Nhiều năm trở lại đây, cùng với sự phát triển hạ tầng, đường đô thị TP Thanh Hóa được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp gắn với việc chỉnh trang đô thị, mở các khu đô thị mới. Cùng với đó, thành phố đã đề ra một loạt các quy định, chế tài nhằm quản lý và khai thác có hiệu quả khối tài sản công ấy vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nhiều năm trở lại đây, cùng với sự phát triển hạ tầng, đường đô thị TP Thanh Hóa được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp gắn với việc chỉnh trang đô thị, mở các khu đô thị mới. Cùng với đó, thành phố đã đề ra một loạt các quy định, chế tài nhằm quản lý và khai thác có hiệu quả khối tài sản công ấy vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Vai trò của các tuyến huyết mạch này có lẽ không cần bàn nhiều, nhưng hình như không mấy người quan tâm đến điều đó, bởi vậy mà khi đường bị xâm hại thì rất nhiều người hoặc thờ ơ, hoặc đổ trách nhiệm lẫn nhau.
Trong thực tế vẫn tồn tại những suy nghĩ khá “ngây thơ” rằng đường đô thị là phần lòng đường nơi các phương tiện giao thông lưu thông hằng ngày và người ta gần như “quên” mất phần lề đường, vỉa hè. Vậy nên mới có cái cảnh vỉa hè dành cho người đi bộ đã được dùng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, buôn bán, nơi đặt các biển quảng cáo thoải mái, che khuất tầm nhìn, che khuất các cọc tiêu, biển báo giao thông, chắn lối đi lại hay là nơi đủ loại bán bình, mái che đua nhau kết hợp với các búi dây điện, dây cáp, tán cây làm thành bức tranh đa màu, rối mắt.
Lấn chiếm hành lang giao thông hay dùng hành lang giao thông vào mục đích cá nhân đã trở thành chuyện hằng ngày ở phố phường, chuyện không đáng bàn mà đúng hơn có bàn cũng chẳng thể giải quyết được. Không lấn dưới đất thì lấn trên không, miễn sao không để uổng phí một “thước vàng” nào vào... mục đích riêng.
Một điều đáng buồn mà ngay đến cơ quan quản lý đô thị cũng chưa thể tìm ra giải pháp giải quyết triệt để là vấn đề xâm hại chỉ giới xây dựng đang diễn ra ở hầu khắp các tuyến phố, dưới nhiều hình thức. Việc này đã trở thành thói quen, thói xấu xuất phát từ ý thức thấp kém của người dân về giá trị của các loại tài sản công, trong đó có đường giao thông. Cảnh quan đô thị gắn liền với những tuyến đường trong đô thị ấy.
Nhưng cái cảnh bừa bộn, lộn xộn của rác thải bên lề đường, nắp cống lún sập, cột điện xiêu vẹo với những búi dây chằng chịt, hàng hóa bày bán tràn lan, xe đạp, xe máy để khắp các vỉa hè, thậm chí tràn cả xuống lòng đường... đến việc đường bị đào, cắt để tu bổ, sửa chữa với tiến độ “rùa bò” gây cản trở giao thông; nhiều đoạn ngập úng, sạt lở, thậm chí trở thành những cái bẫy nguy hiểm đã và đang diễn ra, hết tuyến phố này sang tuyến phố khác...
Tất cả những sự việc, hiện tượng ấy đang “góp phần” không nhỏ vào việc phá hoại mỹ quan đô thị. Tính đến hết quý I- 2009, lực lượng quy tắc, cảnh sát trật tự và cảnh sát giao thông thành phố đã tiến hành xử lý hơn 1.000 lượt vi phạm hành lang giao thông, môi trường tập trung tại các trọng điểm như chợ Vườn Hoa, đường Nguyễn Chí Thanh, đường Lê Hữu Lập, đường Bà Triệu, đường Quang Trung, đường Lê Hoàn... Nhưng xem ra con số ấy vẫn rất khiêm tốn so với số lượng vi phạm hiện nay.
Điều này xuất phát từ nhiều lý do nhưng cái chính vẫn từ sự yếu kém trong quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng, từ ý thức chấp hành pháp luật của người dân và việc quy trách nhiệm cho một số cơ quan trong khi đây là tài sản chung, ai cũng có một phần trách nhiệm. Ví như “Đá ném ao bèo”, đá ném xuống bèo dạt ra, đá chìm bèo lại tụ, cái vòng luẩn quẩn giữa quản lý, xử phạt và tinh thần chấp hành kiểu đối phó của người dân đã khiến cho việc lập lại trật tự hành lang giao thông đường bộ trở thành vấn đề... không thể bàn!
Cũng liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trong khu vực nội thị hiện nay là sự xuống cấp, thiếu thốn, hư hỏng của các loại cọc tiêu, biển báo, dải phân luồng giao thông, vạch dừng trước đèn báo, đèn tín hiệu giao thông, sự không hợp lý trong việc mở các dải phân cách trên một số tuyến đường chính...
Bên cạnh đó là cơ chế đầu tư bảo trì, tu bổ, chăm sóc đường vẫn thiếu về kế hoạch, nguồn vốn và yếu về khả năng thực hiện. Những đoạn đường chắp vá, sửa lại hỏng, hỏng lại sửa... cũng xuất phát từ đó.
Hướng đến mục tiêu xây dựng “Đô thị văn minh, công dân thân thiện” việc cần quan tâm đầu tiên của thành phố chính là vấn đề lập lại trật tư, an toàn giao thông dựa trên một văn bản pháp quy cụ thể, sát thực, phù hợp và áp dụng có hiệu quả. Quyết định 3995/2008/QĐ/UBND ngày 17-12-2008 của Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa về việc “Ban hành quy định Quản lý trật tự đô thị đường phố TP Thanh Hóa” cơ bản đáp ứng nhu cầu đó.
Phạm vi điều chỉnh trong qui định này gồm 5 lĩnh vực: Quản lý trật tự, an toàn giao thông đô thị, quản lý trật tự kinh doanh dọc theo tuyến phố, quản lý vệ sinh và môi trường đô thị; quản lý quảng cáo, biển hiệu, quản lý kiến trúc - quy hoạch, trật tự xây dựng. Đối tượng điều chỉnh: áp dụng cho mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đang tham gia các hoạt động trên địa bàn TP Thanh Hóa có liên quan tới trật tự đô thị. Văn bản đã có nhưng để đưa văn bản này vào cuộc sống lại cần đến sự vào cuộc kiên quyết với cơ chế xử phạt thích đáng của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Song hành với quyết định của thành phố phải là các nghị định của Chính phủ, trong đó Nghị định 23/CP-TTg, ngày 27-2-2009 của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ mức xử phạt đối với “hành vi vi phạm các quy định về quản lý, khai thác và sử dụng hè, đường” nhất thiết phải đưa vào thực hiện, có như vậy khái niệm “văn minh” của đô thị loại 2 mới mang đầy đủ giá trị của nó.
ĐT (Báo Thanh Hoá)