Thiên tai rất khó lường, biện pháp giảm thiểu thiệt hại duy nhất là chủ động phòng tránh. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, cơ quan thường trực phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai của tỉnh, năm 2008 trên địa bàn chịu tác động bất thường về thời tiết và khí hậu.
Thiên tai rất khó lường, biện pháp giảm thiểu thiệt hại duy nhất là chủ động phòng tránh. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, cơ quan thường trực phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai của tỉnh, năm 2008 trên địa bàn chịu tác động bất thường về thời tiết và khí hậu.
Không khí lạnh tháng 1 và đầu tháng 2 gây rét đậm, rét hại; hội tụ gió đông nam cuối tháng 10 đầu tháng 11, gây mưa lớn lượng mưa từ 100 đến 150mm, đặc biệt trên địa bàn huyện Sơn Dương, lượng mưa xấp xỉ 400 mm. Năm 2008, xảy ra 4 trận bão và áp thấp nhiệt đới (bão số 4, 5, 6 và áp thấp vào tháng 9). Lũ trên các sông, suối thường xuyên diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11. Thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2008 lên tới 124,6 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do đợt rét đậm, rét hại đầu năm đã làm 4.641 con trâu, bò chết; 348.186 kg mạ bị chết và 7.240 ha lúa phải cấy lại; thiệt hại 55 tỷ đồng. Ảnh hưởng của cơn bão số 4, gây lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt đã làm thiệt hại lên tới 69 tỷ đồng.
Thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão năm 2009, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai của tỉnh đã đề ra nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giữ gìn trật tự an ninh, an toàn xã hội. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai của tỉnh yêu cầu các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã xây dựng bổ sung phương án phòng, chống lụt bão năm 2009. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ (nhân lực tại chỗ, vật tư phương hiện tại chỗ; chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), các cấp các ngành có phương án thật cụ thể để tổ chức thực hiện ngay khi có thiên tai xảy ra.
Theo chỉ đạo, Trung tâm Khí tượng - Thuỷ văn Tuyên Quang đã tăng cường thu thập đủ số liệu, dự tính, dự báo nhanh lũ sông Lô, sông Gâm tham mưu cho thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh. Khi có mưa lũ lớn xảy ra, Sở Công thương tổ chức bán hàng lưu động trên thuyền, bảo đảm đủ hàng hoá thiết yếu phục vụ nhân dân. Điện lực Tuyên Quang hiện đã củng cố xong lực lượng thường trực Ban phòng chống lụt bão của đơn vị, thành lập 10 đội xung kích phòng chống lụt bão của các đơn vị trực thuộc gồm 147 người. Những người tham gia vào đội xung kích đều có chứng chỉ bơi lội phổ thông. Điện lực Tuyên Quang đã hoàn chỉnh việc lập kế hoạch và phương thức cấp điện, cắt điện theo từng cốt nước.
Sở Giao thông vận tải xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống lụt bão năm 2009 là bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trong mọi tình huống; hạn chế thiệt hại xuống mức thấp nhất về đường và công trình trên tuyến. Trước mùa mưa bão, ngành đã triển khai công tác duy tu bảo dưỡng các tuyến đường, khơi thông cống rãnh; nắm chắc số lượng phương tiện để thực hiện phương án ứng cứu khi lũ lụt xảy ra. Bố trí 1 canô, 2 xàlan bảo đảm chất lượng sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. Ngay trong tháng 5, ngành đã bố trí người thường trực 24/24 giờ, phân công thường trực khi có lũ lụt xảy ra tại các tuyến giao thông, nhất là trên quốc lộ 37 tại ngã ba Chanh và Thượng Ấm, quốc lộ 2 tránh thị xã Tuyên Quang. UBND huyện Sơn Dương thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, hệ thống đê và cống dưới đê...
Năm 2009, các xã ven sông cần có phương án bổ sung để giảm thiểu thiệt hại do việc xả lũ hồ thủy điện Tuyên Quang. Các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân nêu cao cảnh giác chủ động thực hiện các phương án phòng ngừa thiên tai. Ngay trong tháng 5, các đơn vị, các ngành và các huyện, thị xã kiện toàn ban phòng chống lụt bão phân công trực theo chế độ 24/24 giờ, kịp thời thông tin sự cố do thiên tai về Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh.
ĐT (BT theo TQO)