Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 16/11/2008 chính thức có hiệu lực với những điểm mới như: Kiểm soát chặt hơn đối với người uống rượu bia tham gia giao thông; người tham gia giao thông phải mang theo 4 loại giấy tờ (CMND, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy kiểm định chất lượng)
Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 16/11/2008 chính thức có hiệu lực với những điểm mới như: Kiểm soát chặt hơn đối với người uống rượu bia tham gia giao thông; người tham gia giao thông phải mang theo 4 loại giấy tờ (CMND, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy kiểm định chất lượng); tăng quyền cho Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông; trẻ em từ 6 tuổi trở lên, người điều khiển xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông...
Luật mới vẫn đang nằm... trên giấy !
Sáng 2/07, chúng tôi có mặt tại các chốt giao thông quan trọng trên địa bàn thành phố như: ngã tư Ga, ngã tư Quảng trường, ngã tư Bến Thủy... để chứng kiến ý thức chấp hành của người dân cũng như chế tài xử phạt của lực lượng cảnh sát giao thông sau khi Luật mới chính thức có hiệu lực.
|
Rất ít phụ huynh có ý thức cho trẻ đội MBH khi tham gia giao thông như thế này.
|
Theo quan sát, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ từ 6 tuổi trở lên vẫn chưa được các bậc phụ huynh lưu ý. Cứ khoảng 10 trẻ em ngồi trên xe mô tô thì chỉ có 2 trẻ được đội mũ bảo hiểm.
Lý do mà hầu hết các phụ huynh đưa ra là: "Vẫn biết luật qui định phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông, nhưng nếu vi phạm thì chỉ nhận hình thức nhắc nhở, cảnh cáo mà chưa có qui định xử phạt nên cứ thoải mái đã.
Vả lại, thêm một cái mũ bảo hiểm nữa cũng rắc rối lắm, nghe nói, trẻ đội mũ bảo hiểm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đốt sống cổ." Anh Nguyễn Huy Hòa, phường Hồng Sơn (TP Vinh) cho biết. Không đội mũ bảo hiểm cho con cũng "chẳng ai phạt" mà không khéo lại hại đốt sống cổ của con, lại thêm sự vướng víu khi phải mang thêm một cái mũ bảo hiểm nên nhiều phụ huynh "tặc lưỡi cho qua"....
Điều đáng nói là đa số phụ huynh chưa hề biết về qui định trẻ em 6 tuổi khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm: "Tôi chỉ biết trẻ em dưới 14 tuổi không phải đội mũ bảo hiểm, còn qui định trẻ 6 tuổi trở lên phải đội mũ thì chưa nghe nói. Nếu Chính phủ qui định như vậy thì sẽ chấp hành nghiêm túc thôi."."Người lớn còn biết bảo vệ an toàn cho mình khi tham gia giao thông bằng cách đội mũ bảo hiểm, tại sao lại không bảo vệ trẻ bằng cách đó? Theo tôi, việc tạo cho trẻ thói quen đội mũ bảo hiểm không chỉ bảo vệ tính mạng cho trẻ mà còn giáo dục cho trẻ ý thức chấp hành pháp luật.". Đó là ý kiến của thầy giáo Phạm Huy Đức, thư ký Hội tâm lý giáo dục Nghệ An.
Còn đối với việc kiểm soát chặt hơn đối với người uống rượu bia tham gia giao thông cũng gặp không ít khó khăn: các đối tượng không có ý thức hợp tác mà còn đưa ra nhiều lý do để chống chế. Hơn nữa trong thời điểm hiện nay, dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát, lây lan trên diện rộng thông qua đường hô hấp, các dụng cụ đo nồng độ cồn trong máu chưa đảm bảo vệ sinh theo qui chuẩn... nên lực lượng CSGT khó thực hiện việc kiểm soát nồng độ cồn của các đối tượng tham gia giao thông.
Sáng 2/7, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt hàng trăm trường hợp, trong đó lỗi chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, điều khiển xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật... Còn các lỗi theo qui định mới như: uống rượu bia tham gia giao thông, trẻ em 6 tuổi trở lên không đội mũ bảo hiểm...vẫn chưa được áp dụng. Đại úy Nguyễn Trọng Hương, Đội cảnh sát giao thông Thành phố Vinh cho biết: "Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa được hướng dẫn việc thực hiện các chế tài xử phạt các lỗi theo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).."
Để Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có hiệu lực...
Luật Giao thông đường bộ ban hành năm 2008 có 8 chương, 89 điều trong đó có 3 điều được giữ nguyên, 68 điều sửa đổi bổ sung, 18 điều mới (so với Luật Giao thông ban hành năm 2001). Luật có hiệu lực từ ngày 01/07, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân nên Luật mới vẫn chưa được thực thi. Trong đó nổi lên 3 nguyên nhân chính: Luật mới chưa được phổ biến rộng rãi đến tận người dân; nhận thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, nhiều đối tượng còn có thái độ chống đối, bất hợp tác; chưa có chế tài xử phạt cụ thể...
Để khắc phục tình trạng trên, việc cần ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận người dân; cần có chế tài xử phạt cụ thể đối với các đối tượng vi phạm qui định của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Đại tá Hoàng Duy Hà-Đội trưởng Đội CSGT, Công an TP.Vinh cho biết: "Trước khi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có hiệu lực, Công an tỉnh đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông các huyện, thành về nội dung sửa đổi, các thông tư, nghị quyết mới ban hành của Bộ Công an.
Thời gian tới, Đội CSGT thành phố sẽ phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức các đợt tuyên truyền về Luật Giao thông mới, nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi cho các đối tượng tham gia giao thông."
Theo Báo Nghệ An