Giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) là nhiệm vụ trọng tâm luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong suốt thời gian qua, các lực lượng chức năng cũng đã triển khai hàng loạt các biện pháp để xử lý vi phạm và nâng cao nhận thức chấp hành luật về ATGT cho nhân dân. Tuy nhiên, TNGT vẫn không giảm, thậm chí còn gia tăng mạnh, đặc biệt trên tuyến đường bộ. Đáng buồn hơn, trong 6 tháng đầu năm tỉnh Phú Thọ lại dẫn đầu cả nước về tốc độ gia tăng TNGT. Đây thực sự là vấn đề đặt ra cho các cấp, ngành, lực lượng chức năng và toàn xã hội.
Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông tỉnh, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương không ngừng gia tăng đột biến. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2009 trên địa bàn tỉnh xảy ra 65 vụ TNGT nghiêm trọng làm chết 71 người, làm bị thương 54 người (trong đó 64 vụ TNGT đường bộ và 1 vụ TNGT đường sắt). So sánh với 6 tháng đầu năm 2008, số vụ TNGT tăng 16 vụ (tăng 32,6%), số người chết tăng 22 người (tăng 44,8%), số người bị thương tăng 30 người (tăng 200%). 75% số vụ TNGT xảy ra đối với người cư trú trong tỉnh, số còn lại là người của các tỉnh khác đi qua địa bàn tỉnh.
Luật GTĐB sửa đổi (năm 2008) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009, song vẫn có nhiều trẻ em ngồi trên xe mô tô vẫn chưa được các bậc phụ huynh trang bị mũ bảo hiểm.
Các địa phương có số vụ TNGT cao và số người chết và bị thương nhiều là: Thành phố Việt Trì, xảy ra 13 vụ, làm chết 14 người, bị thương 10 người; Lâm Thao 11 vụ, làm chết 12 người, bị thương 11 người, Thanh Sơn 8 vụ, chết 8 người, bị thương 6 người; thị xã Phú Thọ và huyện Đoan Hùng, mỗi địa phương xảy ra 7 vụ, làm chết 7 người; Thanh Thuỷ xảy ra 5 vụ, chết 7 người…Trong 6 tháng, toàn tỉnh chỉ duy nhất có huyện Yên Lập chưa để xảy ra vụ TNGT nào gây chết người.
Qua phân tích của ngành chức năng, hầu hết các vụ TNGT vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông và nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu là do người điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định và vượt quá tốc độ cho phép. Đối tượng gây TNGT đa phần là thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 18-30. Phương tiện gây TNGT chủ yếu là xe ô tô, mô tô. Khu vực thường xảy ra TNGT là trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường nội thị, thành.
Ngoài các nguyên nhân chủ yếu ở trên, một phần cũng là do cơ sở hạ tầng giao thông kém, phương tiện quá niên hạn, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật vẫn còn lưu hành; lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, nhất là các loại xe có tải trọng lớn, dẫn đến tình trạng quá tải làm cho mặt đường ở nhiều tuyến hư hỏng; việc triển khai nâng cấp nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ còn chậm…
Trước thực trạng trên cho thấy, tình hình trật tự ATGT hiện nay rất đáng báo động, nếu các cơ quan chức năng, không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời, khả năng gia tăng TNGT khó có thể lường trước. Qua quan sát của chúng tôi, tình hình vi phạm trật tự ATGT trên địa bàn hiện nay diễn ra vẫn khá phổ biến ở hầu hết các huyện, thị, thành. Không chỉ diễn ra ở vùng nông thôn, mà ngay tại thành phố Việt Trì- đô thị loại II, nơi được coi là có trình độ dân trí cao, song tình trạng vi phạm luật giao thông vẫn thường xuyên diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi.
Nhằm xây dựng các tuyến đường xanh-sạch- đẹp và ATGT, trong thời gian qua thành phố và ngành giao thông, đã đầu tư kinh phí kẻ lại vạch phân luồng đường, vạch sơn cho người đi bộ, bổ sung biển báo hiệu giao thông, hướng dẫn giao thông. Lực lượng liên ngành tổ chức ra quân tuyên truyền vận động người dân thực hiện luật giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, song tình trạng vi phạm vẫn không mấy thuyên giảm. Có mặt tại một số nút đèn tín hiệu giao thông, chúng tôi chứng kiến vẫn còn khá nhiều xe mô tô, xe gắn máy, thậm chí cả xe ô tô lưu thông sai phần đường, đỗ phương tiện đè lên vạch sơn.
Không ít phương tiện vẫn vô tư vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, không chấp hành các quy tắc giao thông; người điều khiển xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, đèo ba, đèo bốn; ô tô vận tải tranh giành khách, dừng xe đón trả khách không đúng nơi quy định; chở hàng quá khổ, quá tải. Hiện tượng người dân đi bộ qua đường trèo lên cả hàng rào phân cách, dải phân cách, đi không đúng phần đường dành cho người đi bộ vẫn được coi là chuyện thường ngày.
Tình trạng vi phạm Luật giao thông đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm như thế này vẫn diễn ra phổ biến.
Tại một số chợ và một số tuyến đường trong nội thành, tình trạng bán hàng rong, lấn chiếm lòng, lề đường, dừng đỗ phương tiện mua bán hàng vẫn diễn ra mà ít bị xử lý hay nhắc nhở. Chị Nguyễn Thị Kỳ, người kinh doanh tại khu vực ngã ba công đoàn, phường Gia Cẩm, trên trục đại lộ Hùng Vương cho biết: “ Khu vực này từng được coi là điểm đen về AGTG, mặc dù lực lượng công an và các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn vi phạm như: Cử người hướng dẫn giao thông, chốt chặn xử lý vi phạm… song việc chấp hành vẫn chưa có nhiều chuyển biến, đặc biệt khi vắng bóng lực lượng cảnh sát giao thông, tình trạng phương tiện vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, dừng phương tiện sai quy định lại tiếp diễn và các va quyệt giao thông tại đây xảy ra như cơm bữa…”
Còn một nhân viên trong ngành đường sắt, trực tại trạm ba-ri-e đường ngang gần Bưu điện tỉnh bức xúc: “Không hiểu người ta vội tới mức nào mà khi chúng tôi kéo và hạ ba-ri-e chắn tầu rồi họ vẫn cố tình chui, trèo vượt qua và đi ngược chiều để qua đường. Đây không chỉ là vân đề vi phạm luật giao thông, gây mất ATGT, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới văn minh đô thị. Có những trường hợp chúng tôi nhắc nhở, liền bị các đối tượng trên chửi bới, gây sự…”.
Trước tình trạng TNGT gia tăng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban ATGT tỉnh, các chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể đã có nhiều văn bản chỉ đạo và đề ra các giải pháp cụ thể nhằm từng bước ổn định TTAGT trên địa bàn; các ngành chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng cảnh sát giao thông- Công an tỉnh và thanh tra giao thông đã triển khai hàng loạt các biện pháp, huy động tối đa lực lượng thực hiện các đợt tổng kiểm tra và kiểm tra thường xuyên để xử lý vi phạm về trật tự ATGT đặc biệt trên đường bộ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các cơ quan đoàn thể, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong nhân dân, trọng tâm tuyên truyền, phổ biến thi hành Luật giao thông đường bộ sửa đổi năm 2008.
Ban ATGT tỉnh mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ tuyên truyền viên về pháp luật ATGT cho đối tượng là tuyên truyền viên của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức thi tìm hiểu về Luật giao thông đường bộ cho các hội viên hôi nông dân cấp huyện và xã… Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2009, các lực lượng chức năng toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xử lý 21.501 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ, xử phạt trên 5,264 tỷ đồng (Trong đó có 5.109 trường hợp vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm, 4.441 trường hợp vi phạm tốc độ, 2.125 trường hợp vi phạm lỗi an toàn kỹ thuật, 770 trường hợp xe khách vi phạm, 2.779 trường hợp xe tải vi phạm); tạm giữ 101 xe ô tô; 2.636 xe mô tô, 4.594 bộ giấy tờ xe các loại và tước giấy phép lái xe của 672 trường hợp; kiểm tra phát hiện và xử lý 661 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 270 triệu đồng; tháo gỡ, cưỡng chế và giải tỏa 1.157 lều quán, mái che, mái vẩy; 498 biển quảng cáo, 8 chợ tạm, gần 30 nghìn m rào cây xanh và tường rào xây trái phép…
Một cán bộ cảnh sát giao thông bộc bạch: “TNGT- khó mà nói trước, bởi lực lượng cảnh sát giao thông đã cố gắng với trách nhiệm cao nhất. Tuy nhiên, TNGT vẫn gia tăng đột biến, đây là điều đáng tiếc nằm ngoài ý muốn của chúng tôi...! “Được biết, trong suốt thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông- Công an tỉnh luôn huy động tối đa quân số và hoạt động gần như hết “công suất” để đảm bảo TTATGT, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, cấp chính quyền cũng đã tổ chức nhiều đợt ra quân và có nhiều đợt hoạt động thiết thực nhằm góp phần lập lại trất tự ATGT, song dường như là một nghịch lý TNGT không giảm, mà tiếp tục gia tăng.
Tình trạng “nhờn luật” vẫn ngày càng lan rộng mà chưa có “phương thuốc” chữa trị. Vậy, cần phải có biện pháp gì để ngăn chặn TNGT gia tăng, tiến tới giảm thiểu TNGT một cách vững chắc? Đây là vấn đề lớn đặt ra không chỉ đặt ra đối với các cấp, ngành, lưc lượng chức năng, mà của toàn xã hội.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Bình - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, được biết: Tới đây, Ban ATGT tỉnh sẽ tiến hành hợp sơ kết 6 tháng đầu năm. Tại cuộc họp này, các cấp ngành, lực lượng chức năng sẽ phải nghiêm túc kiểm điểm, chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong hoạt động; phân tích làm rõ nguyên nhân gia tăng TNGT và đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện nhằm ngăn chặn và giảm thiểu TNGT trong thời gian cuối năm và Ban ATGT tỉnh sẽ có những biện pháp để chấn chỉnh lại hoạt động của Ban ATGT các cấp.
Theo PTOnline