Hòa Bình: 4 nhiệm vụ trọng tâm kiềm chế TNGT năm 2009

Thứ sáu, 27/02/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Hòa Bình, trong tháng 1 năm 2009, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ TNGT làm chết 8 người, bị thương 5 người, so với cùng kỳ năm 2008 giảm 3 vụ, số người chết giảm 3 và số người bị thương giảm 11 người. Đây là kết quả bước đầu trong việc thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Hòa Bình nhằm giảm thiểu TNGT trong năm 2009.

Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Hòa Bình, trong tháng 1 năm 2009, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ TNGT làm chết 8 người, bị thương 5 người, so với cùng kỳ năm 2008 giảm 3 vụ, số người chết giảm 3 và số người bị thương giảm 11 người. Đây là kết quả bước đầu trong việc thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Hòa Bình nhằm giảm thiểu TNGT trong năm 2009.

Trong năm 2008, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn đã có những bước chuyển biến tốt, ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng lên, TNGT đã giảm 2 tiêu chí về số vụ, số người chết, riêng số người bị thương tăng 6 người so với năm 2007. Ban ATGT tỉnh đã phối hợp cùng các huyện, thành phố, Sở, ngành tập trung chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, phù hợp với từng đối tượng ở từng địa phương; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT. Đồng thời tổ chức phối hợp với các ngành chức năng để xử lý dứt điểm chợ họp lấn đường, vi phạm, tái vi phạm hành lang ATGT tại địa phương…

Ban ATGT tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương, các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, không bỏ sót các hành vi vi phạm và đặc biệt chú ý đến các xe vận tải khách dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định, phóng nhanh, vượt ẩu tranh giành hành khách là những nguyên nhân tiềm ẩn gây TNGT nghiêm trọng.

Công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát giữa lực lượng cảnh sát QLHC về TTXH và Thanh tra giao thông theo Quy chế phối hợp số 1393/QCLN ngày 20/11/2003 giữa Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, hai ngành Công an và GTVT đã xây dựng Quy chế số 584/QCLN ngày 24/9/2004 phối hợp kiểm tra đảm bảo trật tự ATGT đường bộ được hai đơn vị duy trì thường xuyên, liên tục. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính gần 30.000 trường hợp, tiền phạt nộp Kho bạc Nhà nước là trên 6,2 tỷ đồng, tước quyền sử dụng 399 giấy phép lái xe các loại.

Nhằm giảm thiểu TNGT trong năm 2009, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm quyết giảm TNGT: Thứ nhất tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT theo chuyên đề đối với xe ô tô chở khách vi phạm; xe ô tô vi phạm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, hết niên hạn sử dụng; xe 3, 4 bánh tự chế không phải là xe của thương binh, người tàn tật; kiên quyết đình chỉ lưu hành đối với các trường hợp vi phạm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, xóa sổ đối với phương tiện hết niên hạn sử dụng; hạ tải, xuống khách đối với trường hợp quá tải, quá khách. Đặc biệt vào các giờ cao điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và không bỏ sót các hành vi vi phạm, tổ chức tuần tra trên tất cả các tuyến đường.

Thứ hai UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền các phường, xã, thị trấn, đơn vị quản lý đường bộ, Thanh tra giao thông giải tỏa hành lang ATGT, chợ họp lấn đường. Triển khai mạnh mẽ đồng bộ các giải pháp giải tỏa hành lang ATGT theo Quyết định số 1856/2007/QĐ-TTg và Kế hoạch số 213/KH-SGTVT ngày 16-5-2008 về việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, sử dụng, bảo vệ và giải tỏa hành lang ATGT đường bộ.

Thứ ba tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, đào tạo cấp giấy phép lái xe. Các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương có các biện pháp xử lý các xe công nông, phương tiện tự chế 3,4 bánh theo đúng tinh thần Nghị quyết 32/2007/NQ-CP.

Nhiệm vụ thứ tư kiên trì tuyên truyền kết hợp với cưỡng chế thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, chú trọng đến vùng nông thôn, vùng sâu, xa. Đặc biệt chú trọng đến giáo dục văn hóa giao thông, giáo dục ý thức, trách nhiệm, lương tâm, đạo đức người lái xe. Xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự ATGT”. Nâng cao vai trò của thủ trưởng các đơn vị, uy tín của các già làng, trưởng bản, trưởng họ, cha, mẹ trong việc phối hợp với các tổ chức đoàn thể, với nhà trường để giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cho các tầng lớp thanh, thiếu niên.

Đưa ra các biện pháp mạnh, cụ thể đến từng đối tượng là thể hiện quyết tâm của tỉnh Hòa Bình nhằm giảm thiểu TNGT đến mức thấp nhất trong năm 2009.

 

nguồn giaothongvantai.com.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)