Tỉnh Hòa Bình có 3 con sông chảy qua là sông Đà, sông Bôi và sông Mã, trong đó số lượng phương tiện thủy tập trung đông trên vùng lòng hồ sông Đà, thời gian qua Sở GTVT Hòa Bình đã nỗ lực trong công tác kiểm tra nhằm tạo điều kiện cho việc đăng ký, đăng kiểm cho người dân và quản lý loại phương tiện này.
Theo thống kê trên toàn tỉnh có 803 phương tiện, trong đó có 128 chiếc chở hàng, 100 chiếc chở khách, 21 phương tiện công trình và 554 phương tiện khác; số thuộc đối tượng phải đăng ký có 585 chiếc, phải đăng kiểm có 350 chiếc. Thực hiện cuộc tổng kiểm tra phương tiện thủy và tiến hành đăng ký, đăng kiểm cho phương tiện, Sở GTVT Hòa Bình đã phối hợp với Chi cục Đăng kiểm Hà Sơn Bình và chính quyền địa phương đi đến từng xã vùng lòng hồ sông Đà, sông Mã và sông Bôi.
Tính đến hết tháng 8/2008 đã đăng ký tiếp cho người dân được 323 chiếc, nâng tổng số phương tiện thủy nội địa đã đăng ký được 448 chiếc/585 đạt 76,6%, cho đến thời điểm này trên địa bàn chỉ còn 137 phương tiện chưa đăng ký. Trong đó huyện Lạc Thủy còn 7 phương tiện có kết cấu bằng xi măng lưới thép, không đủ điều kiện để đăng ký, đăng kiểm nên đã bị chính quyền địa phương lập biên bản và đình chỉ hoạt động. Huyện Mai Châu còn 20 phương tiện chưa đăng ký, chủ sở hữu các phương tiện này đều thuộc diện di dân sau cơn bão số 5 (2007) do sạt lở và các xã ven sông Mã, đa số là phương tiện bê tông lưới thép không đủ điều kiện để đăng ký. Các huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong hiện còn 110 chiếc chưa đăng ký, do các phương tiện đang hoạt động tại các vùng khác nên chưa được đăng ký.
Riêng đối với tàu tháp, hiện có 9 chiếc đang hoạt động thì có 4 chiếc đã đăng kiểm, hiện trạng cả 9 chiếc đều không đúng thiết kế ban đầu, thiếu nhiều trang thiết bị an toàn, Sở GTVT Hòa Bình đang cùng với cơ quan đăng kiểm yêu cầu chủ phương tiện ký cam kết giữ nguyên thiết kế ban đầu, nếu phương tiện nào không đủ điều kiện an toàn sẽ đình chỉ hoạt động. Theo Sở GTVT Hòa Bình việc đăng ký phương tiện hiện đang vướng, vì theo QĐ 15/QĐ - BGTVT thì người dân phải có hộ khẩu thường trú tại địa bàn, nhưng thực tế trên vùng lòng hồ người dân có KT3 thì ít, nhiều người lên sinh sống trước khi có Luật GTĐTNĐ nên một số người dân ở Phú Thọ hiện đang có phương tiện thủy hoạt động tại đây không thể mang về địa phương đăng ký theo quy định.
Nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các cơ quan chức năng đã phân loại đối tượng để quản lý, bên cạnh đó Sở GTVT đã phối hợp với Đoạn QLĐS số 9 mở được 11 lớp truyên truyền giáo dục Luật GTĐTNĐ và cấp giấy chứng nhận cho 647 học viên. Tính đến hết tháng 8, đã đào tạo được 7 lớp, cấp 354 bằng thuyền trưởng hạng ba và 70 chứng chỉ chuyên môn, như vậy hiện vẫn còn khoảng 100 người thiếu bằng thuyền trưởng và 300 người thiếu CCCM vẫn đang hoạt động.
Mục tiêu đến thời điểm 1/1/2009 toàn bộ người điều khiển phương tiện thủy phải có CCCM theo NQ32-CP khó có thể thực hiện được, nếu có chỉ đạt 90%. Hiện trên địa bàn có 4 cơ sở đóng mới, sửa chữa, hoán cải phương tiện thủy nội địa, ngoài cảng Bích Hạ còn có 3 cơ sở đóng phương tiện không phép hoạt động với quy mô nhỏ, chủ yếu là sửa chữa cho các phương tiện cập cảng Bích Hạ. Các cơ sở này thiếu kỹ sư chuyên ngành, cán bộ kỹ thuật đều là thợ hàn và phương pháp đóng mới phương tiện, hoán cải chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và đóng theo kiểu dân gian.
Trao đổi chúng tôi, ông Nguyễn Đức Hợi – Trưởng phòng Vận tải Công nghiệp – Sở GTVT Hòa Bình cho biết: Sở đã có công văn nhắc nhở yêu cầu các cơ sở đóng mới, hoán cải phương tiện khi đóng mới, sửa chữa phương tiện phải đảm bảo đúng các yêu cầu thiết kế, ngoài ra cũng kiến nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam mở lớp tập huấn về nghiệp vụ kỹ thuật cho các cơ sở đóng mới và hoán cải phương tiện trên địa bàn, đồng thời nghiên cứu và ban hành một số mẫu định hình phù hợp với địa hình và điều kiện vùng lòng hồ Hòa Bình, bảo đảm an toàn và an sinh cho người dân.
Theo Báo GTVT