quả học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cũng như các biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ, lối sống của học sinh để phối hợp giáo dục, quản lý . Cần tạo điều kiện cho thanh, thiếu niên có các hình thức sinh hoạt văn hóa trong sáng, lành mạnh.
Theo Báo ĐBOL