Là tỉnh vùng cao, biên giới, hệ thống giao thông của tỉnh Hà Giang chủ yếu là đường đèo dốc và những khúc cua, ngoặt gấp nổi tiếng như Bắc Sum, Cổng Trời, Mã Pì Lèng... Vì vậy, khi tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra thì hậu quả rất nghiêm trọng.
Ðiển hình như vụ tai nạn ngày 14-6-2009, xe ô-tô chở khách biển kiểm soát 22L-2852 do ông Nguyễn Tiến Minh điều khiển theo hướng từ huyện Xín Mần ra Bắc Quang, do không làm chủ tốc độ đã lao xuống vực làm bốn người chết, bị thương 14 người. Cũng theo số liệu của các cơ quan chức năng, trong bảy tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 36 vụ TNGT đường bộ (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước) làm chết 37 người, bị thương 57 người. Làm thế nào để giảm TNGT, nhất là những vụ TNGT nghiêm trọng?
Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Ban an toàn giao thông (ATGT) tỉnh Hà Giang Hoàng Quyết Chiến cho biết, nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT tập trung vào các lỗi không làm chủ tốc độ (37%), không đi đúng phần đường (27%), đây là những lỗi do chủ quan của người điều khiển phương tiện. Mặc dù trong những tháng đầu năm các lực lượng bảo đảm trật tự giao thông đã mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra, xử lý những trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô-tô, xe máy, các vi phạm của lái xe ô-tô, nhất là lái xe vận tải hành khách trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng đã tiến hành 16 cuộc kiểm tra trách nhiệm bảo vệ công trình giao thông và bảo đảm trật tự giao thông trên những tuyến đường thuộc phạm vi quản lý. Qua đó đã kiến nghị các đơn vị quản lý đường bộ bổ sung 23 biển báo hiệu, 25 cọc tiêu; giải tỏa 15 lều, quán và đình chỉ thi công một đơn vị thi công trong phạm vi đất dành cho đường bộ; 21 cuộc kiểm tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về vận tải, ra quyết định xử phạt 42 trường hợp. Lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh cũng đã kết hợp chặt chẽ giữa tuần tra nhắc nhở, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ với xử phạt vi phạm như dựng pa-nô và trưng bày bản ảnh các vụ TNGT ở các phiên chợ; xây dựng chuyên đề tuyên truyền và vận động nhân dân ký cam kết không chăn thả gia súc dọc tuyến quốc lộ, không dựng lều quán bán hàng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên, sự chuyển biến chưa nhiều. Nguyên nhân của tình trạng thiếu hiểu biết và thực hiện pháp luật này có thể nói dù các văn bản chỉ đạo ban hành nhiều nhưng triển khai thiếu kịp thời chưa tới nhân dân; một số ban, ngành còn thờ ơ đứng ngoài cuộc; thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm nhất là xử lý việc đội mũ bảo hiểm, chở người quá số lượng quy định.
Ðể giảm TNGT nghiêm trọng ở Hà Giang, trước hết cần phải thực hiện thật tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Qua đó, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân và những người tham gia giao thông lấy đó làm cơ sở để từng bước hình thành Văn hóa giao thông trong mỗi người khi tham gia giao thông. Tăng cường chỉ đạo, quản lý nhà nước đối với những địa bàn trọng điểm, đối tượng tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục với việc xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm để mang tính cưỡng chế thi hành pháp luật. Tăng cường và đẩy mạnh việc xử lý các điểm đen nguy cơ gây TNGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Công tác duy tu, bảo dưỡng cũng phải được tiến hành thường xuyên bảo đảm an toàn giao thông vận tải; gắn với kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị thi công để yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định khi thi công trên các tuyến đường đang khai thác. Nâng cao chất lượng, thực hiện nghiêm các quy định trong việc đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ; kiểm tra, rà soát việc tổ chức đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cho các đối tượng đúng pháp luật.
ND