Bà Lương Thị Hồng Thuý - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Gia Viễn: "Học kỳ I (năm học 2008 - 2009), ngành GD&ĐT huyện đã phát 2.214 bộ tài liệu dạy và học Luật GTĐB gồm sách, mô hình sa bàn, biển báo hiệu giao thông, tranh ảnh, đĩa video ATGT... Tổ chức "Thi tìm hiểu ATGT" (gồm thi "Kiến thức", "Tiểu phẩm" và "Vẽ tranh ATGT") cho 100% trường tiểu học, thu hút khoảng 21.000 học sinh, giáo viên cùng tham gia."
|
Theo Phòng GD&ĐT huyện Gia Viễn, ngay đầu tháng 9/2008 (năm học 2008 - 2009), các trường tiểu học và THCS trên địa bàn đã tổ chức tuyên truyền, giảng dạy 6 tiết pháp luật ATGT chính thức cho học sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT. Sau đó, mỗi tháng 2 - 3 lần, giáo viên chủ nhiệm chủ động đưa pháp luật ATGT giảng dạy lồng ghép từ 10 - 15 phút với môn Văn học, Giáo dục công dân, Địa lý. Học sinh được bổ sung các quy định xử phạt các lỗi vi phạm pháp luật ATGT trong Nghị định 146/2007/NQ-CP của Chính phủ; được hướng dẫn cách thức nhận biết chiếc xe đạp an toàn (có phanh, gác đờ bu, lốp chưa bị mòn vẹt, bàn đạp, chân chống...), quy trình sử dụng và điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn.
Bà Lương Thị Hồng Thúy - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Gia Viễn cho biết: "Trong học kỳ I (năm học 2008 - 2009), ngành GD&ĐT huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 420 giáo viên với nội dung tuyên truyền, giảng dạy lồng ghép pháp luật ATGT với các môn học chính thức. Liên tục trong học kỳ I, ngành GD&ĐT huyện tổ chức các buổi dự giờ, đánh giá kết quả triển khai và chỉ đạo, hướng dẫn đưa ra các hình thức tuyên truyền, giảng dạy pháp luật ATGT lồng ghép mới, sáng tạo, phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng học sinh".
Tại Trường tiểu học Gia Viễn, thị trấn Gia Viễn (huyện Gia Viễn), từ đầu năm đến nay, đã triển khai 30 bài học pháp luật ATGT chính thức (không lồng ghép), với các nội dung nhận biết biển báo hiệu giao thông, phương pháp lưu thông qua ngã tư, cách đi đúng làn đường, lưu thông trên vỉa hè đảm bảo an toàn... Với các buổi học ATGT lồng ghép, nhà trường yêu cầu giáo viên mỗi khối lớp tổ chức soạn giáo án, bài giảng riêng, phù hợp với trình độ, lứa tuổi học sinh; tích cực sáng tạo ra các trò chơi (như đóng vai CSGT, biểu diễn tiểu phẩm...), mô hình vẽ sa bàn gắn liền với tình hình trật tự ATGT thực tế của nhà trường để học sinh thực hành.
Cô giáo Lê Thị Như Hoa - Trường tiểu học Gia Viễn cho biết: "Nhà trường tăng cường giờ học thực hành bằng các hình ảnh trực quan (qua đĩa video), mô hình để tạo điều kiện cho học sinh làm quen với các tình huống giao thông đơn giản, gần gũi với cuộc sống hàng ngày; tích cực xây dựng các trò chơi giao thông tập thể cho học sinh như biểu diễn tiểu phẩm, thực hành lưu thông quốc lộ, qua ngã tư đèn giao thông..., góp phần nâng cao ý thức trẻ nhỏ khi tham gia giao thông."
Bà Phạm Thị Mùi - Hiệu trưởng Trường tiểu học Gia Viễn cho biết: "Đối với học sinh tiểu học và THCS, việc giảng dạy pháp luật ATGT lồng ghép với các môn học chính khoá giúp các em bổ sung thường xuyên kiến thức pháp luật ATGT, nhờ đó các em mới hiểu, nhớ lâu các kiến thức, kỹ năng an toàn, điều đó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hạn chế vi phạm và TNGT học đường. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm phụ trách lớp xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giảng dạy lồng ghép ATGT với các môn chính khoá.
Trong đó, chú trọng rèn luyện các kỹ năng, phương pháp tham gia giao thông đảm bảo an toàn, phù hợp với lứa tuổi từng khối học. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải thường xuyên đổi mới phương pháp, hình thức truyền đạt thông tin sao cho phù với từng thời điểm tình hình trật tự ATGT trên địa bàn. Giáo viên chủ nhiệm các lớp còn tăng cường giờ học ngoại khoá bằng việc lồng ghép ATGT với thơ ca, truyện dân gian (như Sọ Dừa, Tấm Cám, Thỏ và Rùa...)".
nguồn banduong.vn