Tuyến đường sắt bắc - nam chạy qua địa bàn tỉnh Nam Ðịnh dài 41,1 km qua thành phố, ba huyện và 20 phường, xã, thị trấn. Những năm gần đây, ngành đường sắt cùng chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhưng tai nạn trên tuyến đường này vẫn diễn biến phức tạp.
Tuyến đường sắt bắc - nam chạy qua địa bàn tỉnh Nam Ðịnh dài 41,1 km qua thành phố, ba huyện và 20 phường, xã, thị trấn. Những năm gần đây, ngành đường sắt cùng chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhưng tai nạn trên tuyến đường này vẫn diễn biến phức tạp.
Theo thống kê của Công ty quản lý đường sắt Hà Ninh, năm 2008 đến tháng 4-2009 trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt, làm chết 18 người, bị thương 20 người. Ngoài ra, còn xảy ra 13 vụ ô-tô phóng nhanh, vượt ẩu, lao vào đường sắt, gây ách tắc cục bộ trên tuyến, làm chậm tàu ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của hành khách.
Hầu hết các vụ tai nạn giao thông xảy ra tại các "điểm đen" giao cắt đường bộ với đường sắt, bắt đầu là khu vực ga Ðặng Xá (huyện Mỹ Lộc), tiếp đến là các xã Lộc Hòa, Lộc An (ngoại thành Nam Ðịnh); phường Trần Quang Khải, phường Văn Miếu; thôn Dương Lai, xã Thành Lợi và thị trấn Gôi, cuối cùng là xã Yên Tiến (huyện Ý Yên).
Hai điểm nóng nhất về tai nạn giao thông là km 83+037 đến km 84+930 thuộc xã Lộc An, đã xảy ra tám vụ TNGT làm chết bốn người, bị thương năm người và km 82+200 đến km 82+900 thuộc khu gian Ðặng Xá xảy ra năm vụ TNGT làm ba người bị thương, hỏng hai ô-tô, một xe máy. Ðáng chú ý, thời gian qua trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ TNGT do người đi bộ qua đường sắt không quan sát làm 11 người chết, 10 người bị thương.
Tuyến đường sắt bắc - nam chạy qua địa bàn tỉnh chỉ dài hơn 40 km nhưng lại luôn chạy song song với các quốc lộ 21A, 10A, qua nhiều khu dân cư có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều người dân tự tiện mở đường ngang đấu nối trực tiếp qua đường sắt ra quốc lộ. Trên địa bàn tỉnh hiện đang tồn tại 420 đường ngang dân sinh mở trái phép, chỉ riêng tại thành phố Nam Ðịnh có 7 km đường sắt chạy qua nhưng đã xuất hiện 178 đường ngang dân tự mở.
Ðây là nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông trong khi mật độ chạy tàu cao, tốc độ nhanh. Công an thành phố Nam Ðịnh cho biết, năm 2007 trên địa bàn thành phố chỉ xảy ra một vụ TNGT đường sắt nhưng đến năm 2008 đã có sáu vụ tai nạn làm sáu người chết, riêng trong bốn tháng đầu năm nay đã xảy ra năm vụ, làm chết năm người.
Giáp ranh với thành phố Nam Ðịnh, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản cũng đang là điểm nóng về trật tự an toàn giao thông đường sắt. Ông Trần Thọ Ðạt, Trưởng ga Trình Xuyên cho hay tại đường ngang dân sinh khu vực thôn Dương Lai, xã Thành Lợi thuộc km 92+800, từ năm 2005 đến nay đã xảy ra 11 vụ TNGT đường sắt. Tất cả các vụ TNGT đều do lỗi chủ quan, bất cẩn của người dân khi đi xe đạp, xe máy và nhiều trường hợp khi đi bộ qua đường sắt không chú ý quan sát dẫn đến những cái chết thương tâm.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình, ngành đường sắt và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chương trình phối hợp tuyên truyền giáo dục và vận động quần chúng. Hiện nay, tất cả các phường, xã, thị trấn có đường sắt đi qua đều được phát tài liệu tuyên truyền. Tại một số địa bàn trọng điểm về TNGT đã tổ chức ký cam kết giữa chính quyền địa phương, Công ty quản lý đường sắt Hà Ninh và các hộ gia đình về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Hằng tháng, các cung đường, cung cầu, cung chắn, nhà ga cùng với UBND các phường, xã tiến hành trao đổi công tác, nắm bắt thông tin và tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chạy tàu như dựng lều, quán, nhà tạm, biển quảng cáo, trồng cây, đặc biệt là mở đường ngang trái phép qua đường sắt. Trong năm 2008, ngành đường sắt cũng đã đầu tư nâng cấp, cải tạo 11 công trình đường ngang theo kiến nghị của các đoàn kiểm tra liên ngành để bảo đảm an toàn chạy tàu.
Tuy nhiên hiện nay tai nạn giao thông đường sắt ở Nam Ðịnh vẫn diễn biến phức tạp. Hầu hết các vụ TNGT đều xảy ra tại những đường ngang dân sinh qua đường sắt. Trước đây, khi cấp đất cho nhân dân chính quyền các địa phương đều không quy hoạch giao thông vào khu dân cư nên xuất hiện tình trạng "có nhà nhưng không có đường", buộc lòng nhiều hộ dân phải tự làm đường ngang qua đường sắt để đi lại hằng ngày.
Việc ngăn chặn các đường ngang gây trở ngại chạy tàu đã được ngành đường sắt thực hiện nhưng chỉ là giải pháp tình thế vì chỉ sau vài ngày hộ dân lại tái phạm, trong khi không có sự giám sát của chính quyền sở tại. Hệ thống tường rào bảo vệ đường sắt đã được xây dựng tại những điểm "nóng" về TNGT nhưng vẫn còn nhiều điểm "nóng" khác chưa có kinh phí đầu tư xây dựng. Ðã đến lúc cần thực hiện xã hội hóa công tác bảo đảm an toàn giao thông đường sắt với sự vào cuộc của địa phương có đường sắt đi qua.
Ngoài việc tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động, ký cam kết, chính quyền các xã, phường, thị trấn khẩn trương khảo sát địa điểm làm đường gom khu dân cư đấu nối vào đường ngang tập trung đã được ngành đường sắt xây dựng để lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Trước mắt, khi chưa có đường gom thì chính quyền sở tại nên hình thành các mô hình tự quản duy trì trật tự an toàn đường sắt, có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể quần chúng như Ðoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh,...
TH (theo Nhân Dân)