Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Ninh Bình, hết tháng 8-2009, trên địa bàn tỉnh số vụ tai nạn, số người chết và người bị thương so với cùng kỳ năm trước giảm 8 vụ, 14 người chết và 9 người bị thương
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Ninh Bình, hết tháng 8-2009, trên địa bàn tỉnh số vụ tai nạn, số người chết và người bị thương so với cùng kỳ năm trước giảm 8 vụ, 14 người chết và 9 người bị thương
Ra quân tuyên tuyền trật tự ATGT-TTĐT trên địa bàn thành phố Ninh Bình.
Có được kết quả trên là do các địa phương trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với việc đảm bảo trật tự ATGT. Việc thực hiện đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy đã được đại đa số người dân thực hiện; việc giải toả hành lang Quốc lộ 1A, 95% số hộ vi phạm đã tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm.
Các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự ATGT theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động cảnh báo, ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý vi phạm, nhằm hạn chế tai nạn giao thông có thể xảy ra. Ban an toàn giao thông các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện mạnh mẽ công tác đảm bảo trật tự ATGT, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Công tác ATGT đường bộ được tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và được phổ biến đến tận thôn, xóm, khu phố. Việc phổ biến pháp luật về ATGT tại các doanh nghiệp vận tải thủy cho cán bộ quản lý học tập được coi trọng. Ban ATGT tỉnh cùng với các huyện, thị mở nhiều đợt tuyên truyền lưu động trên sông Đáy, sông Hoàng Long về Luật Giao thông đường thủy nội địa và Nghị định 09/NĐ-CP cho những người làm vận tải thủy và hành nghề trên sông.
Các tổ chức chính trị - xã hội như: Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh... phối hợp với Ban An toàn giao thông, Công an tỉnh tổ chức nhiều lớp học tập, đào tạo tuyên truyền viên, tìm hiểu về Luật Giao thông qua các hình thức như: thi tìm hiểu, nghe nói chuyện, xem phim, giao lưu văn hóa, ký cam kết đảm bảo trật tự ATGT... Ở thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp và các thị trấn, Ban An toàn giao thông đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm lập lại trật tự ATGT-TTĐT; mở nhiều đợt ra quân giải toả việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán.
Các địa phương chú trọng tới việc quy hoạch chợ; giải toả các chợ tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, gây cản trở giao thông và ùn tắc giao thông. Công an tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây mất an toàn giao thông; đình chỉ hoạt động nhiều đò ngang không đảm bảo điều kiện an toàn, cưỡng chế nhiều hộ có đăng đó ngăn dòng chảy; làm tốt công tác quản lý phương tiện và người lái...
Theo đánh giá chung, tình hình trật tự ATGT tuy đã có chuyển biến, nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông. Các điểm đen về giao thông tuy đã được xác định nhưng vẫn chậm được khắc phục. Hệ thống thông tin, tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường trên một số tuyến giao thông, nhất là giao thông đô thị của thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp còn có những bất cập.
Vẫn tồn tại một số phương tiện giao thông thuộc diện đình chỉ lưu hành vẫn lén lút hoạt động trên các tuyến giao thông. Địa bàn nông thôn vẫn còn tình trạng người không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn hoạt động trên các tuyến đường. Tình trạng chiếm dụng lòng, lề đường làm sân phơi, họp chợ gây cản trở, nguy hiểm cho người đi đường còn diễn ra.
Các lực lượng chức năng tham gia điều hành giao thông còn mỏng so với yêu cầu, nhiệm vụ. Còn nhiều tuyến đường ngang qua đường sắt chưa có rào chắn hoặc người gác, đặc biệt là đường dân sinh mở trái phép. Công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ nội địa, tuy nhiều năm không có vụ tai nạn nào xảy ra nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ, đó là nhiều phương tiện thủy, bến bãi không đảm bảo các điều kiện an toàn, tình trạng chở quá tải, thiếu thiết bị an toàn của các phương tiện, tình trạng neo đậu thuyền bè, nuôi trồng thủy sản gây cản trở luồng lạch, dòng chảy còn diễn ra.
Để đạt mục tiêu không để xảy ra TNGT nghiêm trọng, khắc phục ùn tắc giao thông, giảm TNGT cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương), thời gian tới các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp luật Giao thông theo chiều sâu phù hợp với thực tiễn; tăng cường gắn panô, khẩu hiệu tuyên truyền về Luật Giao thông trên các tuyến đường bộ và đường thủy.
Tiếp tục thực hiện tốt và đạt kết quả cao trong Tháng an toàn giao thông với chủ đề tháng "Văn hoá giao thông" tạo chuyển biến trong nhận thức của mọi người dân. Thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo Quyết định 1856 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Làm tốt việc quản lý xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh.
Kiên quyết đình chỉ lưu hành các loại ô tô hết niên hạn sử dụng và phương tiện cơ giới tự chế không đủ điều kiện tham gia giao thông. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi phương tiện cho các đối tượng có phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông diện chính sách, thương binh, người tàn tật. Cùng với đó, đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng và duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cầu đường, hệ thống tín hiệu, biển báo trên các tuyến đường giao thông bộ và giao thông thủy, phục vụ tốt cho các phương tiện tham gia giao thông, giảm thiểu các vụ.
Nguồn: Báo NB