Vĩnh Long: Ban hành quy định về điều kiện an toàn của phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới một tấn hoặc có sức chở dưới năm người

Thứ hai, 26/10/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành quy định về điều kiện an toàn của phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới một tấn hoặc có sức chở dưới năm người.

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành quy định về điều kiện an toàn của phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới một tấn hoặc có sức chở dưới năm người.
Theo quyết định này thì những loại phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới một tấn hoặc có sức chở dưới năm người phải thỏa mãn các điều kiện an toàn sau:
- Thân phương tiện phải chắc chắn, không bị thủng, không có nước vào bên trong khi phương tiện hoạt động; phải có một đèn thắp sáng màu trắng nếu phương tiện hoạt động vào ban đêm; phương tiện chở người phải có đủ chỗ ngồi, phải chắc chắn và cân bằng trên phương tiện.
- Mạn khô của phương tiện chở hàng phải đảm bảo bằng 100mm; mạn khô của phương tiện chở người và hàng hóa phải đảm bảo bằng 150mm.
- Phương tiện phải được đo đạt xác định kích thước, sức chở và được sơn vạch dấu mớn nước an toàn.
- Đủ dụng cụ cứu sinh tương đương số người được phép chở trên phương tiện.
Cách xác định các kích thước cơ bản, sức chở, sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện:
+ Xác định các kích thước cơ bản của phương tiện.
- Chiều dài lớn nhất (ký hiệu L max), tính bằng mét, đo theo chiều dọc trên mặt phẳng dọc tâm từ mút lái đến mút mũi phương tiện.
- Chiều rộng lớn nhất (ký hiệu B max), tính bằng mét, đo theo chiều ngang ở mặt cắt rộng nhất của phương tiện.
- Chiều cao mạn (ký hiệu D), tính bằng mét, đo từ đáy phương tiện đến mép boong ở vị trí giữa chiều dài L max.
- Chiều chìm (ký hiệu d), tính bằng mét, đo từ đáy phương tiện đến mép trên của vạch dấu mớn nước an toàn ở vị trí giữa chiều dài L max.
+ Cách xác định sức chở của phương tiện.
- Đối với phương tiện chuyên dùng chở hàng dưới 01 tấn (dưới 1.000 kg kể cả người điều khiển phương tiện) được xếp trực tiếp và cân bằng trên phương tiện tương ứng với mạn khô của phương tiện người bằng 100 mm.
- Đối với phương tiện chuyên dùng chở người, dưới 5 người (từ 1 đến 4 người kể cả trẻ em) người điều khiển phương tiện phải xếp đủ chổ ngồi và cân bằng trên phương tiện tương ứng với mạn khô của phương tiện bằng 150 mm.
- Đối với phương tiện sử dụng vừa để chở người và hàng hóa phải có đủ chỗ ngồi cho người và xếp hàng hóa phải cân bằng trên phương tiện tương ứng với mạn khô của phương tiện bằng 150 mm.
+ Sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện.
Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn bằng một vạch sơn có màu khác với màu sơn mạn phương tiện, vạch sơn có chiều dầy 20mm, chiều dài 200mm nằm ngang trên hai bên mạn tại vị trí giữa của chiều dài L max, cách mép boong 100mm đối với phương tiện chở hàng, cách mép boong 150 mm đối với phương tiện chở người và hàng hóa.
Trách nhiệm của chủ phương tiện
- Đo các kích thước cơ bản, xác định sức chở, sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện theo quy định tại Điều 4 của quy định này, chịu trách nhiệm tính chính xác của các số liệu đo và việc sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện.
- Kê khai điều kiện an toàn của phương tiện theo mẫu kèm theo quy định này.
- Có trách nhiệm duy trì và đảm bảo các điều kiện an toàn của phương tiện theo quy định tại Điều 3 của quy định này khi phương tiện hoạt động.
- Người điều khiển phương tiện phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa.
Trách nhiệm của cơ quan huyện, thành phố trong tỉnh:
- Phòng Quản lý đô thị thành phố Vĩnh Long, Phòng Công thương các huyện hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền ở địa phương có trách nhiệm hướng dẫn chủ phương tiện lập bản kê khai điều kiện an toàn của phương tiện và thực hiện các quy định về điều kiện an toàn phương tiện thủy nội địa.
- Hướng dẫn các cơ sở đóng mới phương tiện thô sơ thủy nội địa tại địa phương thực hiện các quy định về điều kiện an toàn phương tiện thủy nội địa.
Giao Công an tỉnh chỉ đạo Cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp Thanh tra Giao thông vận tải, Công an các huyện, thành phố kiểm tra xử lý các phương tiện vi phạm theo quy định hiện hành; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức và kiểm tra việc thực hiện kê khai điều kiện an toàn của phương tiện thủy nội địa, lập sổ quản lý phương tiện ở địa phương theo quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các đoàn thể xã hội tuyên truyền, phổ biến giáo dục nhân dân của địa phương và các cơ sở đóng mới, cá nhân, tập thể có phương tiện thủy nội địa theo quy định phải thực hiện nghiêm về quy định điều kiện đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường thủy nội địa./.
LD

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)