Hiện nay, công tác tuyên truyền pháp luật về TT ATGT tại cơ sở trong tỉnh Yên Bái đang gặp rất nhiều khó khăn. Tại một số địa phương, công tác tuyên truyền còn yếu, tỉnh đã triển khai nhiệm vụ công tác cụ thể thông qua rất nhiều văn bản nhưng nhiều nội dung vẫn chưa được truyền tải đồng bộ đến người dân.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TT ATGT) đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND đã ban hành nhiều văn bản như: Chỉ thị 12/CT-TU về tăng cường công tác quản lý TTATGT trên địa bàn tỉnh; Chương trình hành động số 1165 về thực hiện Nghị quyết 32/NQ-CP của Chính phủ và kế hoạch phân công nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, các thành viên Ban ATGT; Quyết định số 1164/QĐ-UBND về thành lập Ban chỉ đạo công tác giải phóng hành lang giao thông đường bộ, đường sắt; kế hoạch số 43/KH-UBND về tổ chức giải phóng hành lang giao thông đường bộ, đường sắt; công văn chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường chấn chỉnh công tác đảm bảo TT ATGT năm 2009 và kế hoạch hoạt động đảm bảo TT ATGT từng tháng, từng quý...
Trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết 32; triển khai mạnh mẽ phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn đảm bảo trật tự an toàn giao thông”; đưa ATGT về cơ sở với hình thức sinh hoạt, tuyên truyền ngay tại các thôn, bản, tổ dân phố; tổ chức các hội thi thông tin tuyên truyền, duy trì thường xuyên chuyên mục ATGT; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thi, hội diễn văn nghệ với chủ đề ATGT; tăng cường vận động “Học sinh, học viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc pháp luật về giao thông”; thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông dễ tiếp thu và chấp hành pháp luật ATGT.
Với các chương trình, nhiệm vụ, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện rất rõ ràng và cơ bản phù hợp với điều kiện thực tế, đến nay, công tác tuyên truyền pháp luật về TT ATGT tại địa phương đã được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả tốt. Ý thức và trách nhiệm của đại đa số người dân khi tham gia giao thông đã có những chuyển biến rất rõ nét, đặc biệt trong việc nghiêm túc chấp hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật về ATGT tại một số địa phương cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần nhanh chóng khắc phục.
Trong khi số vụ, số người chết, số người bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT) liên tục tăng thì hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia đảm bảo TT ATGT tại các địa phương vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Trao đổi với lãnh đạo một số xã thì hiện nay công tác đảm bảo TT ATGT mới chỉ dừng lại ở việc kiện toàn ban ATGT, xây dựng các phương án, hình thức tuyên truyền hay củng cố các tổ tự quản, tổ đảm bảo trật tự. Điều đó cũng có nghĩa là công tác tuyên truyền mới chỉ được triển khai trên các cuộc họp tổng kết chứ chưa được triển khai đồng bộ đến đại đa số người dân.
Các hình thức tuyên truyền được liệt kê ra là rất nhiều, tuy nhiên làm thế nào để các hình thức tuyên truyền đó phát huy hiệu quả và tạo được những thay đổi cần thiết trong ý thức chấp hành pháp luật về TT ATGT của người dân thì lại chưa được xây dựng một cách rõ ràng. Các hoạt động tuyên truyền được lồng ghép vào các buổi họp thôn, các đợt sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể là rất cần thiết nhưng đó chắc chắn không thể là hình thức tuyên truyền chính. Bởi vì, các đối tượng tham dự các cuộc họp này đa phần là phụ nữ và người cao tuổi (đây không phải là nhóm đối tượng chủ yếu tạo ra những nguy cơ gây TNGT).
Mặt khác, tại các cuộc họp này, thời lượng dành cho việc tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác đảm bảo TT ATGT là rất hạn chế. Công tác tuyên truyền mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng (nếu có) mà chưa định hướng được cho cộng đồng cùng lên án các hành vi vi phạm. Hiện nay, hầu hết các xã, thị trấn đều có hệ thống loa truyền thanh nhưng số lượng tin bài về công tác đảm bảo TT ATGT được phát trên hệ thống truyền thông này cũng rất hạn chế. Tại một số địa phương, sau thời gian tổ chức hàng loạt các hoạt động rầm rộ thì nay công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân tích cực tham gia đảm bảo TT ATGT đã không còn liên tục như trước.
Ông Mai Văn Bộ - Chánh thanh tra giao thông tỉnh cho biết: Hiện nay, công tác tuyên truyền pháp luật về TT ATGT tại cơ sở đang gặp rất nhiều khó khăn. Tại một số địa phương, công tác tuyên truyền còn yếu, tỉnh đã triển khai nhiệm vụ công tác cụ thể thông qua rất nhiều văn bản nhưng nhiều nội dung vẫn chưa được truyền tải đồng bộ đến người dân. Bên cạnh những nguyên nhân như: thiếu kinh phí hoạt động, trình độ của một số cán bộ làm đảm nhiệm công tác còn nhiều hạn chế, địa bàn quản lý rộng, đường xá phương tiện hoạt động khó khăn, tài liệu tuyên truyền trực quan chưa được trang bị đầy đủ... thì một trong những nguyên nhân chính khiến công tác tuyên truyền về đảm bảo TT ATGT chưa phát huy hiệu quả đó là tư tưởng chủ quan, nặng về số lượng và tư tưởng hoạt động theo tính “phong trào” của một bộ phận không nhỏ cán bộ cấp cơ sở trong khi thực hiện nhiệm vụ công tác.
Căn bệnh trầm kha “thành tích” đã khiến một số chính quyền địa phương không dám nhìn thẳng vào vấn đề, không nêu ra được những hạn chế trong khi thực hiện công tác tuyên truyền; không tự mình xây dựng được các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương mà chỉ mong chờ; ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của cấp trên. Vẫn biết rằng, rất khó để đánh giá đúng thực chất hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật về TT ATGT nhưng nếu tình hình tai nạn, va chạm giao thông vẫn ngày càng tăng thì cũng có nghĩa là công tác tuyên truyền vẫn chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, xây dựng được ý thức nghiêm túc chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về TT ATGT nói riêng trong đại đa số nhân dân, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng, nhân rộng những mô hình tiên tiến, tạo dư luận lên án những cá nhân tổ chức vi phạm, đã đến lúc phải đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp, trong đó, cần quan tâm hơn nữa đến yếu tố con người. Người cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT trước hết phải được trang bị kiến thức sâu rộng về lĩnh vực mình công tác.
Chỉ khi nào có trong tay có đầy đủ hệ thống văn bản tài liệu hướng dẫn, nhất là những tài liệu tuyên truyền trực quan sinh động, với lòng nhiệt tình và ý thức trách nhiệm cao, người cán bộ đó mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, với đặc thù là một tỉnh miền núi, trình độ dân trí chưa cao nên các hoạt đông tuyên truyền cần hướng tới các thôn, bản và các cụm dân cư. Nội dung tuyên truyền nên ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ thì mới tác động trực tiếp đến đại bộ phận người dân.
Đi cùng với những trách nhiệm trên, các cơ quan chức năng cũng cần tạo điều kiện hỗ trợ chi phí hoạt động, tạo sự công bằng trong thu nhập, để những người đảm nhiệm công tác tuyên truyền có thể yên tâm làm việc mà không phải lo kiếm kế mưu sinh.
baoyenbai