Nhiều bất cập trong bảo đảm ATGT đường thủy ở Sóc Trăng

Thứ năm, 09/10/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với 72 km bờ biển, cùng ba cửa sông lớn đổ ra biển: Ðịnh An, Trần Ðề, Mỹ Thanh và hơn 100 tuyến sông, kênh rạch có tổng chiều dài 1.660 km nằm đan xen, chằng chịt giữa các vùng - hệ thống giao thông thủy ở Sóc Trăng đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, xây dựng phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, đây cũng là địa bàn còn nhiều bất cập trong bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy.  
Với 72 km bờ biển, cùng ba cửa sông lớn đổ ra biển: Ðịnh An, Trần Ðề, Mỹ Thanh và hơn 100 tuyến sông, kênh rạch có tổng chiều dài 1.660 km nằm đan xen, chằng chịt giữa các vùng - hệ thống giao thông thủy ở Sóc Trăng đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, xây dựng phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, đây cũng là địa bàn còn nhiều bất cập trong bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy.  


Những năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp trong tỉnh  mở nhiều đợt tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa và phổ biến các kiến thức cũng như quy định của Nhà nước về tình hình bảo đảm trật tự ATGT, nhưng trên thực tế, một bộ phận người tham gia giao thông đường thủy và người dân vẫn còn xem thường các quy định về ATGT, nên số vụ tai nạn chết người ngày càng nhiều. Theo Ban ATGT Sóc Trăng, từ đầu năm 2007 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông đường thủy (TNGTÐT), chết 14 người, thiệt hại tài sản hàng tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra phát hiện 4.409 phương tiện, tàu ghe vi phạm Luật Giao thông đường thủy, thu phạt gần 2 tỷ đồng.


Do điều kiện sông nước và đặc thù của loại phương tiện mà hậu quả TNGTÐT thường lớn và nghiêm trọng hơn so với đường bộ. Cho đến nay, nhiều người dân địa phương vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa khi nhớ lại vụ chìm đò làm chết 6 người, trong đó có 5 học sinh xảy ra vào đầu năm 2008. Chiếc đò của ông Nguyễn Văn Triều điều khiển chở khoảng 30 học sinh và hành khách trên tuyến kênh Thạnh Mỹ, khi đến địa phận ấp Hòa Muôn, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên để rước khách thì bất ngờ bị lật chìm xuống sông. Rất may là lực lượng dân quân và bà con chung quanh tuyến kênh đã nhanh chóng cứu vớt được nhiều học sinh lên bờ, nếu không kịp thời thì hậu quả sẽ còn rất lớn. Qua phân tích số vụ TNGTÐT, Thượng tá Phạm Văn Hạnh, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Sóc Trăng cho biết: Nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGTÐT là do người điều khiển phương tiện thiếu kiến thức chuyên môn, hiểu biết về Luật Giao thông đường thủy hạn chế nên thường vi phạm quy tắc tránh vượt, thiết bị không an toàn, không chấp hành các quy định về vận chuyển khách đường thủy, chở khách quá mức quy định, không có thiết bị áo phao trên tàu... Mặt khác, các biển báo về ATGT thủy, phao tiêu, đèn chỉ dẫn cho tàu, ghe hoạt động còn thiếu nhiều, nhất là ở các tuyến sông trọng điểm. Trong khi lực lượng quản lý giao thông đường thủy quá mỏng, thiếu phương tiện hoạt động, cho nên chưa đáp ứng được yêu cầu tuần tra, kiểm soát sự hoạt động của các phương tiện. Hơn nữa, việc quy hoạch phân luồng, tuyến sông còn thiếu nhất quán và chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng, dẫn đến tình trạng là các tuyến sông, kênh mới cải tạo thiếu sự thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm điều kiện ATGT, nên tai nạn xảy ra với tính chất nghiêm trọng, mức độ thiệt hại ngày càng cao.


Qua cuộc tổng điều tra mới đây, tỉnh Sóc Trăng có gần 57 nghìn phương tiện thủy, trong đó ngành giao thông vận tải chỉ mới quản lý được 3.175 tàu thuyền và hơn hai phần ba tổng số tàu thuyền chưa đăng ký, đăng kiểm. Số người điều khiển phương tiện cần có bằng tàu trưởng, máy trưởng tàu sông và chứng chỉ chuyên môn là 11.662, nhưng đến nay chỉ có 1.179 người được cấp. Trong khi số lượng tàu ghe tham gia giao thông ngày càng tăng, mỗi ngày có khoảng ba nghìn ghe, tàu lớn nhỏ hoạt động trên khắp các tuyến sông, kênh rạch chính. Vấn đề thách thức đặt ra là ngay trong năm 2008 phải hoàn tất việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, kể từ ngày 1-1-2009, các phương tiện giao thông thủy nội địa nếu chưa đăng ký, đăng kiểm sẽ bị đình chỉ hoạt động.


Một trong những hoạt động phức tạp nhất hiện nay là các bến đò khách ngang sông. Thực hiện chủ trương xã hội hóa giao thông vận tải, thời gian qua một số địa phương trong tỉnh đã tổ chức đấu thầu đưa phương tiện, bến bãi vào hoạt động theo quy định, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách. Song hiện nay nhiều địa phương mặc dù đã có chỉ đạo của tỉnh, vẫn chưa thực hiện đấu thầu các bến đò khách ngang sông, từ đó phát sinh đò bao, đò dọc gây nguy hiểm cho người đi lại. Số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải Sóc Trăng cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn 33/65 bến đò không có giấy phép hoạt động, nhiều lái đò không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn vẫn ngang nhiên chở khách. Nhiều đò không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không được trang bị phao cứu sinh. Những đò có phao cứu sinh thì chỉ treo lên để ngắm, chủ đò cũng như khách không hề mặc, hoặc chỉ mặc kiểu đối phó khi có sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Tình trạng đò chở quá trọng tải quy định diễn ra rất phổ biến. Mỗi đò thường chở tới 30 đến 40 người, chưa kể xe máy và hàng hóa, trong khi theo quy định chỉ được phép chở 15 người. Ðây là những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ TNGTÐT nội địa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là vào những mùa mưa bão.


Một nguyên nhân khác cũng cần được quan tâm là những chướng ngại vật như chà, nò, vó, đáy... của những hộ ngư dân khai thác thủy sản cài đặt trên các tuyến sông, kênh rạch gây không ít cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ TNGTÐT làm thiệt hại rất lớn đến tính mạng, tài sản công dân đều bắt nguồn từ chướng ngại vật gây ra. Trên các tuyến sông, kênh rạch thuộc phạm vi toàn tỉnh hiện có 3.624 miệng đáy, chà, nò, vó cần được giải tỏa, nhưng đến nay lực lượng chức năng chỉ mới tháo dỡ được 203 trường hợp vi phạm. Còn lại hơn ba nghìn hộ dân làm cam kết không vi phạm hành lang ATGT, nhưng chỉ được thời gian rồi đâu lại vào đấy. Chúng tôi có dịp khảo sát  trên các tuyến sông Ðại Ngãi - Vàm Lẻo, Cái Côn - Vĩnh Biên, qua địa phận ngã ba Dù Thoa - Nhu Gia (Mỹ Xuyên), Thạnh Trị, Ngã Năm... rất đông người dân trở lại tái chiếm lòng sông để đóng đáy, đặt chà, nò, vó gây rất nhiều cản trở đến trật tự giao thông đường thủy. Khi được hỏi về tình hình này thì người dân ai cũng thừa nhận việc làm của mình là sai và đều viện lý do chung là do nghèo quá nên không có con đường nào khác lại tiếp tục tái chiếm lòng sông, đánh bắt tôm cá.


Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Sóc Trăng Trần Anh Việt,  thừa nhận: Việc bảo đảm ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, cản trở cần sớm được khắc phục. Trước mắt, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, để mọi người tham gia điều khiển phương tiện giao thông đường thủy có ý thức trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định về ATGT. Các ngành chức năng, chính quyền các cấp cùng phối hợp đưa giáo dục ATGT đến từng hộ gia đình và xem đây là một tiêu chí để xét công nhận gia đình văn hóa mới. Ðồng thời, khắc phục ngay tình trạng chở quá tải, giải tỏa các chướng ngại vật trên sông rạch, kiên quyết xử lý các bến đò, bến khách ngang sông hoạt động không bảo đảm an toàn, không giấy phép; người điều khiển phương tiện thủy không có chứng chỉ chuyên môn, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm theo quy định.


ÐỖ NAM

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)