Giao lưu “Phụ nữ Khánh Hòa với văn hóa giao thông”: Quan tâm đến các giải pháp giảm thiểu TNGT

Thứ ba, 29/09/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Hưởng ứng Tháng ATGT với chủ đề “Tháng văn hóa giao thông”, vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Giao lưu “PN Khánh Hòa với văn hóa giao thông”. Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã trao đổi những thông tin về tình hình thực hiện ATGT; tác hại của TNGT đối với cá nhân, gia đình và xã hội; những hoạt động giữ gìn trật tự ATGT; vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội PN, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông; những giải pháp, kiến nghị nhằm giảm thiểu TNGT…

Giải pháp nào giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) là vấn đề được các đại biểu tham dự Giao lưu “Phụ nữ (PN) Khánh Hòa với văn hóa giao thông” quan tâm. Ngoài ra, các đại biểu còn trao đổi, chia sẻ với những nạn nhân và người nhà của nạn nhân bị TNGT; tình hình thực hiện an toàn giao thông (ATGT); tác hại của TNGT đối với cá nhân, gia đình và xã hội.
Hưởng ứng Tháng ATGT với chủ đề “Tháng văn hóa giao thông”, vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Giao lưu “PN Khánh Hòa với văn hóa giao thông”. Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã trao đổi những thông tin về tình hình thực hiện ATGT; tác hại của TNGT đối với cá nhân, gia đình và xã hội; những hoạt động giữ gìn trật tự ATGT; vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội PN, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông; những giải pháp, kiến nghị nhằm giảm thiểu TNGT…
Một nội dung khiến các đại biểu hết sức trăn trở tại buổi giao lưu là phần trao đổi với 8 nạn nhân và người nhà nạn nhân bị TNGT. Những nét mặt đau thương của người vợ, người mẹ và bước đi khập khiễng của những nạn nhân TNGT khiến mọi người không khỏi chạnh lòng. Chị Nguyễn Thị Kim Dung (xã Vạn Long, Vạn Ninh) cho biết: “Cách đây 4 năm, 2 mẹ con tôi đang trên đường đi khám bệnh về thì bị 1 người say rượu điều khiển xe mô tô đi trái đường đâm vào. Tôi được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện huyện Vạn Ninh, còn con tôi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau hơn 3 tháng điều trị, sức khỏe của tôi dần ổn định và lúc đó tôi mới biết cháu bị chấn thương sọ não và qua đời ngay sau đó. Giờ đây, những lúc trái gió trở trời, toàn thân đau nhức, mệt mỏi, tôi cũng thấy buồn nhưng nỗi buồn đau lớn nhất mà tôi không thể nào quên được là cái chết oan của đứa con thơ dại”.
Còn em Nguyễn Thị Tường Vi (Diên Khánh), trong 1 lần bị TNGT, may mắn em vẫn giữ được tính mạng nhưng đôi chân khỏe mạnh và cánh tay phải của em đã bị TNGT cướp đi. Vi kể, cách đây hơn 1 năm, em đang trên đường đi học về thì bị một chiếc xe tải vượt qua và cuốn em đi. Sau khi em bị ngã xuống đường, tài xế không dừng xe lại mà tiếp tục lái xe lùi lại cán lên 1 tay và chân em. Cũng may, những người đi đường đã kịp thời ứng cứu, nếu không em đã mất mạng. “Giờ đây, sức khỏe của em đã dần ổn định, nhưng đi lại rất khó khăn nên hàng ngày đi học, ba em phải đưa đi, đón về. Ngày đó, nếu tài xế không cho xe lùi lại, có lẽ em chỉ bị trầy xước đôi chút chứ không như bây giờ” - Vi buồn rầu nói. Nhìn ánh mắt Vi ứa lệ, chúng tôi hiểu nỗi đau, mất mát mà em và những nạn nhân của các vụ TNGT đang phải gánh chịu.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, 8 tháng năm 2009, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp với 127 vụ TNGT, làm 144 người chết và 28 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT đều do ý thức của người tham gia giao thông: phóng nhanh, vượt ẩu, đi không đúng làn đường quy định, thiếu quan sát… Tuy thời gian qua, lực lượng CSGT liên tục thực hiện nhiều kế hoạch, phương án, mở các đợt cao điểm về kiểm tra, kiểm soát trật tự ATGT nhưng số người vi phạm vẫn rất cao. 8 tháng, Phòng CSGT Công an tỉnh đã xử lý 8.881 trường hợp vi phạm, tập trung chủ yếu vào các lỗi như: phóng nhanh vượt ẩu, đi không đúng làn đường quy định, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm…
Tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Bình quân, mỗi vụ TNGT có người chết, thiệt hại về vật chất cho gia đình và xã hội tối thiểu khoảng 50 triệu đồng. Hàng năm, toàn tỉnh ước thiệt hại do TNGT khoảng 10 tỷ đồng, chưa kể người bị thương, mất sức lao động, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thời gian tới, để ngăn chặn và từng bước giảm dần TNGT, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thề cần tăng cường việc giáo dục pháp luật về giao thông cho người dân, coi đây là biện pháp thường xuyên, liên tục và lâu dài; đẩy mạnh và nâng cao biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật Giao thông; không ngừng hoàn thiện chất lượng hạ tầng giao thông… Còn ông Trần Duy Hưng - Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải đề nghị: Các cấp Hội PN cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên PN chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông; vận động các thành viên trong gia đình và cộng đồng không uống rượu bia khi tham gia giao thông. Khi không may xảy ra TNGT, cần bình tĩnh ứng xử với nhau có văn hóa. Mọi người dân cần chấp hành tốt việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy tham gia giao thông.
Theo Báo KH

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)