Bắc Giang: Tạo chuyển biến mới trong công tác bảo đảm ATGT đường thuỷ

Thứ ba, 23/06/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trên địa bàn tỉnh có ba tuyến sông lớn chảy qua là sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam. Thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa và Chỉ thị số 31/2005/CT-TTg ngày 29-9-2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa, thời gian qua các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh có sông chảy qua đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa và tạo được chuyển biến trong công tác này. Nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra TNGT đường thủy. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT đường thủy vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.
Trên địa bàn tỉnh có ba tuyến sông lớn chảy qua là sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam. Thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa và Chỉ thị số 31/2005/CT-TTg ngày 29-9-2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa, thời gian qua các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh có sông chảy qua đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa và tạo được chuyển biến trong công tác này. Nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra TNGT đường thủy. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT đường thủy vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.
Qua đợt tổng kiểm tra phương tiện thuỷ thực hiện đầu năm nay cho thấy toàn tỉnh hiện có hơn một nghìn phương tiện thủy nội địa, trong đó hầu hết phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm. Trong số 449 thuyền trưởng có tới 335 người chưa có bằng lái tàu, thuyền; chỉ có số ít lái thuyền, đò ngang có chứng chỉ chuyên môn. Đáng chú ý là hầu hết bến đò ngang trên các tuyến sông không đạt tiêu chuẩn theo quy định; hầu hết phương tiện chở khách không có đăng ký, đăng kiểm; người lái đò không có chứng chỉ chuyên môn…Bên cạnh đó, tình trạng phương tiện chở quá trọng tải còn phổ biến; một số bến không đủ điều kiện an toàn nhưng vẫn hoạt động; ý thức chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông đường thủy còn hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý nhà nước về bảo đảm ATGT đường thuỷ hiệu quả chưa cao; vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý các bến đò và phương tiện chở khách còn mờ nhạt; công tác tuyên truyền chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện. Như nhiều địa phương khác trong cả nước, tỉnh ta chưa có kho bãi tạm giữ phương tiện thuỷ vi phạm cũng là một trong những khó khăn trong công tác bảo đảm ATGT đường thuỷ hiện nay.
Trước những khó khăn, hạn chế trên và để làm tốt công tác bảo đảm ATGT đường thuỷ trong thời gian tới, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Ban ATGT tỉnh, Ban Chỉ đạo ATGT các cấp, nhất là ở cơ sở cần nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Luật Giao thông đường thủy nội địa, Chỉ thị số 31/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan. Trong quá trình thực hiện tiếp tục tập trung cao làm tốt công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về đường thủy nội địa, tài liệu tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy trong nhân dân. Cùng với quan tâm làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm, bổ sung điều kiện bảo đảm an toàn cho phương tiện thủy nội địa; đào tạo cấp bằng, chứng chỉ lái phương tiện thủy theo từng cấp hạng quy định cần huy động các lực lượng tổ chức rà soát, tháo dỡ những chướng ngại vật nguy hiểm; lắp đặt, sửa chữa kịp thời phao tiêu, báo hiệu trên các tuyến sông thuộc phạm vi tỉnh quản lý. Tập trung kiểm tra, chấn chỉnh những bến bãi không được cấp phép hoạt động; kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi nạn tàu thuyền khai thác cát trái phép ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ đê điều, làm thay đổi dòng chảy của sông và cản trở các phương tiện khác, nhất là ở những trọng điểm phức tạp. Đặc biệt, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến TNGT đường thuỷ, như: người điều khiển phương tiện không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn; phương tiện thiếu thiết bị an toàn, chở quá tải, quá số người quy định; kiên quyết xử lý các bến đò chở khách ngang sông không được cấp phép hoạt động. Tổ chức cho các chủ phương tiện vận tải thủy ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa; nơi nào để tai nạn đường thủy do phương tiện đò ngang gây ra dẫn đến chết người cần quy trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương đó.
Để tạo chuyển biến mới trong công tác bảo đảm ATGT đường thủy đòi hỏi phải có sự phối hợp vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ hơn của các cấp, ngành và ý thức tự giác của chủ phương tiện cũng như người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATGT đường thuỷ. Mỗi người khi tham gia giao thông đường thủy cần có ý thức cao trong việc phòng ngừa tai nạn, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước mọi hiểm họa có thể xảy ra.
Theo Báo BG

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)