Phép vua thua... luật làng!

Thứ sáu, 27/03/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tại các địa phương, đội ngũ cán bộ làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) được gắn mác “kiêm nhiệm”. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn kiêm trưởng ban ATGT; trưởng công an xã, phó chủ tịch UBND kiêm phó ban và các cán bộ xã từ hội phụ nữ, hội nông dân, Đoàn thanh niên, công an viên… đều là các tổ chức thành viên.

Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân, Chính phủ, các tỉnh, thành phố và chính quyền các địa phương đã huy động tối đa lực lượng tập trung đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông đến nay vẫn chưa được cải thiện, nếu không muốn nói là đang có chiều hướng gia tăng trở lại.

 

Từ tổ chức và kinh phí...

Tại các địa phương, đội ngũ cán bộ làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) được gắn mác “kiêm nhiệm”. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn kiêm trưởng ban ATGT; trưởng công an xã, phó chủ tịch UBND kiêm phó ban và các cán bộ xã từ hội phụ nữ, hội nông dân, Đoàn thanh niên, công an viên… đều là các tổ chức thành viên.

Điều đó cũng có nghĩa là đến nay vẫn chưa có một mô hình tổ chức quản lý đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cụ thể nào được triển khai áp dụng đồng bộ trong toàn tỉnh. Được biết, dù hàng năm, ngành giao thông vận tải đã tổ chức các lớp nghiệp vụ giao thông vận tải cho đội ngũ cán bộ các xã, thị trấn, song chừng đó vẫn chưa thể đáp ứng hết được nhu cầu cho nhiệm vụ công tác.

Mặt khác, do đặc thù công việc nên đa phần những người được đào tạo nghiệp vụ không được bố trí công việc đúng lĩnh vực hoạt động mà thay đổi tuỳ thuộc vào cơ cấu tổ chức tại từng địa phương. Vì vậy, nhiều xã, thị trấn hiện nay đang rất thiếu những cán bộ có trình độ hiểu biết về pháp luật nói chung và Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nói riêng. Thêm vào đó, do là hoạt động kiêm nhiệm nên nguồn kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, bảo đảm TTATGT cũng rất hạn chế. Tại những địa phương có ngân sách hạn hẹp thì chi phí cho công tác này gần như không có.

Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2053/QĐ-UBND quy định về “Việc quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường nội địa trên địa bàn tỉnh Yên Bái”, trong đó ghi rõ: “Chi bồi dưỡng cho các thành viên, chuyên viên giúp việc Ban an toàn giao thông trong quá trình hoạt động kiêm nhiệm tối đa không quá 200.000đ/người/tháng. Đối với ban an toàn giao thông cấp huyện, cấp xã thì tuỳ theo khả năng của nguồn thu mà thực hiện chi bồi dưỡng cho các đối tượng như trên nhưng tối đa không vượt quá mức chi 100.000đ/ người/ tháng đối với cấp huyện và tối đa không vượt quá mức chi 50.000đ/ người/ tháng đối với cấp xã”.

Hướng dẫn hỗ trợ đối với các thành viên, chuyên viên giúp việc ban ATGT các cấp là như vậy nhưng đến nay tại rất nhiều địa phương việc chi trả cũng chưa thể thực hiện được mà chủ yếu mới dừng lại ở việc chi bồi dưỡng cho lực lượng công an các địa phương. Kinh phí hoạt động cho ban ATGT ở các địa phương khó khăn là vậy nhưng vẫn còn có cơ sở để hy vọng còn đối với lực lượng giúp việc mà cụ thể là các lực lượng tình nguyện thì đó lại là cả một vấn đề.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Tỉnh Đoàn Yên Bái cho biết: “Việc đoàn viên thanh niên tham gia tình nguyện góp sức đảm bảo TT ATGT là việc làm đầy ý nghĩa và hết sức cần thiết. Trong thời gian qua, lực lượng đoàn viên thanh niên toàn tỉnh thường xuyên gắn việc tuyên truyền đảm bảo TT ATGT vào hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên.

Tuy nhiên, do kinh phí hoạt động còn hạn chế nên việc tuyên truyền chưa thu được kết quả như mong đợi. Mặc dù phải mượn xe, xin tiền xăng, tiền ăn… từ gia đình nhưng nhiều bạn trẻ vẫn tích cực tham gia. Nói ra không phải để kể công, để đòi hỏi quyền lợi nhưng nếu nhận được sự động viên cần thiết thì chắc chắn hoạt động tình nguyện của các bạn ấy sẽ hiệu quả hơn nhiều”.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường Điện Biên, thành phố Yên Bái.

Hoạt động tích cực nhưng lại chưa nhận được sự động viên, khích lệ kịp thời nên nhiều thành viên ban ATGT cấp cơ sở không còn mặn mà với hoạt động kiêm nhiệm này. Vì vậy, đối với những xã, thị trấn có đội ngũ cán bộ nhiệt tình tâm huyết, tích cực tham gia công tác thì việc đảm bảo ATGT cũng như ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của bà con nhân dân vẫn tiếp tục có nhiều những chuyển biến.

Ngược lại thì thật khó hi vọng. Đã đến lúc chúng ta cần có những chế độ để đảm bảo công bằng trong thu nhập đối với cán bộ làm công tác đảm bảo TT ATGT tại cơ sở, để cho họ yên tâm công tác mà không phải lo mưu sinh.

... Đến hạn chế trong khâu triển khai thực hiện

Những khó khăn trong công tác đảm bảo TT ATGT ở cơ sở trong thời gian qua chưa được nhanh chóng khắc phục đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác tuyên truyền và ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân. Tuy nhiên, khách quan mà nói, việc công tác đảm bảo TT ATGT tại cơ sở chưa phát huy hiệu quả cũng phải kể đến yếu tố “nể nang” trong khâu tổ chức tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng địa phương.

Tại rất nhiều địa phương, đang tồn tại “luật làng”, tức là người cùng làng, cùng xã nếu vi phạm thì chỉ nhắc nhở, cảnh cáo còn các hình thức xử phạt khác hầu như chỉ áp dụng cho những người vi phạm ở làng xã khác trừ phi bắt buộc khi có đoàn kiểm tra tỉnh huyện đến. Như thế vô hình chung đã dung túng cho các hành vi tái phạm.

Việc quản lý phương tiện cơ giới tại các xã, thị trấn cũng rất yếu. Đến nay, không có nhiều địa phương thống kê được chính xác số ô tô, xe máy mà người dân đang sở hữu trên địa bàn quản lý chưa nói đến việc thống kê có bao nhiêu xe đã được đăng ký, bao nhiêu người dân có giấy phép lái xe, có giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc đối với các loại mô tô, xe máy.

Tình hình đảm bảo TTATGT tĩnh cũng đang diễn ra rất lộn xộn. Hầu hết các địa phương có chợ, tình hình vi phạm hành lang ATGT, lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trước sự lúng túng của chính quyền địa phương. Các vi phạm không nhận được những hình thức xử phạt thích đáng đã dần dần tạo tâm lý “nhờn luật”. Và điều này thể hiện rõ nhất trên các tuyến đường nông thôn khi sau một thời gian chấp hành khá nghiêm túc đến nay số lượng người vi phạm đã tăng rõ rệt.

Tại rất nhiều xã, thị trấn của các huyện Lục Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải… những trường hợp biết là không đủ điều kiện tham gia giao thông những vẫn cố tình vi phạm không phải là hiếm. Hậu quả là ngày càng nhiều những vụ “tai nạn  về quê”.

Vừa qua, tại Trấn Yên, “tay lái làng” Vũ Văn Ngà, sinh năm 1990, trú tại thôn 10, xã Hưng Khánh, (không có giấy phép lái xe và không đội mũ bảo hiểm) đã điều khiển xe mô tô BKS 21V5 1742 đi sai phần đường quy định và đâm vào xe mô tô BKS 21T3 9528, do ông Lương Ngọc Trai, sinh năm 1958, trú tại thôn 9 xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên. Hậu quả đã làm cả Trai và Ngà tử vong, 2 xe máy hư hỏng nghiêm trọng.

Mới đây nhất, tại thị xã Nghĩa Lộ, Sa Văn Thiện, sinh năm 1990, điều khiển xe mô tô BKS 21T5 6921, phía sau đèo Lương Văn Thức, sinh năm 1983 và Lương Văn Nhiệm, sinh năm 1986 (cả 3 đều trú tại khu 6, thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn) do chở quá số người quy định và không làm chủ được tốc độ đã đâm vào xe ô tô mang BKS 21H 2434 do Nông Văn Khởi, sinh năm 1974, trú tại tổ 3, phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ đi ngược chiều. Hậu quả là Thức và Thiện chết tại chỗ, Nhiệm cũng tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Những vi phạm về TTATGT giao thông tại khu vực nông thôn, trên các tuyến đường liên thôn, liên xã là rất rõ ràng, song do chưa phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước trong công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn nên rất nhiều địa phương, chính quyền đành bó tay. Người dân tham gia giao thông trên các tuyến đường nông thôn bây giờ đành phải đề cao cảnh giác và phó mặc cho may rủi.

Dẫu biết rằng chưa thể thay đổi ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo TTATGT của người dân trong một sớm, một chiều. Nhưng cũng không thể bố trí mỗi đoạn đường liên thôn, liên xã 1 chiến sĩ cảnh sát giao thông, một chiếc máy bắn tốc độ, máy đo nồng độ cồn… hay những thiết bị phụ trợ khác. Vì vậy, để không bỏ trận tuyến đảm bảo TTATGT ở cơ sở.

Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền và tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm và cấp kinh phí phục vụ hoạt động đảm bảo TTATGT thì cần phải nhanh chóng chấn chỉnh lại vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cấp chính quyền cơ sở; kịp thời biểu dương, khen thưởng những địa phương có thành tích xuất sắc cũng như nhắc nhở, xử lý kịp thời những địa phương buông lỏng quản lý, thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Đặc biệt, đối với những cá nhân thực hiện không tốt hoặc cố tình không thực hiện gây sai phạm lớn, ngoài việc kiểm điểm nghiêm khắc cần xem xét bãi bỏ các chức vụ hay thực hiện luân chuyển sang công tác khác.

nguồn baoyenbai.com.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)